HTX rau an toàn VietGAP Phú Long, xã Phú Long đang là điển hình trong sản xuất xanh, sạch, hiệu quả ở Hàm Thuận Bắc. HTX hiện có 19 thành viên, chia thành 2 tổ hợp tác, mỗi tổ phụ trách sản xuất trên diện tích hơn 25 ha, với mặt hàng chủ lực là các loại rau VietGAP, hữu cơ.
Hiệu quả sản xuất khoa học
Ông Trịnh Ngọc Hùng, đại diện HTX Phú Long, cho biết trước khi thành lập, HTX được cán bộ của Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ khảo sát, kiểm định chất lượng nguồn đất, nguồn nước và kết quả đảm bảo tiêu chuẩn để trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP.
Các HTX ở Hàm Thuận Bắc đang đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn sinh thái, hình thành các vùng chuyên canh. |
Bước vào hoạt động, thành viên HTX được tập huấn sản xuất theo quy trình quản lý dịch hại tổng hợp. Các thành viên sẽ sản xuất rau theo quy trình VietGAP, sử dụng thuốc có trong danh mục và HTX sẽ hoạt động theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể, trong quá trình canh tác, thành viên HTX được hướng dẫn cách xử lý nguồn đất, vệ sinh đồng ruộng; luân canh hợp lý để phòng tránh dịch bệnh; tổ chức thời vụ thích hợp; tổ chức mật độ gieo trồng phù hợp; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ đúng cách.
Điển hình, trong việc phòng trừ dịch hại, thành viên HTX sử dụng 2 phương pháp chính. Thứ nhất, phương pháp thủ công gồm dùng đèn bắt bướm, đào hang bắt chuột, ngắt ổ trứng… Thứ hai, phương pháp sinh học gồm sử dụng thiên địch, ưu tiên các loại thuốc sinh học.
Anh Phan Hữu Trí – thành viên liên kết HTX, chia sẻ: “Áp dụng sản xuất VietGAP giúp chúng tôi giảm chi phí đầu tư 25 – 30%, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn thoái hóa nguồn đất nguồn nước, giúp năng suất, chất lượng sản phẩm gia tăng đáng kể”.
Nhờ chất lượng sản phẩm tăng, thị trường tiêu thụ và giá bán sản phẩm của HTX cũng được đảm bảo. Nếu trước đây, người trồng rau trên địa bàn thường xuyên rơi vào cảnh “được mùa mất giá”, thì nay, các sản phẩm VietGAP được bao tiêu với giá ổn định, cao hơn thị trường 1.000 – 2.000 đồng/kg.
Cũng hoạt động trên địa bàn xã Phú Long, HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Thành đang có những bước phát triển ấn tượng, mang lại lợi ích kép về kinh tế và môi trường nhờ sản xuất khoa học.
Chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012 từ năm 2013, HTX Hòa Thành hiện có 33 thành viên, hàng chục hộ liên kết, tổ chức sản xuất 3 loại cây trồng chính là lúa, thanh long và cây màu. Trong đó, lúa đang là cây chủ lực với tổng diện tích hơn 80 ha.
Đẩy mạnh chế biến sâu
Ông Đỗ Văn Mao, Giám đốc HTX Hoà Thành, cho biết để nâng cao hiệu quả sản xuất, hơn 5 năm qua, HTX đã chủ động đẩy mạnh thâm canh, áp dụng các phương thức canh tác hiện đại, chú trọng cơ giới hóa gắn với an toàn sinh thái.
Với những kế hoạch sản xuất rõ ràng, kể từ năm 2017, HTX được địa phương hỗ trợ thâm canh lúa theo phương pháp SRI (mô hình khảo nghiệm mật độ gieo áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước, thân thiện môi trường).
Phương pháp thâm canh mới đã mang lại những kết quả ấn tượng về năng suất, chất lượng lúa. Theo phân tích, tổng chi phí cho 1ha lúa của trong mô hình SRI là gần 22 triệu đồng, thấp hơn so với ruộng ngoài mô hình là 22,7 triệu đồng. Lợi nhuận của mô hình SRI cũng cao hơn sản xuất thường 2,6 triệu đồng/ha.
Chế biến sâu là chìa khóa giúp các HTX nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến động thị trường. |
Không chỉ chú trọng sản xuất khoa học, hiện đại, các HTX trên địa bàn Hàm Thuận Bắc cũng đang đẩy mạnh chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị nông sản.
Điển hình, để vượt khó trong đại dịch Covid-19, HTX thanh long sạch Hòa Lệ, xã Thuận Hòa đã tận dụng nguồn nguyên liệu thanh long chất lượng cao để chế biến kem tươi phục vụ người tiêu dùng.
Ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc HTX thanh long sạch Hòa Lệ cho biết, xét một cách tổng quan, kem tươi thuộc lĩnh vực ẩm thực, giải khát và cũng là một mặt hàng thiết yếu của nhiều người. Nhu cầu ăn uống, giải khát là nhu cầu không thể thiếu. Các thành viên hy vọng ý tưởng sản xuất kem thanh long sẽ mang đến những trải nghiệm mới cho khách hàng và giúp thành viên, người dân gia tăng giá trị sản xuất.
Hiện, HTX Hòa Lệ là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bình Thuận mạnh dạn đầu tư trang thiết bị làm kem tươi từ thanh long. Điều này đã và đang góp phần làm đa dạng thêm vào “bộ sưu tập” các sản phẩm chế biến từ quả thanh long của HTX.
Theo đánh giá của ngành chức năng, sản phẩm kem tươi thanh long không chỉ thể hiện sự nhạy bén của HTX trong ứng dụng công nghệ mà còn góp phần nâng cao giá trị trái cây đặc sản của Bình Thuận. Việc chú trọng sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường cũng là điều kiện quan trọng để HTX bắt tay với các đơn vị, doanh nghiệp trong sản xuất và phân phối các sản phẩm.
Đa dạng hóa các sản phẩm cũng là cách giúp HTX Hòa Lệ đẩy mạnh tiêu thụ thanh long cho thành viên và người dân, nhất là khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Năm 2020, HTX đã tiêu thụ được trên 5.000 tấn thanh long, giải quyết việc làm thường xuyên cho 50-70 lao động, với thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng.
Các HTX trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc đang cho thấy sự thích ứng tốt với biến động thị trường, kịp thời thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để phát triển bền vững, đóng góp chung vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Trong thời gian tới, để hát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nguồn lực để khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tăng cường vai trò của các HTX nhằm mở rộng sản xuất và hình thành vùng sản xuất chuyên canh, hiện đại, thân thiện môi trường.
Nhật Minh