Với việc tích cực đào tạo nghề để giải quyết bài toán lao động nông thôn đã giúp tỷ lệ hộ nghèo của Thái Bình giảm nhanh trong thời gian qua. Trong đó không thể không nhắc tới vai trò của các HTX. Nhiều lao động nông thôn đã có những thay đổi trong cách thức sản xuất trồng trọt và chăn nuôi, biết bố trí cơ cấu cây, con giống phù hợp, biết áp dụng để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đời sống được cải thiện, góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững.
"Chìa khóa" giảm nghèo bền vững
Điển hình là HTX thủ công mỹ nghệ mây tre đan Thanh Tân, xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương đang là một trong những điển hình trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn huyện Kiến Xương. Những năm qua, HTX đã kết hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là Hội phụ nữ xã để tổ chức lớp học, truyền nghề cho hàng trăm lao động, giúp cho nhiều lao động thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Nhờ được học nghề, đời sống người dân nông thôn được cải thiện, góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững. |
Bà Nguyễn Thị Doan, Giám đốc HTX Thanh Tân cho hay, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ mây, tre ở trong và ngoài nước ngày một tăng, nên việc tiêu thụ sản phẩm của HTX cũng thuận lợi hơn.
Hiện, thành viên và người lao động trong HTX có độ tuổi chủ yếu từ 30 - 45, một số phụ nữ lớn tuổi nhưng có kinh nghiệm cũng được nhận vào làm. Lực lượng tham gia sản xuất không chỉ trên địa bàn xã, mà còn mở rộng thu hút lao động của các xã khác trong huyện.
Người lao động HTX Thanh Tân từ chỗ có thu nhập chỉ từ vài trăm nghìn đồng/tháng, đến nay đã tăng lên 5,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu mỗi năm của HTX đạt từ 4 - 5 tỷ đồng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
“HTX thường xuyên tuyên truyền thành viên HTX và người lao động thực hiện mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, đoàn kết, phát huy truyền thống của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Thái Bình, sắp xếp thời gian để lao động đảm bảo ngày công, tích cực học hỏi, rèn luyện để nâng cao tay nghề để làm sao làm nghề đảm bảo sản phẩm phải đúng kỹ thuật, tăng năng suất, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình và cho HTX”, bà Doan chia sẻ.
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Kiến Xương, khu vực kinh tế hợp tác, với nòng cốt là các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn đang có những bước tiến vượt bậc, đóng góp tích cực vào công tác dạy nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động, góp phần vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của địa phương.
Toàn huyện Kiến Xương hiện có gần 40 HTX hoạt động hiệu quả, bình quân mỗi HTX có 1.000 - 2.000 lao động thành viên, hộ liên kết.
Công tác đào tạo nghề và tạo việc làm đã góp phần giúp người dân có nhận thức sâu sắc hơn về mục đích học nghề, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ, học chỉ để cho biết, thì giờ đây các học viên đã chuyển sang học nghề để biết nắm bắt khoa học, kiến thức kỹ thuật áp dụng vào sản xuất có năng suất, thu nhập cao, giảm nghèo bền vững.
Lao động nông thôn vững bước nhờ học nghề
Tại xã Tây An, huyện Tiền Hải, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tây An đã làm sống lại một làng nghề truyền thống và tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động nông nhàn, giúp thành viên và người lao động có việc làm ổn định, góp phần an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Bà Phạm Thị Ngắn, Giám đốc HTX cho biết, quyết tâm đẩy lùi đói nghèo cùng với nhận thấy Tiền Hải vốn là quê hương của những cánh đồng cói bạt ngàn và nghề đan cói, bà trăn trở làm sao gìn giữ được nghề truyền thống và tạo việc làm cho người dân địa phương.
Thái Bình đẩy mạnh phát triển các HTX gắn với đào tạo nghề nông thôn. |
“Năm 2006, tôi quyết định thành lập HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tây An, và phối hợp với Hội LHPN, Liên minh HTX tỉnh Thái Bình mở các lớp dạy nghề móc hộp, đan mũ cói và nghề mây tre đan… cho thành viên ở các xã. Sau các khóa dạy nghề, những người có năng lực, điều kiện sẽ được lựa chọn để thành lập các tổ sản xuất giống như mô hình tổ hợp tác, đứng ra nhận nguyên vật liệu, mẫu mã từ doanh nghiệp về cho tổ viên làm, sau đó kiểm tra, thu hồi sản phẩm giao cho HTX, đồng thời nhận tiền công từ HTX về thanh toán cho người lao động. Nhờ đó, nhiều thành viên đã có thu nhập vươn lên thoát nghèo bền vững”, bà Ngắn nói.
Bà Trần Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, Thái Bình rất quan tâm đến công tác xóa đói, giảm nghèo, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư trung hạn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Giai đoạn 2016-2020 giảm hơn 60% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu kỳ, các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đều đạt và vượt so với nghị quyết của tỉnh đề ra.
“Trong thành quả chung đó, công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng giúp người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kỹ năng, có tay nghề để có việc làm, tự tạo việc làm, sinh kế ổn định. Đây là yếu tố quan trọng để người nghèo thoát nghèo bền vững”, bà Hằng nhấn mạnh. Đồng thời thông tin, đã có 38% số hộ nghèo thoát nghèo và 53% trở thành hộ khá sau khi được hỗ trợ nghề ngắn hạn; 90% sau học nghề trung cấp, cao đẳng đã có việc làm ổn định, thu nhập tốt.
Trong 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Thái Bình đã giảm gần 3%, từ 5,27% năm 2016 xuống còn 2,35% năm 2020. Cùng với tỷ lệ hộ nghèo giảm, tỷ lệ hộ cận nghèo toàn tỉnh cũng giảm từ 3,41% năm 2016 xuống còn 2,56% năm 2020.
“Thái Bình phấn đấu đến năm 2025, bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho khoảng 34.500 lao động trở lên, nâng tỷ lệ lao động tìm việc qua Trung tâm Dịch vụ việc làm lên trên 45%, duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%. Để có được những kết quả này, tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân. Tỉnh đã đẩy mạnh phát triển các HTX gắn với đào tạo nghề nông thôn, với nhiều chính sách ưu đãi”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết.
Hoàng Hằng