Ở xã Đá Bạc, huyện Châu Đức có 302 hộ đồng bào dân tộc Chơ Ro, tập trung chủ yếu ở các thôn Lồ Ồ, Bình Sơn, Phú Sơn. Những năm gần đây, công tác giảm nghèo cho đồng bào Chơ Ro luôn được chính quyền xã đặt lên hàng đầu.
Trao “cần câu” cho hộ nghèo
Nếu như trước kia, người dân tộc Chơ Ro chỉ làm nông để đủ ăn, thì hiện nay đã có ý thức vươn lên để trở thành khá giàu. Điển hình là hộ anh Đào Văn Tâm ở thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, vừa kết hợp chăn nuôi dê, gà, heo rừng với làm ruộng…
Nhờ được trao “cần câu”, người Chơ Ro ở huyện Châu Đức phát triển nghề chăn nuôi, trở nên khấm khá. |
Trong căn nhà khá khang trang, anh Tâm phấn khởi cho biết, vừa mua thêm chiếc máy cày để đáp ứng nhu cầu mùa vụ. Nhờ có máy móc hỗ trợ việc sản xuất, mỗi năm gia đình anh có thu nhập gần 100 triệu đồng, tạo thêm việc làm cho 4 lao động địa phương.
Có được thu nhập khá như ngày nay, theo anh Tâm, đó là nhờ được chính quyền địa phương hỗ trợ rất nhiều, như là trao “cần câu” cho bà con Chơ Ro có điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn.
Gia đình ông Đào Văn Nuôi, 59 tuổi, cũng là một trong những hộ đồng bào dân tộc Chơ Ro ở xã Đá Bạc được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước.
Từ 2 con dê giống và 1 con bò sinh sản được hỗ trợ ban đầu, đến nay, gia đình ông đã xây được nhà cửa khang trang, nuôi dạy con cái khôn lớn.
Ông Nuôi kể, trước đây, cuộc sống khó khăn, vợ chồng ông phải chạy ăn từng bữa bằng công việc làm thuê, làm mướn. Nhằm giúp gia đình ông phát triển kinh tế, địa phương đã xem xét, đưa vào diện được hỗ trợ.
Không chỉ hỗ trợ con giống, ông Nuôi còn được tập huấn, phổ biến khoa học kỹ thuật tiên tiến áp dụng vào chăn nuôi. Đến nay, đàn bò, dê của gia đình ông đã phát triển lên gần 20 con. Từ việc bán bê, dê thịt, ông thu lãi hơn 80 triệu đồng/năm. 5 năm trước, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo và đến nay trở nên khấm khá, có của ăn của để.
Ở tổ 17, thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh (huyện Châu Đức) có gia đình chị Đào Thị Sáng, 29 tuổi, người dân tộc Chơ Ro, trước đây là hộ nghèo. Cuộc sống thiếu trước hụt sau nên vợ chồng chị chưa có điều kiện xây được nhà mới, phải sống trong căn nhà xuống cấp, dột nát.
Hai năm trước, gia đình chị Sáng được hỗ trợ xây nhà theo chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc, gia đình chị đã có căn nhà cấp 4 để an cư.
“Nhờ sự quan tâm của chính quyền và sự giúp đỡ của người thân mà vợ chồng tôi thoát cảnh sống tạm bợ. Có căn nhà mới kiên cố, vợ chồng chúng tôi yên tâm sinh sống, tập trung lo làm ăn, ổn định cuộc sống”, chị Sáng bày tỏ.
Giảm nghèo bền vững
Tính đến nay, đã có hơn 98% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đặc biệt khó khăn, trong đó có nhiều người Chơ Ro trên địa bàn huyện Châu Đức được hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố.
Ngoài ra, để tạo động lực giúp người dân Chơ Ro ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, chính quyền huyện Châu Đức còn hỗ trợ cho vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, đào tạo nghề; hỗ trợ cây, con giống, máy móc, vật tư nông nghiệp từ nguồn vốn hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135…
Nhiều phụ nữ Chơ Ro ở xã Bàu Lâm thoát nghèo nhờ được hỗ trợ phát triển đàn bò. |
Còn ở xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc, trước đây, nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số trong xã nằm trong diện nghèo, khó khăn. Kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp trồng cao su, tiêu, điều…, do chưa biết cách làm ăn, thời tiết thất thường nên họ chăn nuôi thua lỗ, tiêu, điều chết hàng loạt.
Để giúp bà con Chơ Ro phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, ngoài nguồn vốn vay ưu đãi, chính quyền xã Bàu Lâm còn tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò, chăm sóc tiêu, phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ vay vốn cho các hộ nghèo nhằm phát triển đàn bò.
Từ đồng vốn được vay, các hộ nghèo trên địa bàn xã đã làm ăn hiệu quả. Chị Đào Thị Thanh, người Chơ Ro ở ấp 7, xã Bàu Lâm chia sẻ: "Cứ nhìn đàn bò 16 con là tôi vui. Nhờ có chính sách hỗ trợ mà gia đình tôi phát triển được nghề chăn nuôi, nâng cao thu nhập, có tiền tân trang lại nhà cửa, sắm xe máy để đi lại".
Hội phụ nữ xã Bàu Lâm cũng tích cực thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như: “Phụ nữ khởi nghiệp may công nghiệp”; “Trồng mít thái siêu sớm kết hợp chăn nuôi dê”; “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”… góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các phụ nữ người Chơ Ro.
Lãnh đạo xã Bàu Lâm cho biết, đến nay, nhiều hộ đồng bào Chơ Ro đã mua được xe máy, dựng nhà, đầu tư tưới tiêu, chuồng trại… Bộ mặt của địa phương đã dần thay đổi, giảm nghèo bền vững.
Thanh Loan
Bài 3: Điểm nhấn phát triển du lịch