HTX đang bứt lên nhờ sản xuất hiện đại gắn với bảo vệ môi trường |
Mở rộng quy mô
Năm 2015, trước đòi hỏi của thực tiễn, Tổ hợp tác Chế biến Thủy hải sản Phú Khương đã chuyển đổi thành HTX Chế biến thủy sản Phú Khương, nhằm mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Nếu như năm 2012, khi còn là tổ hợp tác, HTX chỉ có quy mô sản xuất khoảng 20 tấn cá, thì sau 5 năm phát triển, HTX đạt đã nâng công suất sản xuất lên 30 - 35 tấn cá/năm. Sản phẩm của HTX có chất lượng vượt trội và được thị trường đánh giá cao.
Nước mắm Phú Khương hiện chủ yếu bán lẻ thông qua các đại lý, cửa hàng nông sản của Hội Nông dân, các chợ trên địa bàn huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Mục tiêu của HTX là mở rộng thị trường tiêu thụ ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
Năm 2018, HTX Phú Khương đã khai trương một khu chế biến mới. Quy mô khu chế biến được triển khai trên diện tích 6.000 m2 ở thôn Xuân Phú, lắp đặt 30 bệ nước mắm bằng tấm năng lượng mặt trời tự đảo, mỗi bệ chứa 2 tấn cá, mỗi năm cho hơn 1.000 lít nước mắm.
Theo kế hoạch, những năm tới, HTX Phú Khương phấn đấu mở rộng quy mô kho đông lạnh thu mua hải sản, hướng tới đưa sản phẩm vào bán ở những siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh.
Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX là một trong những đầu mối thu mua, tiêu thụ hải sản với số lượng lớn nhất cho ngư dân trên địa bàn. Dự kiến, sản lượng thu mua, chế biến từ năm 2020 trở đi của HTX là trên 300 tấn mỗi năm.
Nước mắm Phú Khương được thị trường đánh giá cao nhờ sản xuất sạch |
Chú trọng sản xuất sạch
Để tránh tình trạng thời tiết thất thường gây ảnh hưởng đến quá trình chế biến, sản xuất, ngay từ khi thành lập, HTX đã đầu tư hệ thống sản xuất nước mắm bằng ứng dụng công nghệ pin năng lượng mặt trời, với những ưu điểm về môi trường.
Quy trình này về cơ bản vẫn giống như quy trình làm nước mắm truyền thống, chỉ khác là quá trình đảo, rang, phơi được thực hiện bằng nguồn nhiệt thu được từ các tấm pin năng lượng mặt trời. Với tấm thu năng lượng mặt trời, công đoạn sản xuất sẽ được bỏ qua việc mở nắp thùng ủ nên không bay hơi, chất lượng nước mắm vì vậy sẽ ngon hơn và đỡ tiêu hao hơn.
Theo tính toán của HTX, lượng nước mắm cốt thu được nhiều hơn 30% so với công nghệ sản xuất nước mắm truyền thống và được chuyển hóa tối đa do nhiệt độ đạt mức tối ưu, đồng thời giảm 80% lượng khí thải so với các loại máy chạy bằng xăng dầu.
Bà Lê Thị Khương – Giám đốc HTX, cho biết: “Bên cạnh mục tiêu nâng cao chất lượng, việc ứng dụng pin năng lượng mặt trời còn giúp HTX giảm thiểu phát thải khói bụi, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường”.
Việc chú trọng bảo vệ môi trường thể hiện ở công đoạn xử lý chất thải của HTX. Nước thải trong quá trình chế biến được HTX xử lý qua 3 bậc: cơ học, sinh học và hóa lý.
Cụ thể, đầu tiên nước thải sẽ qua các công trình cơ học để xử lý sơ bộ, loại bỏ các tạp chất thô, nâng cao hiệu suất các công trình xử lý phía sau, bảo vệ các thiết bị và các loại bơm. Sau đó, nước thải được dẫn vào bể xử lý vi sinh, tạo ra các loại khí như H2S, CH4, CO… Khí CH4 được tạo ra từ quá trình này được sử dụng làm chất đốt.
Sau khi qua các công trình xử lý sinh học, nước thải đến các công trình xử lý bậc cao để nâng cao hiệu quả xử lý. Phần nước trong được dẫn qua bể lọc áp lực để loại bỏ màu và mùi. Cuối cùng nước thải được khử trùng bằng NaOCl để loại bỏ các vi sinh vật gây bệnh và xả thải ra nguồn tiếp nhận.
Phượng Vỹ