Đến cuối năm 2019, huyện Kon Plông đã có 1 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM (xã Pờ Ê), 1 xã đạt 17 tiêu chí (Măng Cành), 2 xã đạt 15 tiêu chí (Đăk Tăng, Ngọc Tem), 2 xã đạt 13 tiêu chí (xã Đăk Nên, xã Măng Bút) và 2 xã đạt 12 tiêu chí (xã Đăk Ring, xã Hiếu).
Chú trọng tiêu chí sản xuất
Nhờ biết tận dụng thế mạnh về du lịch sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà huyện Kon Plông đã dần tháo gỡ những khó khăn, thách thức trong xây dựng NTM. Đến cuối năm 2019, huyện Kon Plông đã thành lập được một khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 170ha; xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận một vùng nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, hoa, củ, quả, cá nước lạnh với diện tích 3.271ha; triển khai dồn đổi tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM. |
Đến năm 2019, huyện Kon Plông đã thu hút được 42 dự án của các tổ chức, doanh nghiệp; 14 dự án hộ gia đình và một dự án thu hút dân cư vào vùng quy hoạch phát triển rau, hoa, củ quả xứ lạnh và các loại cây trồng khác với nguồn vốn đăng ký đầu tư khoảng 7.376,5 tỷ đồng.
Đầu tư về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mạnh mẽ đã thúc đẩy ngành du lịch của huyện Kon Plông khởi sắc. Trong năm 2019, tổng lượng khách du lịch đến địa bàn hơn 160.000 lượt, đem lại doanh thu khoảng 34 tỷ đồng.
Với những thế mạnh này, huyện Kon Plông đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 3/9 xã đạt chuẩn về NTM (Đăk Long, Măng Cành, Đăk Nên); không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn (đối với 4 xã đạt chuẩn) là 41 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã Măng Bút, Đăk Ring, Đăk Tăng, Hiếu, Ngọc Tem giảm 6 - 8%/năm…
Một trong những địa phương dự kiến về đích NTM trong năm nay là xã Măng Cành. Có những lợi thế lớn về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xã đã và đang có những thay đổi lớn sau khi triển khai chương trình xây dựng NTM. Đến đầu năm 2020, xã đã hoàn thành được 17/19 tiêu chí về xây dựng NTM.
Đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã Măng Cành đạt trên 20 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu cây trồng vật, nuôi tiếp tục được chuyển đổi mạnh mẽ, một số loại cây trồng mới được đưa vào trồng cho hiệu quả kinh tế cao như: cây cà phê xứ lạnh, các loại cây dược liệu như: đương quy, sâm dây, cà gai leo...
Lãnh đạo UBND xã Măng Cành cho biết, từ khi triển khai xây dựng NTM, hàng năm xã được Nhà nước đầu tư khoảng 4,5 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông, cải tạo, xây mới hệ thống thủy lợi, xây dựng trường học. Nhờ vậy, các công trình hạ tầng nông thôn từng bước được hoàn thiện và đồng bộ. Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo được quan tâm. Các mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả được chú trọng nhân rộng... góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn xã.
Lan tỏa các mô hình hợp tác
Nắm bắt thị trường, xu hướng phát triển và tận dụng những lợi thế về khí hậu, thiên nhiên ưu đãi, một số HTX trên địa bàn huyện Kon Plông đang chú trọng ứng dụng công nghệ, sản xuất hữu cơ cho ra sản phẩm sạch, đồng thời liên kết phát triển vùng nguyên liệu đi sâu vào chế biến sản phẩm… nhằm góp phần bảo vệ môi trường.
Khu vực kinh tế hợp tác phát huy được thế mạnh tiềm năng tại "Đà Lạt thứ hai". |
Điển hình như HTX Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Trường Tiến Măng Đen (xã Măng Cành) đã liên kết với người dân trên địa bàn xã phát triển các loại cây dược liệu, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu và đi sâu vào chế biến sản phẩm từ dược liệu.
Đến nay, HTX đã liên kết với gần 90 hộ dân trên địa bàn xã Măng Cành phát triển được hơn 40ha cây dược liệu sâm dây (hồng đẳng sâm) và đương quy; hơn 200ha quế cùng hơn 4ha măng tây. Những hộ liên kết được HTX cung cấp nguồn giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng chăm sóc các loại dược liệu và tất cả đều sản xuất theo phương pháp hữu cơ, không dùng hóa chất. Toàn bộ sản phẩm làm ra được HTX bao tiêu, thu mua và tiến hành chế biến ra các sản phẩm.
Đến nay, HTX đã đầu tư gần 4 tỷ đồng mua máy móc để chế biến sản phẩm từ dược liệu, chế biến ra 4 loại sản phẩm: tinh dầu tiêu rừng, cao sâm, rượu sâm dây, trà túi lọc (chế biến từ sâm dây và đương quy). Các sản phẩm của HTX đã được bán tại các thị trường trong nước như TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Thuận...
Trong khi đó, HTX Rau hoa và du lịch Thanh niên (thị trấn Măng Đen) dù “sinh sau, đẻ muộn” (thành lập vào tháng 6/2018) nhưng với sự năng động của các thành viên, cũng như chất lượng đảm bảo, sản phẩm của HTX đã có chỗ đứng trên thị trường trong tỉnh và ở TP.HCM.
Hiện nay, HTX đang sản xuất theo mô hình hữu cơ trên diện tích 10ha với 15 loại rau các loại như xà lách, cải bó xôi, cải thìa, cải ngồng, rau rền, cà rốt... phục vụ nhu cầu rau sạch của người dân. Toàn bộ quy trình sản xuất được thực hiện theo quy trình kỹ thuật sản xuất hữu cơ, được trồng trong nhà màng với hệ thống tưới tiêu tự động, không dùng hóa chất, phun thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo nguồn rau ra cung ứng cho thị trường sạch 100%.
Với 10 nhà màng sản xuất rau, mỗi tháng HTX Rau hoa và du lịch Thanh niên cho ra sản phẩm hơn 6,5 tấn rau. Tuy nhiên, với số lượng sản phẩm của HTX đến nay cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu so với đơn đặt hàng. Dự kiến thời gian tới, HTX sẽ tăng cường sản xuất, mở rộng thêm diện tích hơn 2,5 sào tại khu 37 hộ trên địa bàn thị trấn Măng Đen để phục vụ nhu cầu của khách hàng...
Hiện nay, ngoài việc tập trung sản xuất rau sạch, HTX còn chú trọng đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân tại chỗ và mong muốn liên kết phát triển thêm diện tích. Theo đó, HTX sẽ hướng dẫn kỹ thuật, trồng, chăm sóc và bao tiêu thu mua toàn bộ sản phẩm giúp bà con có thu nhập ổn định, vươn lên ổn định cuộc sống.
Đức Nguyễn