Dự kiến, hết năm nay, từ 70% đến 100% doanh nghiệp tại các 6 tỉnh thành lớn gồm Hà Nội, TP. HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ và Bình Định - nơi đang chiếm 70% tổng số hóa đơn điện tử của toàn quốc sẽ hoàn thành việc chuyển đổi theo Nghị định 123/2020.
Còn từ ngày 1/7/2022, áp dụng hoá đơn điện tử toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ và cá nhân kinh doanh khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ phải xuất hóa đơn điện tử. Chỉ trừ một số đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ và cá nhân kinh doanh không giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử...
Mục tiêu ít nhất 70% doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh tại các tỉnh thành lớn sẽ "chia tay" hóa đơn giấy trong 2 tháng tới. (Ảnh: Int) |
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến công bố triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử ngày 21/11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, hóa đơn điện tử đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý thuế hiện đại, giúp chống thất thu ngân sách. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của nền kinh tế, thay đổi phương thức quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của doanh nghiệp, người nộp thuế. Thực hiện hóa đơn điện tử vừa tiết giảm chi phí hành chính, vừa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn (big data) đặc biệt quan trọng không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn đối với khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tổng cục thuế cho biết, hệ thống ứng dụng hoá đơn điện tử hiện nay có khả năng xử lý hàng nghìn giao dịch theo thời gian thực và xử lý khối lượng 6,4 tỷ hoá đơn mỗi năm. Tổng cục thuế cũng đã đánh giá và lựa chọn 8 đơn vị đầu tiên để cung cấp dịch vụ truyền nhận, lưu trữ dữ liệu hóa đơn giai đoạn đầu.
Trước chủ trương mới, hầu hết các doanh nghiệp cho biết đã sẵn sàng chuyển đổi bởi phương thức quản lý này tạo thuận lợi cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý.
Trao đổi với VnBusiness, chị Đặng Hiền Anh, Kế toán trưởng Tập đoàn Hoàng Hà (Hà Nội), cho biết các doanh nghiệp lớn tại Hà Nội hiện đã triển khai hóa đơn điện tử khá nhiều. Điều này mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp như thuận tiện trong công tác kê khai thuế, không phải nhập dữ liệu từng số hóa đơn giấy như trước, xuất hóa đơn cũng tiện hơn khi ở đâu cũng có thể thực hiện được…
“Đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp ngăn chặn lây lan dịch khi được chuyển qua email thay vì cầm hóa đơn giấy, rất bất tiện trong việc xịt khử khuẩn”, chị Hiền Anh cho hay.
Ông Nguyễn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Vĩnh Tiến (Thanh Xuân - Hà Nội) cho biết: Công ty vừa được Cục Thuế Hà nội cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử. Theo ghi nhận của đơn vị, hiện các doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện chuyển đổi hoá đơn điện tử đều không gặp trở ngại gì lớn. Chỉ có việc thực hiện chuyển đổi vào thời điểm cuối năm như hiện nay sẽ khiến một số doanh nghiệp khá vất vả để xoay sở do cuối năm lượng việc nhiều. Mặc dù vậy, có thể khẳng định việc thực hiện chuyển đổi này sẽ góp phần rất lớn trong quản lý hóa đơn, thuế.
Tuy nhiên, anh Tiến băn khoăn: “Hiện nay doanh nghiệp vẫn còn tồn đọng một lượng lớn hoá đơn giấy chưa sử dụng, doanh nghiệp sẽ dùng song song với hoá đơn điện tử hay phải xử lý ra sao?”.
Về vấn đề này, bà Đinh Thị Thuý, Tổng giám đốc công ty cổ phần Misa - đơn vị cung cấp lượng hóa đơn điện tử lớn nhất trên thị trường cũng cho biết, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đang tồn lượng hóa đơn giấy chuyển đổi lên hóa đơn điện tử mà không thu phí.
Bên cạnh đó, lo ngại lớn nhất của nhiều doanh nghiệp đặt ra là nếu hệ thống hóa đơn điện tử bị nghẽn mạng khi thực hiện triển khai đồng loạt tại 6 tỉnh, thành trên. Việc nghẽn mạng dẫn đến chậm tiến độ, ảnh hưởng đến người mua - người bán. Vì thực tế, chuyện tắc nghẽn đường truyền đã từng xảy ra khi doanh nghiệp gửi báo cáo liên quan đến thuế.
Bà Thuý thừa nhận, khó đảm bảo trơn tru 100% trong mọi tình huống. Tuy nhiên, cơ quan thuế cũng lường đến tình huống này, đang xem xét ủy quyền cho Misa và một số nhà cung cấp khác cấp hóa đơn điện tử trong tình huống có trục trặc.
Sau hơn 10 năm, kể từ Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử có hiệu lực, tình hình triển khai sử dụng hóa hoá đơn điện tử tại doanh nghiệp đạt được những kết quả tích cực. Theo thống kê từ Tổng cục Thuế, số lượng doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử đã tăng khá nhanh trong những năm vừa qua từ 5.245 doanh nghiệp năm 2017 lên 550.000 doanh nghiệp đã áp dụng tính đến cuối 2020.
Thanh Hoa