Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Hiệp Hòa đang cho hiệu quả cao |
Hiệu quả gia tăng
Được “lên đời” từ mô hình tổ hợp tác, HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3 (xã Thường Thắng) đang có được những thành công ấn tượng từ mô hình trồng rau sạch. Được thành lập từ năm 2017, đến nay, HTX đang có 52 hộ thành viên.
Ông Nguyễn Văn Nghiệp – Giám đốc HTX, cho biết: “HTX đang phát triển 2.500 m2 nhà màng trồng dưa vàng, dưa chuột, rau cao cấp và trên 10 ha lúa hữu cơ. Để phát triển bền vững, ngay từ đầu, HTX đã chú trọng sản xuất hiện đại gắn với bảo vệ môi trường”.
Sản phẩm HTX có bao bì quy chuẩn, có tem truy xuất nguồn gốc, không chỉ có mặt tại nhiều siêu thị ở Bắc Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà còn xuất khẩu. HTX đang thực hiện hợp đồng với một công ty của Nhật Bản, sản xuất 9 loại xà lách theo công nghệ BLOF.
“Sản xuất hiện đại giúp HTX đảm bảo năng suất, chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh, gia tăng hiệu quả kinh tế. Chú trọng môi trường giúp HTX giảm thiểu thoái hóa nguồn đất, nguồn nước, không khí, qua đó nâng cao sức khỏe con người, mở hướng đi bền vững”, ông Nghiệp nhấn mạnh.
Tương tự, HTX Trường Thành (xã Danh Thắng) cũng đang gặt hái nhiều thành công với mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ theo chuỗi khép kín, với tổng đàn 1.800 con, sản lượng xuất chuồng khoảng 20 tấn/tháng.
Sản phẩm thịt lợn hữu cơ của HTX được bán tại 7 siêu thị địa bàn Hà Nội và các trường mầm non trên địa bàn với giá trung bình 200.000 đồng/kg. HTX còn có sản phẩm thịt hun khói, giò, nem phục vụ nhu cầu của nhân dân
Chia sẻ về thành công, ông Tô Hiến Thành – Giám đốc HTX, cho hay: “Bên cạnh hiệu quả kinh tế, vấn đề môi trường luôn được HTX chú trọng. Chăn nuôi quy mô lớn nên HTX đã chủ động đầu tư công nghệ xử lý chất thải, điển hình như hệ thống hầm biogas, vừa giảm thiểu ô nhiễm, vừa tăng thêm lợi ích”.
Không chỉ cho hiệu quả kinh tế, sản xuất sạch còn đem lại lợi ích về môi trường |
Phát huy tiềm năng
Hiệp Hòa có vị thế “đắc địa” để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tuy nhiên, những năm qua, huyện vẫn hết sức coi trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng chất lượng cao gắn với bảo vệ môi trường và coi đó như là “bản sắc” của nông thôn hiện đại.
Hiện, nhiều sản phẩm là “đặc sản” của Hiệp Hòa đã và đang người tiêu dùng lựa chọn và có được chỗ đứng trên thị trường. Điển hình như rau cần sạch Hoàng Lương. Đến nay, xã Hoàng Lương có khoảng 160ha rau cần, trong đó có 50ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cho năng suất bình quân 1,8 tấn/sào/lứa, giá trung bình 5.000 – 7.000 đồng/kg, thu nhập hơn 9 – 11 triệu đồng/sào/lứa (70 ngày).
Tương tự, cây bưởi ở xã Lương Phong đang được sản xuất theo hộ gia đình, với tổng diện tích sản xuất ổn định hơn 70ha hiện đang cho thu hoạch; năng suất bình quân gần 24.500 quả/ha, với giá bán bình quân 17.000 đồng/quả, cho thu nhập hơn 415 triệu đồng.
Với lợi thế và tiềm năng lớn, huyện Hiệp Hòa đang kỳ vọng sẽ trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bắc Giang, mang lại những lợi ích kinh tế vượt trội cho người dân, đồng thời giải hết “bài toán” môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Hoàng Tiến Hùng – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hiệp Hòa, cho biết để đạt được các mục tiêu đề ra, huyện sẽ tập trung cao hỗ trợ về vốn, kỹ thuật sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, quy trình giám sát chất lượng sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc.
“Đặc biệt, huyện sẽ đẩy mạnh liên kết giữa địa phương, nông dân, doanh nghiệp, HTX để nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh cho nông sản. Trong quá trình phát triển, các yếu tố về khoa học – công nghệ, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, sẽ được huyện đặc biệt quan tâm, đảm bảo sự phát triển bền vững”, ông Hùng khẳng định.
Mộc Miên