Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Nguyễn Lê Bình cho biết, hiện nay nhiều HTX đã tổ chức liên kết giữa nông dân, HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất truyền thống. Một số mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, có sự liên kết, hợp tác, có chỉ dẫn địa lý và thương hiệu cụ thể đã khắc phục được những yếu kém của sản xuất nông nghiệp, nhất là trong tiêu thụ nông sản, mở rộng thị trường, từ đó giúp nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân và thành viên.
Mở ra cơ hội làm giàu từ tinh dầu sả
Được thành lập từ năm 2005 với khoảng 20 thành viên ban đầu, muốn tham gia HTX Nông nghiệp bản Dao, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, người dân chỉ cần 300.000 đồng/người góp vốn sẽ là thành viên của HTX. Khi đó, các thành viên được sử dụng nhiều dịch vụ ưu đãi, phù hợp trong sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đối với các hộ kinh tế còn khó khăn ở bản Đồng Chụa, HTX nông nghiệp bản Dao đã và đang là “điểm tựa” để người dân vươn lên xóa đói nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Những thành công của các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị đang tạo ra bước chuyển nhanh trong quá trình xóa đói, giảm nghèo. |
Bà Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX chia sẻ, ý tưởng trồng và chế biến tinh dầu sả theo chuỗi giá trị nhằm cung cấp các sản phẩm an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường là một trong 3 ý tưởng của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đạt giải tại cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh.
Sản phẩm của HTX thuần tự nhiên, chất lượng đảm bảo, được chưng cất từ nguyên liệu sả do thành viên HTX và bà con tại địa phương trồng. Giá trị của cây sả giờ tăng lên gấp rưỡi. Nhiều gia đình tại đây đã thoát nghèo và yên tâm cùng với HTX phát triển dự án trồng và sản xuất tinh dầu sả theo chuỗi giá trị.
Chị Triệu Thị Thanh, thành viên HTX chia sẻ: "Gia đình tôi trồng trên 4 ha sả, trước đây, chỉ bán củ sả với mức giá bấp bênh theo mùa vụ. Từ khi có cơ sở chưng cất tinh dầu sả, những cây sả nhỏ và phần lá thường bị loại bỏ được HTX nhận chưng cất thành tinh dầu và nhiều sản phẩm hữu ích khác".
Giá trị của cây sả giờ tăng lên gấp rưỡi. Nhiều gia đình tại đây đã thoát nghèo và yên tâm cùng với HTX phát triển dự án trồng và sản xuất tinh dầu sả theo chuỗi giá trị.
Ngoài các sản phẩm chủ lực từ cây sả, HTX còn phát triển các sản phẩm truyền thống vốn có từ trước như: Rau mầm, mật ong. Đây đều là những sản phẩm thiên nhiên được HTX cam kết bảo đảm chất lượng sản phẩm và chịu trách nhiệm tới cùng. Các sản phẩm do HTX sản xuất ra đều được dán nhãn mác rõ ràng, cấp mã số, mã vạch theo từng lô nên đầu ra tương đối ổn định.
Sản phẩm của HTX đã có mặt tại một số siêu thị của TP Hòa Bình và mở rộng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong định hướng phát triển vùng nguyên liệu, HTX cũng thực hiện theo quy trình VietGAP và dùng phân hữu cơ từ chính bã thải ép tinh dầu nên cải thiện môi trường, bảo đảm được chất lượng nguyên liệu.
Giám đốc Nguyễn Thị Bình cho biết: Hiện, dự án tạo việc làm ổn định cho 86 thành viên, trong đó có 70 lao động nữ, 5 lao động khuyết tật, 2 người nhiễm chất độc da cam, 100% chị em là người dân tộc thiểu số, trong đó 90% là dân tộc Dao.
Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, việc tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị cần gắn liền với việc hình thành và phát triển các HTX đủ lực dẫn dắt, định hướng sản xuất và tiêu thụ nông sản theo tín hiệu thị trường trong và ngoài nước tại các vùng, địa phương sản xuất nông sản.
Cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi các HTX tham gia liên kết tiêu thụ nông sản, nhằm mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân. |
“Để đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản cần phải gắn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình giảm nghèo bền vững và ứng dụng khoa học công nghệ. Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản phải phù hợp với đặc điểm, quy mô, cấp độ của lực lượng sản xuất, gắn với khả năng đáp ứng của mỗi loại nông sản” ông Tiến nói.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên chia sẻ: Cách đơn vị đồng hành cùng chính quyền địa phương trong mục tiêu xóa đói, giảm nghèo là làm tốt công việc của mình cùng hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống của người dân. Ở HTX, sản xuất lúa vẫn là nguồn thu nhập chính nên đơn vị chủ động thay đổi phương thức canh tác. HTX làm lúa chất lượng cao theo quy trình kỹ thuật chặt chẽ và cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá cao hơn giá thị trường.
"HTX còn mở nhiều dịch vụ khác như thu gom rác thải, kinh doanh xăng dầu, bán rượu tằm, thủy lợi nội đồng … Các dịch vụ này cho tổng doanh thu từ 20-22 tỉ đồng/năm. Nhờ đó chia lãi vốn góp cho bà con luôn đạt năm sau cao hơn năm trước", ông Tuấn nói.
Còn tại các địa phương khác, các HTX, tổ hợp tác đã và đang tích cực tạo ra chuỗi giá trị liên kết sản xuất theo hướng nông nghiệp hàng hóa nhằm từng bước đổi thay chất lượng sống cho người dân.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc HTX nông nghiệp Thượng Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ cho hay: Nỗ lực trong nhiều năm qua đến nay sản phẩm chuối của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong quy hoạch sản xuất, tổ chức dịch vụ, tăng hiệu quả hoạt động của HTX cũng như củng cố lòng tin của bà con vào kinh tế tập thể. Đối với người dân, từ đây sẽ mở ra cơ hội thoát nghèo làm giàu từ cây trồng truyền thống của địa phương.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: “Cần tạo điều kiện xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các HTX phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đặc biệt là các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ các HTX tham gia liên kết tiêu thụ nông sản, có như vậy thì mới thực hiện được thành công Chương tiêu mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân và thành viên”.
Kim Yến