Thanh Hóa là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao của cả nước, do đó, các cấp ngành địa phương trong tỉnh đã tích cực giúp cho người nghèo thay đổi tư duy, nhận thức trong cách làm ăn. Đặc biệt là ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ phát triển sản xuất, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm. Từ đó góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập bình quân các hộ nghèo.
Nỗ lực thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay tỉnh đang thực hiện mô hình UBND cấp xã xây dựng Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo” với những nội dung được quy định thực hiện cụ thể về góp vốn đối ứng, thu hồi và luân chuyển vốn.
Nhân rộng các mô hình giảm nghèo nhằm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo. |
Mô hình đã giúp cho người nghèo thay đổi tư duy, nhận thức trong cách làm ăn. Đặc biệt là ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ phát triển sản xuất, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm.
Việc góp vốn đối ứng, quy định thu hồi và luân chuyển vốn đã góp phần thay đổi ý thức của hộ gia đình từ việc trông chờ ỷ lại đến tăng ý thức trách nhiệm, có sự đầu tư nghiêm túc để duy trì phát triển nguồn vốn được hỗ trợ.
“Cùng với việc thực hiện Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo”, các địa phương đã phối hợp, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho hàng ngàn lượt người. Được tham gia các lớp tập huấn, người dân đã có sự thay đổi về nhận thức, tập quán, thói quen trong cách làm ăn, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường, cải thiện rõ ràng hiệu quả năng suất, sản lượng, chất lượng của cây trồng, vật nuôi”, bà Vũ Thị Hương chia sẻ.
Nhận thức được lợi ích mang lại, nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện có hiệu quả Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo” thông qua việc phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê sinh sản... Với hình thức đầu tư trực tiếp, mô hình đã trở thành “đòn bẩy” giúp các hộ nghèo có phương tiện sản xuất, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững, tiến tới thoát nghèo bền vững.
Gia đình chị Lê Thị Thu, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi bò sinh sản bản Chai, huyện Mường Lát, là một trong những hộ dân tiêu biểu vươn lên thoát nghèo.
Năm 2017, tranh thủ nguồn vốn từ Chương trình giảm nghèo của tỉnh, THT đã mua 16 con bò cái sinh sản trao cho 16/25 thành viên THT chăn nuôi bò sinh sản bản Chai và hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, cách trồng cỏ voi, chuối để chủ động nguồn thức ăn cho bò, làm chuồng trại và giám sát nhau bảo toàn con giống.
Mỗi năm, các thành viên THT đã được hỗ trợ con giống quyên góp tiết kiệm mua thêm 5 con trao cho các hộ còn lại. Đến đầu năm 2019, 25 thành viên THT đều có bò nuôi.
“Hiện nay, tổng đàn của THT lên 93 con. Nhiều thành viên THT chăn nuôi bò sinh sản bản Chai mong muốn nhiều chị em trong bản cũng được hỗ trợ theo hình thức này để cùng nhau giảm nghèo. Với cách làm trên, đến nay 100% thành viên THT đã thoát nghèo”, chị Thu bày tỏ.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Hay như tại huyện Như Xuân, nhờ thay đổi tư duy sản xuất, với nếp nghĩ, cách làm mới, một số HTX trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh cải tạo vườn tạp gắn với phát triển cây trồng mũi nhọn, tạo cơ chế hỗ trợ phát triển diện tích cây trồng. Từ đó, nhiều mô hình giảm nghèo đã hình thành và phát triển giúp đời sống của nhân dân từng bước thay đổi.
Thanh Hóa đang nỗ lực giảm nghèo tại các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. |
Ông Chử Thanh Hải, Giám đốc HTX sản xuất nông nghiệp Thành Công, xã Xuân Hòa cho biết, từ ngày HTX đầu tư trồng cây có múi, đến nay, diện tích đã được mở rộng lên 40 ha và có 4 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh là: cam Đường Canh, cam Xã Đoài, bưởi da xanh, bưởi Diễn.
Trước năm 2018, bà con ở đây chỉ trồng cây bản địa, cây công nghiệp như keo, sắn, mía... với giá trị thu nhập hạn chế. Nhưng từ khi chuyển sang trồng cây trồng mũi nhọn là các loại cây có múi, kinh tế phát triển rõ rệt, mức thu nhập bình quân từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng trong mỗi niên vụ sản xuất.
“Không chỉ HTX chúng tôi mà nhiều hộ gia đình khác cũng đã tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho bà con. Hiện tại, thu nhập trung bình của bà con lao động phổ thông là 250.000 đồng/người/ngày”, ông Hải nói.
Ông Quản Trọng Thức, ở thôn Đồng Trình - thôn duy nhất của xã còn nằm trong “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi” (Chương trình 135) chia sẻ, sau nhiều năm trồng keo, gia đình ông quyết định chuyển hết diện tích sang trồng xoài keo. Ngoài 12 ha xoài keo, ông còn trồng xen 3,7 ha chanh leo, từ đó thu nhập đã được nâng lên, năm 2022 gia đình ông đã thoát khỏi hộ nghèo của xã.
Khẳng định về thời cơ để bà con vươn lên thoát nghèo bền vững, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Lê Văn Tuyên cho rằng: “Quan trọng nhất sau khi ra khỏi khu vực đặc biệt khó khăn thì bà con đang thích nghi dần và chủ động. Nhờ nguồn lực trước đó từ chương trình 30a, nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 50% nhưng nay chỉ còn 17%.
Theo thống kê của Sở LĐTB&XH, hiện nay, toàn tỉnh còn hơn 66.400 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,65%. Vì vậy, bước vào giai đoạn mới với việc điều chỉnh bộ tiêu chí rà soát hộ nghèo sẽ giúp các cấp, ngành và các địa phương xác định cụ thể hơn về nguyên nhân cũng như giải pháp phù hợp, hỗ trợ vùng khó khăn, người nghèo vươn lên.
Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá, nhờ khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên và xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của hộ nghèo, hộ cận nghèo, một số địa phương đã thành công trong việc chuyển đổi cơ cấy cây trồng, vật nuôi với tư duy mới, cách làm mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó thu nhập của người dân được nâng cao.
“Nhiều mô hình HTX đã phát huy tinh thần đoàn kết, năng động sáng tạo trong lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhiều hộ thành viên đã vươn lên làm giàu chính đáng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ.
Hoàng Hằng