Hồi tháng 10 năm ngoái, ở xã An Phú (huyện Tịnh Biên), các nông dân Khmer đã tham gia thành lập HTX sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm từ cây thốt nốt với 36 thành viên.
Nâng giá trị cho cây thốt nốt
Tính đến nay, HTX này đang thực hiện tốt các dịch vụ sản xuất kinh doanh như: thu mua và tiêu thụ các sản phẩm từ cây thốt nốt, các dịch vụ tín dụng nội bộ và cung ứng nguyên vật liệu sản xuất đường.
Để nâng cao giá trị cây thốt nốt ở huyện Tịnh Biên thì vai trò kết nối từ sản xuất cho đến chế biến, tiêu thụ của HTX là rất cần thiết. |
Theo đánh giá, việc thành lập HTX đã góp phần đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp của đồng bào Khmer ở xã An Phú theo hướng hiện đại, phù hợp với nhu cầu thị trường, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.
Ngoài xã An Phú thì ở xã Nhơn Hưng (huyện Tịnh Biên) cũng có HTX sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt Nhơn Hưng được thành lập từ năm 2018, đến nay hoạt động khá hiệu quả có sự tham gia tích cực của các thành viên là nông dân Khmer.
Ông Trần Văn Cứng, Chủ tịch Liên minh Hợp Tác Xã tỉnh An Giang, đã ghi nhận những thành tích mà HTX này đạt được trong giai đoạn 2018 - 2021 và mong HTX tiếp tục phát triển ổn định và bền vững; duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, nguồn nhân lực và năng lực quản lý, điều hành. Nhất là tạo sự đột phá, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.
Cây thốt nốt xưa nay đã gắn liền với đời sống người dân Khmer ở huyện Tịnh Biên. Hiện toàn huyện có hơn 100.000 cây thốt nốt đang trong quá trình khai thác, tập trung rải đều ở các xã trên địa bàn. Và việc nâng cao giá trị cây thốt nốt là rất cần thiết, nhất là vai trò kết nối từ sản xuất cho đến chế biến, tiêu thụ của HTX, doanh nghiệp cũng như tham gia tích cực vào chương trình OCOP.
Như hồi năm ngoái, với việc nâng giá trị cho cây thốt nốt, huyện Tịnh Biên cũng có 5 sản phẩm của Công ty TNHH MTV phát triển đặc sản vùng miền Trần Gia được phân hạng 4 sao trong chương trình sản phẩm OCOP tỉnh An Giang, gồm: Nước màu thốt nốt nguyên chất, đường thốt nốt (dạng bột), đường thốt nốt dạng viên, đường thốt nốt cô đặc, rượu vang thốt nốt (12% VOL). Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có 1 sản phẩm được phân hạng 3 sao là rượu thốt nốt 29 độ.
Để nâng cao giá trị sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt ở huyện Tịnh Biên, thời gian qua tỉnh An Giang đã thực hiện dự án “Nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer tỉnh An Giang”.
Hiệu quả thiết thực
Sau 3 năm thực hiện, đến nay dự án này đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp người dân Khmer ở Tịnh Biên sản xuất đường thốt nốt nâng cao thu nhập, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Cây thốt nốt gắn liền với đời sống người Khmer ở Tịnh Biên. |
Khi tham gia dự án, đồng bào Khmer trong huyện được tập huấn về sản xuất và chế biến đường thốt nốt. Từ đó giúp họ trang bị thêm kiến thức về sản xuất ra sản phẩm chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, từ chế biến, bảo quản đến sử dụng dụng cụ… góp phần nâng cao giá trị đường thốt nốt.
Nếu như trước đây, đường thốt nốt được bán với giá từ 18.000-20.000 đồng/kg, thì hiện nay, giá đường đã được nâng lên từ 22.000-25.000 đồng/kg, nhiều hộ còn bán được với giá 45.000 đồng/kg. Tính bình quân mỗi hộ sản xuất 20kg đường/ngày thì có thêm 40.000-100.000 đồng/ngày, tăng thu nhập từ 1-3 triệu đồng/tháng.
Vốn là huyện có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhiều nhất tỉnh An Giang (chiếm 26,3%), những năm gần đây nhờ những chính sách đặc thù của Nhà nước dành cho vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và nhờ phát triển mô hình HTX mà đời sống bà con dân tộc Khmer ở Tịnh Biên đã khấm khá hơn.
Đặc biệt là huyện Tịnh Biên đã triển khai các chuyên đề về tuyên truyền, vận động bà con Khmer tham gia, thành lập HTX nông nghiệp kiểu mới, hỗ trợ thành lập mới HTX, các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi tín dụng; vốn, giống...
Ngoài ra, trong thời gian tới, huyện Tịnh Biên có định hướng phát triển tiểu thủ công nghiệp (nhất là trong cộng đồng bà con Khmer) gắn với Chương trình OCOP nhằm phát huy các nguồn nguyên vật liệu sẵn có để tạo ra sản phẩm phục vụ du lịch. Hồi năm 2020, huyện đã có 7 sản phẩm được UBND tỉnh An Giang công nhận đạt chuẩn OCOP.
Trong năm 2021 này, ông Nguyễn Thành Huân, Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên, cho biết huyện phấn đấu xây dựng 20 sản phẩm đặc thù của địa phương phục vụ du lịch và có 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Nhất là huyện sẽ đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển sản phẩm OCOP.
Thanh Loan