Huyện Bảo Lạc có 15/17 xã, thị trấn thuộc khu vực III và 121 thôn, bản đặc biệt khó khăn, với 98,59% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, nhận thức về sản xuất hàng hóa còn hạn chế khiến việc nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế từng gặp không ít thách thức.
Từng bước hình thành liên kết
Đặc biệt, nhiều gia đình trên địa bàn huyện rơi vào tình trạng không có đất, không tư liệu sản xuất, nhiều hộ nghèo neo đơn, già yếu, không có sức lao động. Một số hộ còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước; khả năng tích lũy trong dân còn hạn chế nên việc giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều càng khó khăn.
Do đó, huyện đã phối kết hợp với các ban ngành trong tỉnh, trong đó có Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng, ngành nông nghiệp… tổ chức các lớp tập huấn về sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ theo cách thức “cầm tay chỉ việc” để giúp người dân thay đổi nhận thức, chủ động vươn lên và ứng dụng tri thức, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối với thị trường lao động, thị trường hàng hóa, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển các HTX, nhất là HTX nông nghiệp phát triển.
![]() |
Nếp hương Bảo Lạc đã được phát triển theo hướng hàng hóa, giúp nâng cao thu nhập. |
Nhờ đó, nhiều HTX đang hỗ trợ đắc lực cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp Phương Anh và Công ty HaToDo ở thị trấn Bảo Lạc đã đứng ra bao tiêu và cùng nhiều thương lái trong tỉnh đến tận xã thu mua gạo nếp hương cho người dân. Đặc biệt, sản phẩm gạo nếp hương Bảo Lạc đã được cấp chứng nhận sản phẩm 3 sao OCOP, được thị trường chấp nhận, tiêu thụ tốt. Sau khi được HTX và doanh nghiệp hỗ trợ bao tiêu, diện tích trồng gạo nếp hương tại huyện Bảo Lạc đã tăng khoảng 5-6 lần, đạt 165 ha/vụ, năng suất bình quân 3,2 tấn/ha. Tuy năng suất thấp hơn lúa lai, nhưng giá bán loại nông sản này cao gần gấp 3 lần, mang lại thu nhập tốt cho người nông dân.
Còn tại HTX nông nghiệp 118 ở thị trấn Bảo Lạc đã xây dựng và phát triển hiệu quả chuỗi giá trị dâu tằm, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và giúp nhiều hộ dân có thu nhập, việc làm ổn định, nhiều nhà có thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng. Đặc biệt, nhờ có HTX nông nghiệp 118 liên kết, bao tiêu sản phẩm đầu ra, đặt các điểm thu mua ở các xã có trồng dâu nuôi tằm nên việc vận chuyển sản phẩm kén tằm đi bán cũng đỡ vất vả hơn nhiều.
Lan toả sản xuất kinh doanh
Từ những mô hình này, không ít hộ dân trên địa bàn huyện đã tích cực học tập, vươn lên trong sản xuất, không còn trông chờ ỉ lại vào trợ cấp của Nhà nước. Nhiều hộ gia đình cũng tận dụng tốt sự hỗ trợ của Nhà nước để làm nền tảng thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Gia đình anh Lầu A Vàng (xóm Khuổi Bốc, xã Bảo Toàn) được thụ hưởng Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi bò cái sinh sản từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, với mức hỗ trợ 10 triệu đồng để mua bò giống. Trước đây, do không có đất canh tác, không có vốn để phát triển, nên cuộc sống gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Năm 2024, được Nhà nước hỗ trợ cặp bò, gia đình anh trồng thêm cỏ voi, chuối để làm thức ăn chăn nuôi. Nhờ chăm sóc tốt nên bò lớn nhanh, béo, to hơn nhiều so với thời điểm nhận nuôi. Ngay trong năm, gia đình anh đã có thêm bê con, từ đó có thêm động lực để nỗ lực làm ăn, phát triển kinh tế…
![]() |
Mận máu là một trong những cây trồng chủ lực ở Bảo Lạc. |
Hiện, trên địa bàn huyện còn xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như trồng hồi, quế, sa mộc, dâu tằm, mận máu... góp phần đa dạng hóa thu nhập và nâng cao đời sống cho các hộ gia đình.
Theo thống kê, toàn huyện hiện có hơn 2.100 ha hồi, 2.000 ha quế, 256 ha sa mộc cùng nhiều diện tích cây trồng khác… Trong năm 2024, tổng doanh thu từ tinh dầu hồi đạt hơn 20 tỷ đồng, góp phần cải thiện đáng kể đời sống người dân, tạo nguồn thu ổn định cho các hộ gia đình và phát triển kinh tế bền vững tại địa phương.
Giai đoạn 2019 - 2024, hộ nghèo trong huyện giảm trung bình trên 5%/năm, vượt 90% kế hoạch đề ra, cao gấp đôi so với giai đoạn trước. Hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, các tuyến đường liên huyện, liên xã dần được mở rộng, kết nối giao thương thuận lợi hơn. Điện lưới, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Lấy HTX làm nòng cốt
Theo lãnh đạo huyện Bảo Lạc, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện với trọng tâm là tạo sinh kế cho người dân bằng việc hỗ trợ các mô hình phù hợp với nhu cầu trình độ canh tác và thế mạnh của địa phương. Đây là chính sách thiết thực, tạo đòn bẩy giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Chính vì vậy, làm sao để tiếp tục xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh theo chuỗi giá trị, hỗ trợ đầu tư mô hình sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ thông qua HTX là một trong những vấn đề vô cùng quan trọng ở Bảo Lạc.
Bởi người dân Bảo Lạc phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, lại gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường. Đa số các hộ dân vẫn sản xuất với sản lượng nhỏ, chất lượng không đồng đều, thông tin thị trường hạn chế và chi phí vận chuyển cao. Họ cũng khó tiếp cận trực tiếp với thị trường tiêu thụ, thường bị thương lái ép giá.
Do đó, việc hình thành các HTX sẽ giải quyết các vấn đề này, vì đây là mô hình giúp người dân tập hợp lại tạo thành một tổ chức kinh tế có quy mô lớn hơn, có thể cùng nhau đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các thành viên HTX có thể cùng nhau góp vốn, góp đất, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và lao động, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả tiếp cận thị trường.
Điều quan trọng là các mô hình này khi hoạt động hiệu quả sẽ tác động tích cực đến nhận thức của người dân, giúp người dân nghèo từ phát triển sản xuất nhỏ lẻ làm quen dần với hình thức phát triển sản xuất hàng hóa, đối ứng, ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau. Mô hình hiệu quả cũng tạo việc làm, động lực phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho hộ gia đình, phấn đấu vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Chính vì vậy, huyện đang phối kết hợp với các ban ngành, trong đó có Liên minh HTX tỉnh để có những định hướng, kế hoạch cụ thể nhằm ưu tiên phát triển kinh tế tập thể.
Thông qua đây, huyện cũng mong tỉnh và Nhà nước có thêm nhiều chính sách ưu đãi về vốn, khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại,... cho các HTX hoạt động ở vùng miền núi, trong đó có Bảo Lạc để từ đó thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Trí Chiến