Theo thống kê của huyện Lâm Bình, trước sự phát triển của xã hội, nghề dệt thổ cẩm của huyện có thời điểm rơi vào cảnh mai một, suy thoái. Có những năm, toàn huyện chỉ còn khoảng gần 500 người biết thêu, dệt thổ cẩm truyền thống, 30 người biết vẽ sáp ong trên thổ cẩm, chủ yếu là phụ nữ trên 40 tuổi. Nếu như trước kia mỗi gia đình người Mông, Dao, Tày... đều có khung cửi và con gái mới lớn đều phải biết dệt thổ cẩm thì khi bị công nghiệp hóa lấn sân, số nhà có khung cửi thực sự rất hiếm.
Nỗ lực giữ và phát triển nghề
Điều này khiến thị hiếu của người dân, đặc biệt là giới trẻ về các sản phẩm thổ cẩm truyền thống dần mất đi tính phổ biến. Bên cạnh đó, sự du nhập của các sản phẩm công nghiệp giá rẻ khiến cho các sản phẩm thủ công truyền thống gặp khó khăn trong cạnh tranh. Nhiều địa phương trong huyện cũng rơi vào cảnh thiếu hụt nguồn lao động trẻ, do nhiều người trẻ không còn quan tâm đến nghề dệt truyền thống.
![]() |
Thổ cẩm dệt thủ công là nét đặc sắc ở Lâm Bình. |
Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương và các tổ chức văn hóa, Liên minh HTX tỉnh đã có nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích người dân duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm.
Trong đó, việc thành lập các HTX, tổ hợp tác nghề dệt thổ cẩm đã giúp người dân tổ chức sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả hơn.
Song song đó, các lớp đào tạo nghề được tổ chức nhằm truyền dạy kỹ năng dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ. Việc phát triển du lịch gắn liền với các sản phẩm thổ cẩm truyền thống cũng góp phần tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm này.
Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, nghề dệt thổ cẩm ở Lâm Bình đang được khôi phục và phát triển mạnh mẽ, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Đến nay, các sản phẩm thổ cẩm Lâm Bình đã được nhiều người biết đến và ưa chuộng, góp phần quảng bá văn hóa địa phương.
Góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững
Một điểm nhấn trong quá trình khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống chính là sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ, Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang giúp nhiều mô hình sản xuất và kinh doanh thổ cẩm được hình thành, giúp người dân tiếp cận thị trường và nâng cao năng lực sản xuất. Nhờ đó, thu nhập của người dân được cải thiện, đời sống được nâng cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong huyện.
Trong đó, HTX Thổ cẩm Lâm Bình được thành lập với mục tiêu bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đồng thời tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Đến nay, HTX đã có hơn 30 thành viên, chủ yếu là phụ nữ dân tộc Tày, Dao, Mông... Các thành viên được chia thành nhiều tổ, nhóm theo sở thích và chuyên môn, như nhóm dệt khăn, nhóm thêu, nhóm may và thiết kế sản phẩm từ thổ cẩm...
![]() |
Lâm Bình khuyến kích người dân phát triển nghề thổ cầm thông qua HTX và gắn với du lịch để nâng cao giá trị kinh tế. |
HTX đã chú trọng đầu tư vào thiết kế mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội. Nhờ đó, sản phẩm thổ cẩm Lâm Bình ngày càng được nhiều người biết đến và ưa chuộng, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên.
Chị Ngô Thị Chín (thôn Nà Bản, xã Thượng Lâm) chia sẻ: "Công việc dệt vải được chị em tranh thủ làm vào buổi trưa và tối, sau những giờ làm đồng áng vất vả. Mỗi sản phẩm đều chứa đựng tâm huyết và sự khéo léo của người thợ nên nâng cao được giá trị kinh tế".
Nghệ nhân Chẩu Thị Sen (xã Thượng Lâm), cho biết nghề dệt thổ cẩm không chỉ là kế sinh nhai, tạo thu nhập ổn định cho người dân mà còn là nét đẹp văn hóa được gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch, huyện Lâm Bình đã phối kết hợp với Liên minh HTX tỉnh để hỗ trợ người dân, HTX phát triển đúng hướng. Trong đó, việc mở các lớp đào tạo nghề liên quan đến du lịch, nghề dệt thổ cẩm giúp người dân, thành viên HTX nâng cao tay nghề, kỹ năng sản xuất kinh doanh. Thông qua đó, HTX Thổ cẩm Lâm Bình còn đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm thổ cẩm trên mạng xã hội, mở rộng đầu ra.
Nhân rộng mô hình liên kết hợp tác
Ngoài HTX thổ cẩm Lâm Bình, tại thị trấn Lăng Can (huyện Lâm Bình) cũng có HTX thổ cẩm Lăng Can được thành lập từ đầu năm 2020. Sự ra đời và phát triển của HTX là một trong những nỗ lực để giữ gìn và phát triển nghề dệt truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.
HTX có 20 thành viên, chủ yếu là những phụ nữ dân tộc Tày, Dao đã thành thạo nghề. Để phát triển bền vững, ngoài đào tạo nghề, HTX còn thực hiện theo hình thức người có nghề hướng dẫn người chưa biết. Đến nay, những bạn trẻ trong độ tuổi học sinh cũng đã dần tiếp xúc và yêu thích nghề dệt thổ cẩm truyền thống nhờ sự hướng dẫn và tuyên truyền của các thành viên trong HTX. Với họ, đến với nghề còn là cách để hiểu về văn hoá dân tộc mình, tìm về những giá trị tốt đẹp đang có nguy cơ mai một.
Các sản phẩm của HTX khá đa dạng, từ các sản phẩm như quần, áo đến đồ lưu niệm như chăn, mũ, khăn quàng thổ cẩm. Với những nét hoa văn tinh xảo được thêu dệt kỹ lưỡng cùng chất liệu truyền thống của đồng bào trên các sản phẩm được khách du lịch ưa chuộng. Chính vì vậy, mô hình này cũng đang góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho các bà các chị, đặc biệt là người cao tuổi, người yếu thế trên địa bàn.
Ngoài hai HTX trên, trên địa bàn huyện Lâm Bình còn có các tổ hợp tác, làng nghề, tổ thêu dệt ở thị trấn Lăng Can, các xã Khuôn Hà, Thượng Lâm.
Các HTX, tổ hợp tác, làng nghề này đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm; Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm; Quảng bá và giới thiệu sản phẩm đến thị trường trong và ngoài tỉnh. Và đặc biệt, các mô hình này đã tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là phụ nữ, có thêm thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm.
Nhờ sự hoạt động hiệu quả của các HTX, nghề dệt thổ cẩm ở Lâm Bình ngày càng phát triển, góp phần vào việc nâng cao kinh tế và bảo tồn văn hóa địa phương.
Trí Chiến