Xã Tràng Phái có trên 800 hộ, trong đó 100% hộ dân là đồng bào dân tộc Nùng. Người dân chủ yếu phát triển kinh tế từ nông nghiệp. Do đó, nhận thấy xã có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề trồng nấm, không ít hộ dân đã liên kết để cùng phát triển loại nông sản này.
Điểm nhấn từ nghề trồng nấm
Tiêu biểu như bà Triệu Thị Lý ở thôn Còn Riềng nhận thấy tiềm năng phát triển của mô hình này tại địa phương, nơi chưa ai khai thác, bà quyết định thử nghiệm với hơn 1.000 bầu nấm.
Sau nhiều năm kiên trì sản xuất và nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, bà Lý đã mạnh dạn thành lập HTX Thuận Phát - Tràng Phái vào tháng 7/2022. HTX ban đầu có 7 thành viên, tập trung vào lĩnh vực nuôi trồng các loại nấm ăn và nấm dược liệu theo hướng nông nghiệp sạch, an toàn.
Năm 2022, HTX đã xây dựng nhà xưởng khang trang để chuyên sản xuất nấm rơm và nấm sò theo tiêu chuẩn VietGAP. Trung bình mỗi tuần, HTX tiêu thụ khoảng 60 - 70 kg nấm rơm và 50 kg nấm sò, mang về doanh thu trên 600 triệu đồng mỗi năm.
![]() |
Trồng nấm giúp người dân có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. |
Đánh dấu bước phát triển quan trọng, đầu năm 2023, nấm rơm của HTX Thuận Phát - Tràng Phái đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện. Để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, HTX đã chủ động liên kết với các cửa hàng thực phẩm nông sản sạch trên địa bàn thành phố Lạng Sơn.
Bên cạnh đó, HTX đang tạo việc làm cho 10 công nhân cố định với mức lương từ 7 - 10 triệu đồng/tháng và khoảng 5 công nhân thời vụ.
Với tầm nhìn xa, bà Triệu Thị Lý chia sẻ về những dự định tương lai: "Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm nấm rơm, nấm sò để mở rộng thị trường và tăng cường liên kết tiêu thụ”.
Mô hình của HTX Thuận Phát đã được UBND xã Tràng Phái đánh giá cao. Bởi các thành viên trong HTX không chỉ năng động trong phát triển kinh tế mà còn luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với những hộ gia đình khác, góp phần tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động tại địa phương. Thành công từ mô hình trồng nấm của HTX đã mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho người dân trong xã.
Đây cũng là một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương.
Đa dạng sinh kế
Ngoài phát triển nghề trồng nấm hàng hóa, xã Tràng Phái còn nhận được sự tư vấn, hỗ trợ của huyện Văn Quan, Liên minh HTX tỉnh trong phát triển Dự án chăn nuôi gà tại xã vào năm 2024. Đây là một dự án thuộc mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Quyết định phê duyệt dự án này cho thấy sự quan tâm đến việc tạo sinh kế cho người dân trong xã.
Tham gia dự án, các hộ dân trong xã được hỗ trợ gà con giống và thức ăn trong quá trình nuôi. Nhờ được tập huấn kỹ thuật và áp dụng đúng phương thức nuôi nên chỉ sau khoảng 4 tháng thực hiện theo dự án, tỷ lệ gà sống đạt trên 90%, trọng lượng trung bình từ 2,5- 2,7kg/con (có con hơn 3kg). Với giá bán ra thị trường 55.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi con giúp người dân còn được lãi khoảng 45.000 đồng.
![]() |
Chăn nuôi gà cũng phù hợp với điều kiện của địa phương. |
Đặc biệt, nhận thức rõ vai trò của mô hình kinh tế tập thể, HTX trong giảm nghèo, xã Tràng Phái đã khuyến khích người dân dân thành lập và tham gia mô hình này. Hiện, một trong những mô hình HTX được lãnh đạo xã Tràng Phái khuyến khích người dân học tập và nhân rộng đó là HTX xã Trấn Ninh (một xã khác của huyện).
HTX này không chỉ chăn nuôi gia cầm, lợn, dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp mà từ năm 2016 đến nay, HTX mở rộng thêm các dịch vụ nông nghiệp khác như: dịch vụ làm giao thông, thủy lợi nội đồng; dịch vụ bảo vệ lúa và hoa màu, lấy nước; dịch vụ làm đất…
Theo lãnh đạo xã Tràng Phái, HTX Trấn Ninh là mô hình đa dịch vụ, phù hợp với địa phương chuyên về nông nghiệp như Tràng Phái. Nếu xã hình thành và nhân rộng được mô hình HTX tương tự như HTX Trấn Ninh sẽ tiếp tục góp phần nâng cao thu nhập cho người dân thông qua chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Thúc đẩy kinh tế xã hội
Ngoài chú trọng hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xã Tràng Phái còn cùng với huyện Văn Quan triển khai đồng bộ các chương trình, dự án giảm nghèo thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tràng Phái cũng huy động mọi nguồn lực của địa phương cùng với nguồn lực từ Trung ương và tỉnh cho công tác giảm nghèo.
Đặc biệt, việc xây dựng các mô hình sản xuất, làm kinh tế thông qua HTX đã tạo tính lan tỏa trong sản xuất, giúp người dân hiểu đúng và có cái nhìn cụ thể về mô hình kinh tế tập thể.
Từ những mô hình này, người dân, thành viên HTX được tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề, được tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo. Một số hộ dân cũng được hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, cụ thể là thông qua dự án chăn nuôi gà tại xã Tràng Phái năm 2024.
Sự nỗ lực này giúp đưa Xã Tràng Phái là một trong 11/16 xã của huyện Văn Quan đã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng Nông thôn mới được UBND huyện phê duyệt. Điều này tạo cơ sở cho phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm cả công tác giảm nghèo.
Theo đánh giá của UBND huyện Văn Quan, sự phát triển của xã Tràng Phái là một trong những động lực quan trọng để huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo trong suốt thời gian qua.
Sự đóng góp này giúp tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm đáng kể qua các năm. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 22.21%, đến 2022 còn 16.02%, năm 2023 giảm còn 10.64% và năm 2024 còn 3.91%.
Tùng Lâm