Ông Đào An, người dân tộc Chơ Ro ở xã Đá Bạc, huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, nhiều năm trước, việc đi lại của người dân trong xã rất khó khăn, đường sá chật hẹp, nắng bụi mưa lầy khiến việc chuyên chở nông sản của bà con vất vả.
“Không những thế, trẻ em đi học, người già đi khám bệnh qua những con đường này cũng rất gian nan. Cái vòng luẩn quẩn của nghèo đói cứ thế đeo bám bà con nơi đây”, ông An hồi tưởng.
Góp công sức làm đường nông thôn
Còn những năm gần đây, nhờ xây dựng nông thôn mới mà ở xã có được những con đường bê tông sạch đẹp nên việc đi lại, vận chuyển dễ dàng, thông suốt. Đến nay, khi có đường sá rộng rãi, sạch đẹp, quê hương đổi mới, đồng bào dân tộc Chơ Ro ở xã Đá Bạc phấn khởi lao động, sản xuất, từ đó vươn lên thoát nghèo.
![]() |
Cảnh đẹp xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) nhìn từ trên cao. |
Không những vậy, nhiều hộ đồng bào Chơ Ro trên địa bàn xã Đá Bạc đã biết chuyển đổi phương thức sản xuất phù hợp. Điển hình là hộ anh Đào Văn Tâm (thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc) vừa kết hợp chăn nuôi dê, gà, heo rừng với cày ruộng, cuốn rơm…
Hiện nay, gia đình anh Tâm đã trở thành hộ khá trong xã. Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, anh Tâm còn tự nguyện hiến 480m2 đất làm đường nông thôn, tích cực tuyên truyền giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm…, và cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới.
Toàn xã Đá Bạc hiện có 302 hộ đồng bào dân tộc Chơ Ro, tập trung chủ yếu ở các thôn Lồ Ồ, Bình Sơn, Phú Sơn. Với sự góp sức quan trọng của đồng bào dân tộc Chơ Ro trong việc chuyển đổi vật nuôi và cây trồng, làm đường giao thông nông thôn, tham gia các HTX, tổ hợp tác... đã giúp xã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới vào tháng 6/2021.
Cùng với xã Đá Bạc, trong tháng 6 vừa qua, ở huyện Châu Đức còn có các xã Sơn Bình, Suối Rao, Bàu Chinh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Điển hình như ở xã Bàu Chinh, nơi tập trung đông đảo nhất đồng bào Chơ Ro ở huyện Châu Đức. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, vào năm ngoái đã có 28 người dân chung tay hiến khoảng 4.000m2 đất để cùng chính quyền làm đường giao thông qua thôn Tân Hiệp.
Ngoài ra, người dân còn nhiệt tình tham mô hình “Tuyến đường hoa nông thôn kiểu mẫu” ở thôn Tân Hiệp. Chính sự đồng lòng của người dân đã giúp chính quyền xã Bàu Chinh đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn.
Các tuyến đường trục thôn, ngõ xóm, đường xã, liên xã ở Bàu Chinh hiện đã được cứng hóa, bê tông hóa, nhựa hóa, đạt 100%. Đời sống của đồng bào Chơ Ro cũng nâng lên rõ rệt. Cách đây 2 năm, thu nhập bình quân đầu người ở xã Bàu Chinh đã đạt 62,5 triệu đồng/năm.
Phụ nữ Chơ Ro hợp tác làm kinh tế
Tính đến nay, huyện Châu Đức (địa bàn có người dân tộc Chơ Ro sinh sống đông nhất ở Bà Rịa - Vũng Tàu) đã có 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện phấn đấu đến hết năm 2021 sẽ được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
![]() |
Tham gia tổ hợp tác nuôi bò sinh sản giúp phụ nữ Chơ Ro ở Châu Đức cải thiện đời sống. |
Thời gian qua, nhiều HTX, tổ hợp tác ở huyện Châu Đức cũng hoạt động rất hiệu quả, cải thiện phương thức sản xuất nông nghiệp, giúp nhiều hộ thành viên nâng cao thu nhập, trong đó có các hộ thành viên người Chơ Ro.
Như ở xã Bình Giã hiện có 41 hộ gia đình dân tộc Chơ Ro là hội viên Hội phụ nữ xã, trong đó đa phần đều khó khăn. Để hỗ trợ các hội viên người Chơ Ro nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, hồi năm 2020, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Châu Đức và Hội phụ nữ xã Bình Giã đã phối hợp thành lập Tổ hợp tác Nuôi bò sinh sản ấp Kim Bình.
Tổ hợp tác ban đầu gồm 5 thành viên là chị em phụ nữ dân tộc Chơ Ro nuôi 26 con bò sinh sản. Tham gia Tổ hợp tác, các thành viên được tạo điều kiện học tập, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng cường liên kết trong chăn nuôi, hỗ trợ vốn, giúp nhau phát triển kinh tế.
Như trường hợp chị Lý Thị Nga, người dân tộc Chơ Ro, vốn thuộc diện hộ khó khăn ở ấp Kim Bình. Để giúp cho chị có điều kiện kinh tế, vươn lên trong cuộc sống, Hội phụ nữ xã Bình Giã đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội cho chị vay hơn 30 triệu đồng mua 2 con bò về nuôi.
Sau đó, Hội phụ nữ xã vận động chị Nga tham gia vào Tổ hợp tác Nuôi bò sinh sản ấp Kim Bình. Nhờ đó, chị Nga được các thành viên trong Tổ hợp tác chỉ dẫn, chia sẻ kinh nghiệm để chăm sóc bò tốt hơn.
“Từ khi tham gia vào Tổ hợp tác, tôi thấy lợi ích rất nhiều. Các chị em trong Tổ hợp tác đi họp với nhau rồi chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý giá đã giúp cho tôi áp dụng vào chăn nuôi được tốt hơn”, chị Nga nói.
Còn theo chị Đào Thị Nga, người dân tộc Chơ Ro, Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi bò sinh sản ấp Kim Bình: "Nhờ tham gia Tổ hợp tác, chị em học hỏi được nhiều điều bổ ích, nhất là được tập huấn các kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi bò để đạt hiệu quả cao hơn, qua đó giúp cải thiện đời sống tốt hơn".
Thanh Loan