Để củng cố lại ban quản lý, THT bưởi ấp Tân Long 2 đã đi đến quyết định thành lập HTX bưởi da xanh Tân Long 2, hoạt động theo Luật HTX 2012. Cây trồng chính của HTX hiện là bưởi da xanh. Nhưng để nâng cao thu nhập, hiệu quả, các thành viên HTX đã mở rộng sang chăn nuôi, chú trọng xử lí nguồn chất thải để giải quyết vấn đề môi trường.
Dùng chất thải làm phân bón
Thị trường bưởi da xanh được đánh giá là rất tiềm năng, cộng với việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX Tân Long 2 giờ đây đã có đơn vị ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm. Vấn đề đầu ra đã được giải quyết. Bình quân 1 ha bưởi da xanh từ 5 năm tuổi trở lên đem lại cho HTX trên 200 triệu đồng/năm.
Điều đáng quan tâm là doanh nghiệp có công nghệ như kho lạnh bảo quản trong vòng 60 ngày nên sản phẩm của HTX khi bán cho doanh nghiệp được bảo đảm về chất lượng trước khi xuất ra thị trường. Có năm, thị trường xuống giá, HTX vẫn yên tâm vì đã có doanh nghiệp đứng ra thu mua với giá hợp lý nhằm bình ổn thị trường.
Không chỉ trồng bưởi, tùy vào điều kiện của mỗi hộ, các thành viên HTX còn kết hợp chăn nuôi lợn, gà, bò nhằm tăng thu nhập, hạn chế rủi ro. Điều đặc biệt là lợi ích của việc kết hợp chăn nuôi và trồng bưởi da xanh mang lại không hề nhỏ.
Do sản xuất với quy mô lớn và ý thức được tầm quan trọng của mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi, các hộ đều xây dựng hầm biogas xử lý chất thải của vật nuôi làm phân bón, nước tưới cho vườn bưởi da xanh.
Ông Nguyễn Văn Ba-thành viên HTX, cho biết gia đình ông có trại nuôi lợn thịt 40 – 50 con và 10 công (1 công bằng 1.000 m2) vườn trồng bưởi da xanh. Gia đình ông đã xây công trình hầm biogas xử lý phân, nước thải với diện tích 16m3, chi phí 18 triệu đồng. Hệ thống có cống bê tông xử lý, sau đó nước thải được đưa vào bể lắng, kế tiếp sang ao sinh học trước khi tưới cho cây trồng…
Đối với các hộ chăn nuôi bò, gà, phân được thu gom, ủ khô mục. Sau hai tháng, phân không còn mùi hôi có thể làm phân bón cho vườn bưởi da xanh khi vào vụ để thúc cho bưởi ra hoa, đậu quả. Phần nước thải cũng được đưa vào bể biogas xử lý, sau đó dùng tưới cho vườn bưởi.
Nguồn chất thải, nước thải từ chăn nuôi sau khi được xử lý là nguồn phân hữu cơ cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, cải tạo đất, nâng độ màu mỡ, tăng năng suất hết sức quý giá mà các thành viên HTX không thể bỏ qua.
Sử dụng phân hữu cơ qua kỹ thuật xử lý từ phân chuồng bón cho vườn cây ăn trái đã giúp HTX giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, tận dụng được nguồn nước thải để tưới cho cây trong mùa khô hạn |
Lợi ích kinh tế, môi trường
Mô hình chăn nuôi khoa học kết hợp với trồng bưởi da xanh vừa tiện lợi lại không tốn kém nhiều. Ưu điểm là xử lý được 100% nguồn chất thải, nước thải; 80-90% mùi hôi của phân chuồng nên môi trường được trong lành. Người trồng bưởi không phải đầu tư tiền mua phân bón mà có sẵn nguồn phân hữu cơ từ chăn nuôi.
“Từ khi áp dụng làm phân hữu cơ từ phân chuồng, tôi không phải mua phân NPK, DAP như trước, ước giảm được 70% chi phí phân bón cho vườn bưởi”- ông Nguyễn Văn Ba cho biết.
Bên cạnh đó, nguồn phân hữu cơ từ chăn nuôi giúp diện tích bưởi của HTX ít bị sâu bệnh, quả đẹp, ngọt, thơm, đồng đều, an toàn. Hiện nay, HTX Bưởi Tân Long 2 với 48 hộ thành viên đã áp dụng 100% mô hình chăn nuôi và xử lý chất thải tạo nguồn phân hữu cơ, mang lại lợi ích to lớn cho vườn bưởi.
Đây là điều kiện để HTX áp dụng qui trình canh tác bưởi da xanh theo hướng VietGAP, hạn chế tối đa việc xịt thuốc sâu để có quả đảm bảo chất lượng, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Sử dụng phân hữu cơ qua kỹ thuật xử lý từ phân chuồng bón cho vườn cây ăn trái đã giúp HTX giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, tận dụng được nguồn nước thải để tưới cho cây trong mùa khô hạn, từ đó mang lại lợi nhuận cho các hộ thành viên, giúp họ yên tâm sản xuất.
Như Yến