Ở ấp An Lợi, xã An Hảo (huyện Tịnh Biên) có ông Chau Tông là một nông dân Khmer điển hình đã chuyển đổi từ cây lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu nhờ tích cực tham gia các chương trình khuyến nông, xây dựng nông thôn mới.
Người Khmer ở An Hảo làm nông nghiệp giỏi
Việc chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào canh tác đã giúp việc trồng trọt của ông Chau Tong mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn, mỗi năm có thu nhập trên 100 triệu đồng.
Ở xã An Hảo có nhiều nông dân Khmer sản xuất giỏi. |
Ngoài ra, trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã An Hảo, nhất là tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, còn có nhiều nông dân Khmer khác như: Chau Rên, Chau Sóc Danh, Chau Tinh, Chau Y... vừa trồng trọt, vừa chăn nuôi (chủ yếu nuôi bò) theo phương pháp “lấy ngắn nuôi dài”, vừa tổ chức dịch vụ phục vụ nông nghiệp.
Nhờ vào việc kết hợp này đã giúp mang lại thu nhập cao và ổn định cho các nông dân, tạo ra những mô hình sản xuất tiêu biểu để đồng bào Khmer ở các phum, sóc đến tham quan, học hỏi.
Từ cách đây hơn 5 năm, ở xã An Hảo đã có 171 nông dân thu nhập dưới 100 triệu đồng/người/năm, 331 nông dân thu nhập từ 100 – 500 triệu đồng/người/năm. Trong đó, đồng bào Khmer được xét chọn “Nông dân giỏi” cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh chiếm đến 75%.
Đây cũng là một trong những địa phương có đông đồng bào Khmer và việc xét chọn “Nông dân giỏi” cũng chiếm tỉ lệ cao. Đặc biệt, An Hảo còn là một trong hai xã xuất phát từ chương trình “Điểm sáng An Giang”, nhiều mô hình trồng hoa màu trên đất núi tiếp tục phát huy tốt, giúp đồng bào Khmer cải thiện cuộc sống và sinh hoạt phum, sóc ngày càng phát triển hơn.
Có thể nói, với các hoạt động sản xuất nông nghiệp tiến bộ, hiệu quả của đồng bào Khmer ở xã An Hảo đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Nhất là giúp đời sống của người nông dân Khmer ở xã An Hảo từng bước được nâng cao, số hộ khá, giàu ngày càng tăng, hộ nghèo giảm, nông dân yên tâm phấn khởi sản xuất và tích cực góp công sức, tiền của, đất đai cùng chính quyền chung tay xây dựng nông thôn mới.
Còn ở xã Núi Voi (huyện Tịnh Biên), đồng bào Khmer nhiều năm nay khá tích cực trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cùng chính quyền địa phương.
Điều này giúp cho xã Núi Voi đã đạt chuẩn nông thôn mới từ cách đây 5 năm, bộ mặt nông thôn ở xã ngày càng khởi sắc, đời sống người dân Khmer trong xã ngày càng được cải thiện.
Từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo
Điểm ghi nhận về mặt đầu tư hạ tầng ở xã Núi Voi là các trục đường chính của xã đã được nhựa hóa 100%, các tuyến đường giao thông nông thôn từ trục đường chính về đến các ấp cũng đều đạt chuẩn theo yêu cầu.
Diện mạo phum, sóc của người Khmer ở Tịnh Biên ngày càng khang trang nhờ đầu tư hạ tầng kiên cố. |
Hay như ở xã An Cư (huyện Tịnh Biên), có nhiều cụm, tuyến dân cư được chỉnh trang, hình thành mới, các tuyến đường được thắp sáng vào ban đêm, có hệ thống cung cấp nước sinh hoạt nhờ vào các chương trình, dự án của Nhà nước.
Ông Chau Dách, người dân tộc Khmer ở ấp Bà Đen thuộc xã An Cư, cho biết đồng bào Khmer ở vùng sâu, khu vực hẻo lánh rất phấn khởi, bởi được Đảng và Nhà nước quan tâm, cùng chung tay xây dựng xóm, ấp và phum, sóc ngày càng tiến bộ.
Là huyện biên giới miền núi ở tỉnh An Giang, nơi tập trung đông đảo đồng bào dân tộc Khmer, đời sống gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhưng chỉ sau 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, thì đến nay bộ mặt nông thôn ở các xã trên địa bàn huyện Tịnh Biên đã thay đổi rõ rệt.
Nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Tịnh Biên đã nỗ lực chuyển đổi hơn 1.579ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Ngoài ra, huyện đã thẩm định, phê duyệt và triển khai 11 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, triển khai 5 mô hình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ và xây dựng 1 mô hình vườn du lịch.
Trong năm nay, huyện Tịnh Biên sẽ tiếp tục duy trì, nâng chất các xã đạt chuẩn nông thôn mới như: Núi Voi, Thới Sơn, Nhơn Hưng. Ngoài ra, huyện còn sử dụng hiệu quả nguồn vốn để đầu tư phát triển nông thôn mới cho các xã: An Phú, An Nông, An Cư, Văn Giáo...
Từ việc đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, tạo sinh kế cho lao động nông thôn đã giúp tỷ lệ hộ nghèo ở Tịnh Biên ngày càng kéo giảm rõ rệt. Nếu như năm 2010, Tịnh Biên có 6.768 hộ nghèo (chiếm 22,92%) thì đến nay chỉ còn 2.392 hộ (chiếm 7,92%), riêng đồng bào Khmer, hộ nghèo giảm còn 4,75%
Ông Néang Sêm, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tịnh Biên, cho biết: “Thực hiện các chính sách của của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của các cấp tỉnh, huyện, tình hình đời sống của bà con dân tộc Khmer trên địa bàn huyện từng bước phát triển. Đặc biệt, tình hình hộ nghèo trong đồng bào dân tộc đã giảm đáng kể, năm 2019 số hộ nghèo dân tộc Khmer là 871 hộ, đến cuối năm 2020 còn 666 hộ”.
Thanh Loan
Bài cuối: Cùng nhau phát triển HTX và sản phẩm OCOP