Những năm gần đây, nhận thấy giá trị kinh tế từ cây quế đem lại, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) đã xác định đây là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao đời sống cho người dân.
Hình thành vùng sản xuất hàng hóa
Để phát huy thế mạnh, huyện Bảo Yên đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân trồng quế, hình thành những vùng nguyên liệu hàng nghìn ha. Đến nay, huyện trở thành một trong những địa phương có diện tích quế lớn nhất tỉnh, với tổng diện tích là trên 20.000 ha.
Không chỉ có cây quế, huyện Bảo Yên còn có nhiều mô hình nông nghiệp mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình trồng dâu, nuôi tằm tại xã Việt Tiến, Minh Tân; mô hình trồng sả tại Tân Dương, Xuân Hòa, Vĩnh Yên; mô hình trồng hồng không hạt tại Bảo Hà…
Khi tham gia mô hình, người dân được các HTX cung ứng toàn bộ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng. Về đầu ra, HTX cũng có trách nhiệm thu mua toàn bộ sản phẩm của người dân.
Việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn trên địa bàn huyện Bảo Yên đang từng bước thay đổi tập quán canh tác của người dân. Hiện, thu nhập bình quân trên một ha canh tác của người dân đã đạt gần 80 triệu đồng, nằm trong tốp đầu về thu nhập tính trên đơn vị sản xuất ở tỉnh Lào Cai.
Phát triển nông nghiệp hàng hóa là tất yếu để làm giàu bền vững cho người dân tại các địa phương (Ảnh: BLC). |
Tương tự, thời gian qua, huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình) cũng đã tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, mang lại lợi ích tích cực về kinh tế.
Yên Thái là xã miền núi nằm ở phía Tây Nam huyện Yên Mô. Dù không có nhiều lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, song nhờ sự chủ động trong đổi mới phương thức sản xuất, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, cơ giới hóa, lĩnh vực nông nghiệp của xã vẫn có được những thành công ấn tượng.
Năm 2017, sau khi nhận được cam kết hỗ trợ kỹ thuật từ HTX nông nghiệp Quảng Công, ông Hoàng Đình Thắng, xã Yên Thái, chuyển đổi toàn bộ 0,5 ha lúa ở khu đồng trũng, kém hiệu quả, sang trồng cà chua và dưa chuột bao tử theo hướng VietGAP, thân thiện môi trường.
Nhờ sự đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng, cùng sự đồng hành của HTX Quảng Công trong khâu kỹ thuật, ông Thắng có được thành công lớn ngay trong vụ đầu sản xuất, thu về gần 150 triệu đồng từ dưa chuột và cà chua công nghệ cao.
Thu nhập cao nhờ sản xuất lớn
“100% diện tích sản xuất của tôi hiện tại đều có nhà lưới bao phủ, giúp giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giá bán ổn định hơn và cho thu nhập cao hơn”, ông Hoàng Đình Thắng nói.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Yên Mô, toàn huyện hiện có 38 ha sản xuất rau, quả an toàn theo quy trình VietGAP, ứng dụng công nghệ cao, canh tác trong nhà lưới, tưới nước tiết kiệm cho giá trị thu nhập 300 - 500 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao, lúa nếp các loại đạt trên 60% diện tích. Các xã Yên Thái, Yên Lâm, Yên Mạc, Yên Phong đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tổ chức canh tác luân canh 4 vụ/năm các cây màu có giá trị kinh tế cao với quy mô 80 ha cho giá trị thu hoạch 300 - 350 triệu đồng/ha.
Hiệu quả của các mô hình sản xuất hàng hóa giúp Yên Mô đạt được nhiều thành công trong công tác giảm nghèo. Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 1,46%, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày được nâng lên. Huyện đặt mục tiêu giảm thêm 0,3% hộ nghèo trong năm 2022.
Việc hình thành nông nghiệp hàng hóa cũng đang là chìa khóa giảm nghèo ở huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang). Nhờ hiệu quả của các chính sách, chương trình kích cầu, quy mô sản xuất một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế trên địa bàn huyện đã tăng nhanh, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp chất lượng, như: Trà hoa vàng Lựu Chanh, khoai lang Bắc Lũng, na dai Nghĩa Phương, hạt dẻ Lục Sơn...
Cùng các mô hình sản xuất quy mô lớn như vùng trồng cây ăn quả trên 6.500 ha, tại các xã Lục Sơn, Vô Tranh, Nghĩa Phương… hình thành vùng lúa chất lượng tập trung với diện tích khoảng 700 ha, cùng hơn 30 mô hình nhà màng, nhà lưới để sản xuất rau, quả an toàn theo chuỗi giá trị, với sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp.
Có thể thấy, trong thời kỳ hội nhập, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, để nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của nông dân thì việc hình thành nông nghiệp hàng hóa là yêu cầu cấp thiết tại mỗi địa phương trên cả nước. Để đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo bền vững, các địa phương cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ để người dân, HTX, doanh nghiệp dễ dàng tham gia, hình thành các vùng sản xuất lớn.
Như Ý