Thời gian qua, môi trường nông thôn ở Bạc Liêu đã có những chuyển biến tích cực khi ngày càng xanh - sạch - đẹp hơn. Đây cũng là một phần tất yếu giúp đời sống người dân ngày một hoàn thiện.
Gắn với xây dựng nông thôn mới
Cũng giống như các tỉnh thành khác đang đẩy mạnh chương trình nông thôn mới, Bạc Liêu cũng là địa phương tích cực hoàn thiện các mục tiêu đề ra, trong đó có tiêu chí môi trường thuộc tiêu chí số 17. Hiện nhiều địa phương đã tích cực hoàn thiện các tiêu chí này và về đích nông thôn mới.
Tiêu biểu là huyện Phước Long. Bên cạnh các tuyến đường hoa rực rỡ sắc màu, công tác cải tạo vườn tạp cũng được triển khai và nhân rộng giúp nông dân tăng thêm thu nhập, việc làm và hơn cả chính là ý thức BVMT của người dân được phát huy.
Bảo vệ môi trường nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới |
Đặc biệt, huyện Phước Long còn kiên quyết xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đây được coi là cách làm hay nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân trong công tác BVMT.
Hay như ở huyện Vĩnh Lợi, việc triển khai thực hiện tiêu chí môi trường trên địa bàn đã đạt những kết quả tích cực như: tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh tăng lên; việc thu gom, xử lý rác được quan tâm; người dân nâng cao ý thức không vứt rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định; xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Gắn với phát triển kinh tế, các xã, huyện đã đẩy mạnh việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh - sạch - đẹp; tổ chức phát động các phong trào chỉnh trang đường làng ngõ xóm, khuôn viên gia đình, trồng hàng rào cây xanh và xây dựng các công trình vệ sinh kiên cố, đạt chuẩn.
Tại các xã, nội dung BVMT đã được đưa vào sinh hoạt thường xuyên ở các khu dân cư để người dân được chủ động tham gia giám sát hoạt động BVMT. Việc xây dựng thực hiện quy ước, hương ước cam kết BVMT đã phát huy mạnh mẽ vai trò tích cực của người dân, các tổ chức xã hội, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa; khuyến khích phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với BVMT.
Song song đó, các phong trào BVMT cũng được phát động sâu rộng, huy động sự tham gia của cộng đồng trong thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ đồ nhựa, bao bì, túi nylon để chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định. Tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế sử dụng túi nylon khó phân hủy, sử dụng một lần và phân loại rác thải tại nguồn, tạo điều kiện thuận lợi để thu gom và tái chế.
Nhờ đó, bộ mặt nông thôn đã có những thay đổi đáng kể, đặc biệt là cảnh quan được cải tạo xanh - sạch - đẹp, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường… Tiêu chí 13 đối với các xã, huyện cũng không còn khó khăn.
Theo ông Từ Minh Phúc - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi: Để nâng cao tiêu chí môi trường trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, ý thức của người dân và cả doanh nghiệp. Trong đó, cần quan tâm thực hiện một số nội dung như: tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, HTX, cá nhân và cộng đồng dân cư trong việc BVMT.
Nâng cao hiệu quả
Cùng với đó, Bạc Liêu đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT để huy động tối đa các nguồn lực của xã hội nhằm thực hiện hiệu quả công tác BVMT, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư cho công tác BVMT, nhất là các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, sử dụng chất thải. HTX Lâm Phong, Tổ hợp tác thu gom rác huyện Hòa Bình, Công ty Môi Trường Á Châu… là những mô hình thu gom, xử lý rác thải hiệu quả trên địa bàn tỉnh bạc Liêu.
Ngoài ra, để hạn chế lượng ác thải phát sinh, Bạc Liêu cũng khuyến khích các mô hình tái chế rác thải. Nhiều địa phương đã được các Hội, đoàn thể hoặc các đơn vị khoa học - công nghệ chuyển giao các mô hình gắn sản xuất với bảo vệ môi trường nông thôn; hướng dẫn tái sử dụng các chất thải bỏ đi một cách hiệu quả, giúp nông dân tăng thu nhập, giải quyết thêm việc làm.
Tiêu biểu là khu chuyên canh rau cần xã Vĩnh Thanh, khu trồng bắp xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long)... đã tận dụng các phế phẩm từ rau và cây bắp để làm phân hữu cơ hoặc thức ăn phục vụ chăn nuôi heo, gia cầm, cá, trâu, bò... Hoặc các phế phẩm được thải ra từ việc chế biến cá khô, cá mặn tại các vựa cá của huyện Đông Hải gần không còn tình trạng đổ thẳng xuống cửa biển mà thay bằng việc phơi khô, xay làm phân bón rau, hay chế biến thành bột cá làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Hay một số địa phương tập trung chăn nuôi đã tiến hành ủ phân compost phục vụ sản xuất rau màu; xây hầm biogas để xử lý từ phân heo phát điện cho nuôi tôm, dùng làm khí đốt phục vụ sinh hoạt; tái sử dụng lại phân heo đã qua ủ biogas làm phân sạch bán cho các điểm kinh doanh hoa kiểng… Cùng với đó là thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã vệ sinh môi trường ở các xã...
Những kết quả tích cực mang lại từ công tác BVMT ở các địa phương đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn ở Bạc Liêu.
Huyền Trang