Với khoảng 75% dân số là người Raglai, chứa đựng nhiều nét văn hóa truyền thống của cư dân bản địa. Trong định hướng của huyện miền núi xa xôi Khánh Sơn, các di sản văn hóa của bà con dân tộc thiểu số chính là sản phẩm độc đáo để góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.
Lợi thế vùng vệ tinh phát triển du lịch
Những năm qua, Khánh Sơn đã nỗ lực nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai gắn với kinh tế xã hội của huyện.
Tiêu biểu trong số đó là phong tục lễ bỏ mả đã được bảo tồn, phục dựng trong cộng đồng dân cư. Các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như: Trình diễn đàn đá, hát kể sử thi, biểu diễn nhạc cụ dân tộc… bước đầu đã gây dựng được phong trào trong các thôn làng.
![]() |
Lễ ăn mừng lúa mới của người Raglai ở huyện Khánh Sơn. |
Theo giới chuyên gia, huyện miền núi Khánh Sơn về mặt địa lý nằm ở vành đai trung tâm du lịch nổi tiếng của Khánh Hoà là hai thành phố Nha Trang và Cam Ranh, nên có lợi thế tạo thành vùng vệ tinh phát triển du lịch cho hai khu đô thị du lịch nổi tiếng. Bên cạnh đó, khí hậu Khánh Sơn mát mẻ quanh năm, có nhiều đặc sản nổi tiếng của người Raglai cũng sẽ là một lợi thế.
Vì thế trong tương lai gần, huyện sẽ có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch, không ít doanh nghiệp đã đến đây khảo sát và nhìn thấy tiềm năng đầu tư, phát triển.
Nếu được đầu tư đúng mức về cơ cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch sinh thái, kết hợp du lịch văn hóa bản địa, ẩm thực, tham quan miệt vườn của người dân tộc Raglai sẽ tạo sự hấp dẫn cho du khách.
Đồng thời, huyện Khánh Sơn cũng sớm phục dựng lại nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào Raglai, tổ chức các lớp truyền dạy đánh mã la, hát dân ca, sử thi. Phục dựng lễ ăn mừng lúa mới, bỏ mả của người Raglai, khôi phục lại nghề đan lát thủ công mỹ nghệ truyền thống, tạo sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, huyện Khánh Sơn có nhiều lợi thế để phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh. Khai thác các giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của đồng bào Raglai là điều kiện tốt để phát triển du lịch cộng đồng.
Khi đến Khánh Sơn, du khách có thể tham quan tìm hiểu đời sống văn hóa, tập quán sản xuất của người dân tộc bản địa Raglai kết hợp thưởng thức các loại nông sản có thương hiệu như: Sầu riêng, mía tím, chôm chôm, mít nghệ, bưởi da xanh... ngay tại các nhà vườn.
Cần khai thác hiệu quả
Đồng bào thiểu số nơi đây còn giữ được nhiều nghề thủ công truyền thống cũng là điều kiện cần thiết để chế tác các mặt hàng lưu niệm độc đáo. Buổi tối, du khách có thể giao lưu văn hóa với người dân Raglai ở nhà dài, hoặc tìm hiểu về những loại nhạc cụ đặc trưng của đồng bào Raglai như đàn đá, đàn chapi, mã la…
![]() |
Nét sinh hoạt đặc sắc của người Raglai ở huyện Khánh Vĩnh. |
Còn với huyện Khánh Vĩnh - cũng là một địa bàn tập trung đông đảo bà con Raglai, đã có báo cáo đề xuất gửi Sở Du lịch Khánh Hòa về chính sách phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn. Huyện này được cho là có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng nhưng chưa được khai thác hiệu quả.
Bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, địa phương có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Theo đó, trên địa bàn huyện có nhiều khu vực đồi núi cao, khí hậu nhiệt đới ôn hòa, mát mẻ, không có các hiện tượng thời tiết như: Gió nóng, sương muối, tại những vùng cao hơn, sương mù thường xuất hiện vào sáng sớm, mức độ không dày, tạo thuận lợi cho việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái.
Huyện có các sản phẩm nông sản như: Sầu riêng, chôm chôm, mít nghệ, bưởi da xanh, cam xoàn... là lợi thế trong việc khai thác du lịch tham quan nhà vườn, thưởng thức trái cây.
Huyện Khánh Vĩnh cũng có điều kiện phát triển các nghề thủ công truyền thống của đồng bào Raglai như: Đan lát, thủ công mỹ nghệ, làm nhạc cụ... là điều kiện để hình thành, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Nét văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai cũng là lợi thế để huyện phát triển du lịch cộng đồng.
Để phát triển các sản phẩm du lịch, huyện Khánh Vĩnh có đề xuất hỗ trợ mở các lớp dạy múa hát, đào tạo hình thành đội văn nghệ chuyên nghiệp biểu diễn phục vụ khách du lịch tại nhà dài của người Raglai, lớp dạy đánh mã la cho thanh, thiếu niên; các lớp dạy nghề đan lát thủ công mỹ nghệ (gùi, nỏ, đàn Chapi...).
Hồi tháng 4/2021, Sở Du lịch cũng có tham mưu UBND tỉnh Khánh Hòa xây dựng hồ sơ trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó có chính sách hỗ trợ du lịch cộng đồng ở Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.
Thanh Loan