Các địa phương có diện tích cà phê lớn đã có nhiều giải pháp để xóa bỏ dần quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đặc biệt là tạo các mối liên kết sản xuất thông qua doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác hoặc các dự án.
Hiệu quả thấy rõ từ liên kết
Tại xã Ea Tóh, từ năm 2012 đến nay, 1.600 hộ dân đã tham gia chuỗi liên kết sản xuất cà phê bền vững với Công ty Simexco Đắk Lắk. Người dân được hướng dẫn sản xuất theo quy trình VietGAP, thu hái cà phê chín trên 95% và được công ty thu mua với giá cao hơn thị trường.
Sản phẩm cà phê bền vững đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế có giá bán cao hơn nhiều so với cà phê thông thường (Ảnh: TL) |
Theo thống kê, trên địa bàn xã Ea Toh có 2.552ha cà phê, năng suất trung bình đạt hơn 3 tấn nhân/ha. Là cây trồng chủ lực của địa phương, những năm trở lại đây, cây cà phê càng được đầu tư, chăm sóc để nâng cao chất lượng vườn cây. Người dân cũng chủ động tham gia các chương trình, dự án theo hình thức liên kết chuỗi, tạo được vùng sản xuất cà phê sạch, cà phê đặc sản. Thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, người dân nắm được kiến thức nhất định và có nhiều thay đổi tích cực về phương thức canh tác, đặc biệt khâu thu hoạch quả chín được chú trọng hơn, thuận lợi cho việc sản xuất cà phê chất lượng cao.
Cũng với hướng đi đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp công bằng Ea Kmát - Hòa Đông (xã Hòa Đông) đã liên kết với hơn 90 hộ làm cà phê, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 93%; tổng diện tích liên kết 144ha.
Ông A Diệu Kbuôr, Trưởng Ban Kiểm soát HTX cho biết, trước đây khi chưa có HTX thì người dân sản xuất theo phương pháp truyền thống, mỗi hộ làm một kiểu, năng suất thấp, chất lượng không đồng đều. Từ khi được thành lập, HTX đã đứng ra liên kết các hộ dân lại để cùng thực hiện một quy trình sản xuất cà phê chất lượng cao theo chứng nhận thương mại công bằng (FLO) cho toàn bộ diện tích liên kết.
Lúc đầu cũng rất khó khăn, gần như cán bộ HTX phải “cầm tay chỉ việc” cho từng nông dân ngay trên vườn cà phê để giúp họ thay đổi dần cách làm cũng như nhận thức về giá trị cà phê chất lượng cao. Sau 6 năm đi vào hoạt động, đến nay các hộ liên kết đã áp dụng quy trình sản xuất một cách nhuần nhuyễn từ khâu chăm sóc, thu hái quả chín đến chế biến ướt, tạo được vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao có chứng nhận quốc tế ngay trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để sản xuất cà phê đạt chứng nhận FLO, các thành viên của HTX phải tuân thủ các nguyên tắc do Tổ chức quốc tế về dán nhãn thương mại công bằng đưa ra. Trong đó, các sản phẩm phải bảo đảm các yêu cầu về chất lượng sản phẩm và cảnh quan môi trường. Đặc biệt, nông dân sản xuất cà phê phải hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất. Tất cả các loại bao bì, dụng cụ, chai lọ sử dụng trong quá trình sản xuất phải gom và xử lý theo đúng quy định để bảo đảm môi trường cho vườn cây và sức khỏe cho cả cộng đồng…
Trong khi đó, với mong muốn đồng hành với người dân, chung tay xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản, cà phê sạch, HTX Nông nghiệp dịch vụ du lịch ROFC (xây dựng 2 địa điểm sản xuất ở xã Ea Toh và Phú Lộc, huyện Krông Năng) đã được thành lập cuối năm 2019, có 12 thành viên góp vốn và liên kết với 40 hộ dân trồng cà phê, với diện tích 50ha.
Người dân tham gia vào HTX sẽ được hướng dẫn, hỗ trợ sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, thu hái quả chín đạt 100%, tuân thủ các quy định an toàn, thân thiện với môi trường, được thu mua với giá cao, mang lại cho người dân thu nhập tăng thêm 15 triệu đồng/ha. Từ khâu kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch cho đến khâu sơ chế, bảo quản được HTX triển khai nghiêm ngặt, đảm bảo hương vị và chất lượng sản phẩm.
Nhân rộng những cách làm hay
Ông Trần Văn Thảo (xã DliêYa) có diện tích 6ha trồng cà phê và sầu riêng. Nhiều năm qua, không giống với các hộ trồng cà phê khác ông nhận ra những lợi ích từ việc quản lý cỏ dại đúng cách.
Sản xuất cà phê bền vững mang lại chất lượng vượt trội, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường (Ảnh: Int) |
Khi được Phòng NN&PTNT huyện hướng dẫn để thực hiện quản lý thảm cỏ sinh học, ông rất phấn khởi và áp dụng trên vườn cà phê của mình.
Đến nay, vườn cà phê của gia đình ông khác biệt rõ rệt, trái cà phê đóng chùm tốt, to đều, năng suất tăng nhiều hơn so với các năm trước.
"Trước đó, theo kinh nghiệm tôi thấy nếu làm sạch cỏ thì đất sẽ dễ bị khô, tưới nước rất nhiều cho cây trồng. Được Phòng NN&PTNT hướng dẫn làm thảm cỏ tôi thấy rất phấn khởi. So với những vườn khác, vườn cà phê của gia đình tôi tưới nước muộn hơn vào mùa khô, lượng nước tưới cũng ít hơn", ông Thảo nói.
Bên cạnh đó, theo ông Thảo việc để cỏ dại mọc um tùm rồi mới quản lý giúp tiếp kiệm một phần phân bón đáng kể.
"Cứ để cỏ mọc tự nhiên tầm 50-60cm rồi mới cắt, để lại khoảng 10cm làm thảm cỏ sinh học. Lượng cỏ bị cắt xuống sẽ được phun chế phẩm sinh học để biến thành phân hữu cơ luôn. Không những tiết kiệm phân mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê theo hướng hữu cơ", ông Thảo chia sẻ.
Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Krông Năng cho biết, cỏ dại là một trong những tác nhân cạnh tranh dinh dưỡng, nước, ánh sáng với cây trồng trên đất, trong đó có cây cà phê. Tuy nhiên, nếu áp dụng biện pháp quản lý cỏ dại sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, có thể tạo thảm phủ mặt đất chống xói mòn, giữ ẩm, bổ sung hữu cơ cho đất và tạo môi trường cho vi sinh vật có lợi phát triển, giúp cây trồng phát triển tốt hơn.
"Việc áp dụng quản lý thảm cỏ thay thế thuốc diệt cỏ giúp nông dân giảm nước tưới do giảm bốc hơi nước và giữ ẩm, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cây trồng phát triển khỏe mạnh, chất lượng cà phê được cải thiện, không có tồn dư hoạt chất Glyphosate (loại chất đã bị cấm trong thuốc bảo vệ thực vật)", lãnh đạo Phòng NN&PTNT phân tích.
Gia đình ông Đặng Văn Thiện (thôn Hải Hà, xã Ea Tân) cũng đã mạnh dạn áp dụng mô hình thảm cỏ sinh học trên 1ha cà phê xen canh các loại cây ăn trái khác.
"Trước kia, vườn cà phê của gia đình tôi thường xuyên làm sạch cỏ bằng cách thuê công làm cỏ hay phun thuốc diệt cỏ. Đến mùa khô nước bốc hơi nhanh lắm, đất khô cứng, mất nhiều độ ẩm. Từ khi áp dụng thảm cỏ sinh học đến nay, mỗi tháng gia đình tôi phát cỏ một lần, sau đó dùng chế phẩm sinh học phun lên cỏ đã phát để tạo lớp mùn cho đất. Tôi thấy cây trồng có sự thay đổi rõ rệt, lá xanh hơn, mùa khô cũng không cần phải tưới nước quá nhiều nữa", ông Thiện cho hay.
Trong thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện sẽ phối hợp với các đơn vị, ban ngành liên quan tiếp tục khuyến khích người dân áp dụng mô hình thảm cỏ sinh học.
Phòng NN&PTNT huyện Krông Năng cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 8 HTX sản xuất cà phê, trong đó có 4 HTX đang sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chứng nhận 4C, UTZ, Rainforest Alliance, FLO-CERT…
Đặc biệt, huyện còn phối hợp triển khai Chương trình sản xuất kết hợp với bảo tồn nguồn tài nguyên và an sinh xã hội (Chương trình PPI Compact), giai đoạn 1 từ năm 2019 - 2020, với quy mô ban đầu là 5.200 ha/4.000 hộ dân tại 3 xã: Ea Tân, Ea Toh và Dliê Ya. Chương trình đã mang lại hiệu quả rõ rệt, từng bước thay đổi thói quen, tư duy của người dân trong việc sản xuất cà phê hữu cơ, bảo vệ môi trường, giúp cây phát triển bền vững, tạo đầu ra sản phẩm ổn định.
Giai đoạn 2 từ năm 2021 - 2025, huyện sẽ mở rộng ra 12 xã, thị trấn với quy mô 21.100 ha. Cùng với đó, Phòng NN&PTNT tiếp tục vận động người dân thu hoạch quả chín trên 95%, xây dựng các đội an ninh đảm bảo mùa thu hoạch, đồng thời, tạo mọi điều kiện, lồng ghép các chương trình, dự án để giúp người dân liên kết thành chuỗi phát triển cà phê chất lượng cao nhằm nâng tầm thương hiệu cà phê của địa phương, mang lại nguồn thu ổn định người dân…
Phương Linh