Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), từ năm 2017 đến nay, mỗi năm cả nước chuyển đổi thành công 120 - 131 nghìn ha từ đất trồng lúa hiệu quả thấp sang cây hằng năm giá trị cao như rau an toàn, ngô, khoai, dược liệu, cây thức ăn cho gia súc; 24 - 38 nghìn ha chuyển đổi sang cây ăn quả như cây có múi, xoài, nhãn, vải, thanh long…
Tăng giá trị gia tăng từ chuyển đổi
Để bảo đảm các loại cây trồng sau chuyển đổi mang lại hiệu quả, các địa phương đã có những giải pháp hỗ trợ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất cây trồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Số liệu của Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho thấy, với nhiều mô hình hay, cách làm tốt và đưa nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh như nhãn lồng Hưng Yên, bưởi Đoan Hùng, cam Cao Phong... vào sản xuất, các vùng chuyển đổi có giá trị sản xuất cao hơn 5 - 8 lần so với trồng lúa.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang mang lại lợi ích kép cả về kinh tế và môi trường sinh thái (Ảnh TL). |
Điển hình, lĩnh vực nông nghiệp huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên thời gian qua có bước phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật gắn với an toàn sinh thái, mang lại lợi ích toàn diện cho người dân.
Đến nay, Yên Mỹ đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao như sản xuất rau an toàn tại xã Việt Cường, Yên Phú; trồng cây ăn quả tại các xã Minh Châu, Yên Phú, Hoàn Long…
Nổi bật có thể kể đến mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất rau an toàn ở HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Yên Phú.
Sau 5 năm thực hiện chuyển đổi, đến nay, diện tích rau an toàn của HTX và các hộ nông dân liên kết khoảng 35 ha, mỗi tháng cung ứng ra thị trường từ 45 - 50 tấn rau các loại.
Đáng chú ý, để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, thành viên HTX đã áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ vào quá trình sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, thân thiện môi trường, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Đơn cử, trong quá trình chăm sóc, các hộ sản xuất từ bỏ thói quen lạm dụng chất hóa học, ưu tiên sử dụng các loại hợp chất vi sinh, vừa đảm bảo quá trình sinh trưởng của cây trồng, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
“Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (đã được công nhận), thân thiện môi trường, sản phẩm của HTX được các đối tác tiêu thụ tin tưởng, giá bán cao hơn 15 - 30% so với mặt bằng chung”, đại diện HTX chia sẻ.
Tiếp tục mở rộng quy mô
Cùng với Hưng Yên, Hòa Bình cũng là một trong những tỉnh có phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả trong thời gian qua. Điển hình có thể kể đến cây cam ở Cao Phong đang ngày càng khẳng định thương hiệu.
Thành lập năm 2018, HTX 3T nông sản Cao Phong (HTX 3T farm), thị trấn Cao Phong được xem là mô hình tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, không dùng thuốc diệt cỏ, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật để tạo ra sản phẩm an toàn đưa ra thị trường.
Cần thêm cơ chế hỗ trợ để mở rộng các vùng chuyển đổi, mang lại giá trị bền vững cho người dân (Ảnh TL). |
Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T farm cho biết, trước đây, do canh tác cam theo phương pháp truyền thống nên năng suất và chất lượng cam thấp. Để nâng cao giá trị, các thành viên đã chủ động chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn sinh thái.
Năm 2019, HTX 3T farm đã tham gia ý tưởng tại cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức với chủ đề: “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”.
Kết quả, Dự án “Cam - Quà tặng cao cấp 3T farm gắn với chuỗi sản xuất theo hướng hữu cơ vì môi trường sống xanh” đã vinh dự là 1/35 dự án vượt qua hơn 740 dự án của cả nước tham gia và đạt giải.
Sau khi hoàn thành cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo, HTX 3T farm được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hỗ trợ 125 triệu đồng để phát triển sản xuất như: mua phân bón, tem truy xuất nguồn gốc… Cũng với sản phẩm cam quà tặng này, 3T farm đã tham gia dự thi sản phẩm OCOP cấp tỉnh và được công nhận là sản phẩm 3 sao.
Dù đang có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, theo đại diện Cục Trồng trọt, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thời gian qua đang tác động tiêu cực đến quá trình chuyển đổi tại các địa phương, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, dẫn đến việc ứng dụng cơ giới hóa chưa cao, năng suất, chất lượng nông sản thấp.
Bên cạnh đó, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư và tiêu thụ sản phẩm do việc đầu tư vào nông nghiệp gặp nhiều rủi ro, thị trường tiêu thụ không ổn định
Để nâng cao giá trị gia tăng hơn nữa trong việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng cụ thể, tăng cường tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học, kỹ thuật mới, vận động người dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ quy mô gia đình sang hình thức tổ hợp tác, HTX, liên kết sản xuất để nâng cao giá trị canh tác.
Đồng thời, các địa phương cần chú trọng thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyển đổi gắn các khu vực du lịch sinh thái để quảng bá sản phẩm nông nghiệp, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ…
Lệ Chi