Là một hộ nghèo ở buôn Đức Mùi, xã Ea Trol, gia đình anh Niê Y Bức (dân tộc Ê Đê) trước đây không có ruộng rẫy, không có tài sản, sống chủ yếu từ tiền công chặt mía, làm thuê theo mùa vụ.
Tạo sinh kế cho các hộ nghèo
Năm vừa rồi, gia đình anh được chính quyền địa phương cấp 1 sào ruộng, hỗ trợ phân bón, giống lúa và hướng dẫn cách trồng lúa nước. Ngoài ra, địa phương cũng cấp cho gia đình anh 1 con bò lai làm giống để phát triển kinh tế.
Anh Niê Y Bức xúc động nói: “Nhờ địa phương cấp ruộng, cấp bò, lại hướng dẫn cách làm ăn, vợ chồng mình rất phấn khởi, biết ơn Đảng, Nhà nước”.
Được Nhà nước hỗ trợ nuôi bò giúp phụ nữ Ê Đê ở huyện Sông Hinh thoát nghèo. |
Cũng ở buôn Đức Mùi - địa phương tập trung đông bà con Ê Đê sinh sống, anh Y Mít chia sẻ, trước kia gia đình anh và nhiều hộ dân ở khu vực này gặp khó khăn do thiếu đất sản xuất hoặc có đất sản xuất nhưng canh tác không hiệu quả. Hàng năm, đến mùa giáp hạt, người dân ở đây thường bị thiếu đói, nhiều gia đình phải chạy ăn từng ngày.
Còn hiện tại, theo anh Y Mít, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên nhiều hộ dân trong buôn được cấp đất để sản xuất, đặc biệt là đất ruộng trồng lúa nước, trong đó có gia đình anh.
“Được cán bộ huyện, xã hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây lúa nước đúng kỹ thuật, mấy năm gần đây, chúng tôi không còn lo thiếu gạo, thiếu đói nữa. Không những vậy, trong gia đình còn có thu nhập khá từ rẫy mía, sắn và nuôi gia súc…”, anh Y Mít phấn khởi nói.
Thời gian qua, huyện Sông Hinh được phân bổ nguồn vốn để cấp hàng chục con bò giống cho các hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ea Trol và xã Ea Bá, Đức Bình Đông.
Cách đây 3 năm, Hội nông dân huyện Sông Hinh còn triển khai đề án “Quỹ hỗ trợ nông dân” và mô hình “nuôi bò sinh sản”. Thông qua đề án này, các hộ dân là đồng bào thiểu số khi tham gia đều cho cho rằng, việc nuôi bò sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, bình quân mỗi hộ nuôi từ 2-3 con bò, qua 3 năm chăn nuôi bán bò thu được 30-40 triệu đồng/hộ (sau khi đã trừ chi phí).
Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ vốn cho hộ dân tộc thiểu số có đất sản xuất và chuyển đổi nghề. Các mô hình hỗ trợ sản xuất, được ví như trao “cần câu” đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp các hộ dân từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để giúp các chị em phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, các chi hội phụ nữ cơ sở của huyện Sông Hinh đã tổ chức nhiều buổi sinh hoạt nhằm nắm rõ được nhu cầu phát triển kinh tế của từng chị em ở các xã. Từ đây, những hội viên có nhu cầu về vốn sẽ được Hội phụ nữ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ.
Phát huy hiệu quả từ những mô hình
Khởi nghiệp từ khi còn rất trẻ với số vốn ban đầu vay của Ngân hàng Chính sách xã hội là 5 triệu đồng, chị Ksor H’Bia, người dân tộc Ê Đê ở buôn Trinh, xã Ea Bar đã mạnh dạn đầu tư nuôi bò để cải thiện kinh tế gia đình. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, đàn bò của nhà H’Bia ngày càng phát triển, giúp gia đình chị thoát nghèo.
Huyện Sông Hinh đang triển khai các mô hình cây ăn quả nhằm giúp cải thiện đời sống cho bà con dân tộc thiểu số. |
Còn như chia sẻ của chị Ksor H’Nghếch, người dân tộc Ê Đê ở xã Ea Bachia, từ khi tham gia hội phụ nữ thì thấy có rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, những lúc khó khăn có chị em trong hội chia sẻ giúp đỡ. Thứ hai là vốn vay ưu đãi cho phụ nữ rất nhiều. Thứ ba là được tư vấn nhiều kiến thức, mô hình phát triển kinh tế phù hợp.
“Gia đình tôi đang nuôi bò lai, trồng cao su, sắn, ớt để phát triển kinh tế. Với thu nhập hàng năm hơn 80 triệu đồng, gia đình cũng khá ổn định”, chị Ksor H’Nghếch vui vẻ nói.
Trong 3 năm trở lại đây, để cải thiện cuộc sống bà con dân tộc thiểu số nói riêng và người dân trong huyện nói chung, huyện Sông Hinh đã triển khai xây dựng 13 mô hình cây ăn quả (sầu riêng, bưởi, cam, xoài, bơ, mít, dừa, na, nhãn hương Chi…) với diện tích 59,3ha, 102 hộ tham gia.
Ngoài ra, còn có 3 mô hình chăn nuôi (nuôi heo đen sinh sản-xuất bán heo sữa, nuôi dê, cừu và nuôi cá trê) với 32 hộ tham gia. Bên cạnh đó còn có mô hình trồng nấm linh chi, mô hình trồng cây lâm nghiệp là cây dổi xanh.
Đến nay, một số mô hình chăn nuôi đã phát huy hiệu quả, mang lại kinh tế cao cho hộ gia đình, phù hợp với lực lượng lao động địa phương, được người dân nhân rộng. Các mô hình cây ăn quả tuy chưa có sản phẩm nhưng đang sinh trưởng, phát triển tốt, góp phần thúc đẩy phong trào trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện.
Thời gian tới, để kéo giảm hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Sông Hinh sẽ tiếp tục triển khai các mô hình nhằm hướng đến xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả theo hướng chuẩn nông nghiệp sạch, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Huyện Sông Hinh cũng phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả đạt 2.000ha. Đặc biệt là phát triển chăn nuôi hướng tập trung, công nghệ cao, đồng bộ theo chuỗi giá trị từ giống, thức ăn, thú y đến giết mổ, hướng đến thị trường trong và ngoài tỉnh Phú Yên.
Thanh Loan
Bài 2: Có ‘cần câu’ nhờ học nghề nông