Đại diện Liên minh HTX tỉnh Hà Nam cho biết mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học được triển khai tại 3 HTX của tỉnh gồm HTX chăn nuôi Bình Thành (xã Tiêu Động, huyện Bình Lục), HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Nội (xã An Nội, huyện Bình Lục) và HTX Mộc Bắc (xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên).
Trong đó, mô hình khử mùi hôi cho trang trại chăn nuôi gia cầm được thực hiện tại HTX Bình Thành, mô hình khử mùi hôi cho trang trại chăn nuôi lợn thực hiện tại HTX Thanh Nội, mô hình khử mùi hôi cho trang trại chăn nuôi bò sữa được thực hiện tại HTX Mộc Bắc.
Bên cạnh đó, các mô hình xử lý chất thải chăn nuôi làm phân hữu cơ cũng được thực hiện đan xen tại nhiều trang trại chăn nuôi lợn, chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh.
Ứng dụng chế phẩm sinh học tại các HTX chăn nuôi tại Hà Nam đang cho kết quả tích cực |
Sau hơn một năm triển khai, khảo sát tại các HTX cho thấy những kết quả tích cực, tỷ lệ ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí giảm, các loại ký sinh trùng bị triệt tiêu.
Đơn cử, HTX chăn nuôi Bình Thành hiện có 30 thành viên, hoạt động chính trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, thủy sản và vận chuyển thức ăn chăn nuôi. Năm 2017, HTX nhận được 2 đợt hỗ trợ với tổng số gần 600 lít chế phẩm khử mùi chuồng trại.
Sau khi triển khai, Giám đốc HTX Hoàng Văn Thường cho biết chế phẩm khử mùi phát huy hiệu quả rất cao, không khí sạch giúp vật nuôi khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. Sau chương trình hỗ trợ, HTX sẽ tiếp tục đầu tư ứng dụng mô hình nhằm phát triển sản xuất.
Không chỉ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, các chế phẩm sinh học còn tận dụng tối đa chất thải gia súc, gia cầm thành phân bón hữu cơ. Kết quả thí điểm trên 6 sào ruộng của HTX Mộc Bắc cho thấy năng suất lúa tăng 20-30%, chi phí đầu vào giảm 15%, giúp hiệu quả kinh tế của người nông dân tăng đáng kể.
Từ kết quả đạt được tại 3 HTX thí điểm, Liên minh HTX tỉnh Hà Nam dự kiến sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu cấp ủy, chính quyền có hỗ trợ để nhân rộng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học vào chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh.
Nhật Minh