Tối 2/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022. |
Thủ tướng đánh giá xây dựng Thương hiệu quốc gia là một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa có tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược, có phạm vi rộng, nhiều việc phải làm với tác động, ảnh hưởng lớn và đòi hỏi sự vào cuộc và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, nhân dân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Đây là nguồn lực của từng doanh nghiệp, nhưng cũng là của quốc gia, nên việc xây dựng và giữ gìn Thương hiệu quốc gia có tầm quan trọng chiến lược đối với doanh nghiệp và đất nước.
Sau gần 20 năm triển khai thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia với mục đích xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có sản phẩm hàng hóa, dịch vụ hấp dẫn, uy tín và chất lượng cao, số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia liên tục tăng qua các năm, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 172 doanh nghiệp năm 2022.
Đặc biệt, 172 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia năm 2022 có kết quả kinh doanh ấn tượng với tổng doanh thu năm 2021 khoảng 1.570 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 129.000 tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập cho gần 600.000 lao động, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Theo Tổ chức Brand Finance, Thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 11%, từ 388 tỷ USD năm 2021 lên 431 tỷ USD năm 2022, đồng thời Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia toàn cầu và là Thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (tăng 74% giai đoạn 2019-2022).
Ông Nguyễn Đức Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Nutricare (được vinh danh "doanh nghiệp duy nhất đạt Thương hiệu Quốc gia dinh dưỡng y học 3 lần liên tiếp từ 2018 đến 2022" bởi Bộ Công Thương) chia sẻ: Thương hiệu quốc gia Việt Nam chính là đòn bẩy để doanh nghiệp phát huy nội lực, tiếp tục có những thành tựu, đóng góp giá trị cho ngành dinh dưỡng y học trong giai đoạn tiếp theo.
Do vậy, để đẩy mạnh xây dựng Thương hiệu quốc gia, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp cần tập trung khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, tận dụng lợi thế để phát triển mạnh mẽ trong thị trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu thông qua các biện pháp nâng cao giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với Thương hiệu quốc gia Việt Nam, tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội. Tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường quốc tế và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Hình ảnh đẹp của mỗi Thương hiệu quốc gia sẽ là hình ảnh đẹp về thương hiệu của đất nước, truyền thống, văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam", Thủ tướng đánh giá.
Bên cạnh đó, Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng cần đảm bảo và không ngừng củng cố, nâng cao uy tín, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm thương hiệu Việt thông qua hệ thống sản xuất, quản trị kinh doanh tiên tiến và hoạt động tài chính công khai, minh bạch, lành mạnh, bền vững.
"Sự thành công và phát triển của cộng đồng, doanh nghiệp, thương hiệu, uy tín của sản phẩm, dịch vụ là thước đo sự thành công của công tác điều hành, quản lý của Nhà nước", Thủ tướng khẳng định.
Vì vậy, Chính phủ sẽ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương. Từ đó, các doanh nghiệp có đủ điều kiện trong chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Lê Thúy