Hiện nay, dân tộc Cơ Tu ở miền núi Quảng Nam có khoảng 45.715 người, chiếm 74,2% tổng số người Cơ Tu tại Việt Nam. Có một điều đáng lo ngại là chữ viết của người Cơ Tu đang đứng trước nguy cơ mai một.
“Con chữ” mai một dần
Tiếng nói của người Cơ Tu thuộc ngôn ngữ Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam Á), gần giống với tiếng Tà Ôi, Bru - Vân Kiều. Năm 1957, người Cơ Tu chính thức có chữ viết riêng của dân tộc mình.
Chữ viết Cơ Tu trong cuốn sách "Tài liệu giảng dạy tiếng dân tộc Cơ Tu” được ấn hành vào năm 2010 (Nguồn: TL) |
Để tiện cho việc phục vụ công tác tuyên truyền, dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao tỉnh Quảng Nam, tiếng Cơ Tu được phiên âm theo dạng tự La tinh để nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng ở dưới xuôi lên dễ dàng học tiếng của đồng bào, phục vụ kháng chiến.
Người Cơ Tu có nền văn hóa vật thể và phi vật thể rất đa dạng, phong phú và được truyền khẩu từ đời này sang đời khác. Đặc biệt, nghệ thuật nói lý, hát lý là một trong những sản phẩm văn hóa phi vật thể đặc trưng, tài sản vô giá, nền tảng tinh thần của cộng đồng và đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2015.
"Muốn tuyên truyền một chính sách mới, hay khuyên bà con không nên đốt rừng làm rẫy, chỉ có cách ngồi hát lý, nói lý cùng bà con, hoặc cùng họ ngồi bên bếp lửa uống rượu tà vạt, nghe già làng kể chuyện sử thi… là đem lại hiệu quả cao nhất", một già làng người Cơ Tu chia sẻ.
Vì vậy, nếu được ghi chép bằng chữ viết dân tộc Cơ Tu để phổ biến cho thế hệ trẻ sẽ góp phần giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể độc đáo trong cộng đồng.
Trước đây, có hai nguồn tài liệu nghiên cứu về chữ viết Cơ Tu là của Viện Ngôn ngữ học và cuốn sách “Chữ viết Cơ Tu” do ông Bh’ríu Liếc tổ chức biên soạn. Cuốn sách “Chữ viết Cơ Tu” đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh vào giữa tháng 5/2017.
Tuy nhiên, hai nguồn tài liệu trên có nhiều điểm khác nhau và chưa nhận được sự thống nhất của lãnh đạo 3 huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, nên gây khó khăn trong việc đưa chữ viết Cơ Tu vào giảng dạy trong trường học.
Không chỉ vậy, cùng với xu thế hội nhập và phát triển, nhiều đồng bào dân tộc Cơ Tu đã quên tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.
Có thể thấy, chữ viết Cơ Tu có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu hiện nay. Từ đó, việc đưa vào giảng dạy chữ viết Cơ Tu cho học sinh ở các trường trên địa bàn là rất cần thiết.
Tìm lại “con chữ”
Trước những khó khăn còn tồn tại và cũng nhằm bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của người Cơ Tu đang bị lãng quên trong cơ chế thị trường, UBND huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã mở 2 lớp học chữ viết Cơ Tu cho học viên là cán bộ, giáo viên người Kinh đang công tác tại địa phương. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng những học viên vẫn kiên trì học hỏi.
Với hy vọng có thể nhân rộng chữ viết Cơ Tu đến nhiều thế hệ, tầng lớp nhân dân, chính quyền tỉnh Quảng Nam còn tổ chức đưa chữ Cơ Tu vào giảng dạy cho nhiều lớp khác ở các huyện miền núi Nam Giang và Đông Giang.
Tuy nhiên, đáng lo ngại là chữ viết Cơ Tu đã thay đổi quá nhiều và không còn sự thống nhất giữa các vùng miền đồng bào, giáo viên giảng dạy chữ Cơ Tu chưa được đào tạo bài bản, tài liệu truyền giảng chưa thực sự phong phú và đầy đủ, cơ sở vật chất cũng chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học.
Huyện Đông Giang đã đề nghị tỉnh Quảng Nam đề xuất với các bộ, ngành ở Trung ương sớm tiến hành thẩm định các nguồn tài liệu về chữ viết Cơ Tu để có một bộ tài liệu chuẩn, sử dụng giảng dạy cho thế hệ trẻ.
Lớp tập huấn bảo tồn tiếng nói, chữ viết đối với tộc người Cơ Tu tại huyện Nam Giang năm 2021. |
Việc bảo tồn tiếng nói và chữ viết của người Cơ Tu không chỉ gói gọn trong phạm vi tỉnh Quảng Nam, mà còn cần sự vào cuộc của các cấp ngành. Gần đây nhất, Bộ VH-TT&DL đã có Quyết định số 1137/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức Lớp tập huấn bảo tồn tiếng nói, chữ viết đối với tộc người Cơ Tu tại huyện Nam Giang năm 2021.
Lớp tập huấn sẽ do các báo cáo viên là chuyên gia, nhà quản lý và chính các nghệ nhân, người có uy tín dân tộc Cơ Tu - chủ thể văn hóa, người lưu giữ, bảo tồn vốn ngôn ngữ trực tiếp truyền dạy và hướng dẫn phương pháp truyền dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Cơ Tu.
Tham gia lớp tập huấn, chị Bhling Thị Tuyền (xã Cà Dy, huyện Nam Giang) phấn khởi cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia tập huấn về bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc Cơ Tu mình. Cũng như đa số bà con ở xã Cà Dy, tôi chỉ biết nói tiếng chứ chưa biết chữ". Đồng thời, chị cũng bày tỏ mong muốn được tìm hiểu và học sâu hơn nữa về chữ viết Cơ Tu mình.
Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ VHTT&DL) khẳng định, đây là hoạt động thiết thực, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người Cơ Tu. Việc bảo tồn tiếng nói và chữ viết cũng chính là đóng góp cho việc phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
"Qua các lớp tập huấn này, Vụ Văn hóa Dân tộc mong muốn đây sẽ là tiền đề để có một hình thức tổ chức nhiều lớp tập huấn hơn nữa, với mục đích bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc một cách hiệu quả nhất”, ông Hùng nói.
Hải Giang