Các mô hình trồng chè đang đem lại hiệu quả kép về kinh tế và môi trường |
Sản xuất hữu cơ
Đồng Đài có thế mạnh và truyền thống phát triển cây chè. Toàn thôn hiện có 60 hộ với hơn 80% số hộ sản xuất chè, cây chè đã được người dân trồng từ hơn 20 năm trước nên có nhiều kinh nghiệm trong thâm canh.
Mang lại giá trị cao, cho thu nhập ổn định nên những năm gần đây, diện tích chè trên địa bàn thôn không ngừng gia tăng, đến nay có hơn 20 ha chè. Đầu năm 2018, thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm đặc trưng (OCOP), Đồng Đài được cấp giấy chứng nhận làng nghề chè.
Trong quá trình phát triển, bên cạnh đẩy mạnh cải tạo đất đai, đưa các giống chè mới năng suất, chất lượng cao vào canh tác, các hộ trồng chè cũng tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật mới, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất, nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Ông Lê Thế Uy - Giám đốc HTX dịch vụ, sản xuất, chế biến chè Sơn Trà (thôn Đồng Đài), cho biết: “Những năm qua, huyện Sơn Dương đã khuyến khích các mô hình sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hữu cơ. Năm 2019, sau quãng thời gian dài thử nghiệm, HTX đã chuyển đổi toàn bộ diện tích chè cũ kém hiệu quả sang giống chè trung du và chè cành để phát triển theo hướng hữu cơ”.
Cùng với HTX, nhiều hộ dân trong làng nghề cũng bắt đầu đẩy mạnh chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ. Đến nay, toàn thôn đã có hơn 2 ha chuyển đổi thành công và đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Các sản phẩm chè hữu cơ Đồng Đài đang khẳng định chỗ đứng trên thị trường |
Hiệu quả toàn diện
Việc chuyển đổi phương thức trồng chè từ nhỏ lẻ sang tập trung theo hướng hữu cơ đang mở ra hướng phát triển đầy triển vọng, mang lại hiệu quả kép về lợi ích kinh tế và môi trường cho người dân thôn Đồng Đài.
Ông Trần Công Thông (thôn Đồng Đài), chia sẻ: “Sản xuất hữu cơ khiến sản lượng giảm 15 – 20% nhưng chất lượng đảm bảo, giá trị tăng 30 – 50%, đặc biệt, giúp giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, qua đó giảm thiểu phát thải gây ô nhiễm môi trường. Sang năm 2020, gia đình tôi sẽ chuyển đổi toàn bộ diện tích chè sang sản xuất hữu cơ”.
Để đảm bảo hiệu quả bền vững cho mô hình, huyện đã chủ động tổ chức cho các hộ dân được tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kiến thức về bảo vệ môi trường, an toàn lao động; hỗ trợ phân vi sinh, chế phẩm sinh học, cấp cây giống để trồng mới 3 ha và đầu tư máy đóng gói hút chân không.
Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ HTX dịch vụ, sản xuất, chế biến chè Sơn Trà xây dựng tem, nhãn mác, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè, giúp HTX nâng tầm ảnh hưởng, phát huy vai trò kết nối sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao giá bán cho sản phẩm.
Về phía người dân, áp dụng các phương pháp sản xuất hữu cơ, các hộ trồng chè thôn Đồng Đài đã tự pha chế thuốc trừ sâu sinh học từ nguyên liệu là ớt cay, tỏi, gừng, thuốc lào... Chế phẩm này không những hạn chế được sâu bệnh hại chè, mà còn an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường.
Sản xuất chè hữu cơ ở thôn Đồng Đài đang có những thành tựu đầu tiên, sự đồng hành và hỗ trợ của cơ quan chuyên môn huyện Sơn Dương là động lực thúc đẩy người dân mạnh dạn áp dụng phương pháp sản xuất chè hữu cơ đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, từ đó mở ra hướng đi bền vững cho cây chè.
Mộc Miên