Bắt đầu sản xuất chôm chôm GlobalGAP từ năm 2012, chôm chôm của HTX từng bước chinh phục thị trường từ Á sang Âu. Nhờ hiệu quả từ những biện pháp khoa học tiến tiến, HTX bảo đảm được nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng.
Ý tưởng sản xuất mứt chôm chôm được các thành viên HTX nhen nhóm từ năm 2015, với mong muốn mang lại thu nhập cao hơn cho thành viên và khẳng định thương hiệu cho HTX.
Không chỉ là “ăn trái”
Anh Dương Nguyễn Minh Kha - Phó Giám đốc HTX, cho biết trái chôm chôm chủ yếu sản xuất là dùng để tiêu thụ ăn tươi trong nước và xuất khẩu. Nhưng do không thể tồn trữ lâu, nên HTX có suy nghĩ chế biến trái chôm chôm để tiêu thụ bằng các cách khác nhau, trong đó, làm mứt là hướng đi đầu tiên.
Tuy nhiên, khi đề cập đến việc sản xuất mứt từ chôm chôm, nhiều người khuyên các thành viên HTX dừng lại vì hiện nay rất ít người ăn mứt ngọt. Thế nhưng các thành viên HTX vẫn chắc lòng với suy nghĩ, chỉ cần mỗi người ăn một ít thì HTX đủ quyết tâm để làm.
Đó là chưa kể hàng chục triệu dân của hơn 60 tỉnh, thành… Khi HTX làm ngon, sạch, an toàn, giá phù hợp thì không lo không bán được hàng. Giữa một rừng hàng mứt không thương hiệu, quy trình sản xuất không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), chắc chắn con đường HTX chọn sẽ có chỗ đứng.
Nói thì dễ nhưng khi đi vào làm, các thành viên HTX đã phải làm đi làm lại nhiều lần, làm sao để mứt không nhão, không chua quá, không ngọt quá… HTX cũng phải bỏ vốn đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, nhà xưởng phục vụ sản xuất bảo đảm ATVSTP. Các lao động sản xuất đều được trang bị bảo hộ đầy đủ.
“Chúng tôi nhận thức rất rõ, muốn có thị trường, trước hết sản phẩm làm ra phải bảo đảm chất lượng, bảo đảm VSATTP, có nhãn mác, địa chỉ rõ ràng”, Phó Giám đốc Dương Nguyễn Minh Kha cho biết.
Sau khi tiếp nhận ý kiến từ các chuyên gia, trong quá trình sản xuất, HTX đã giảm độ ngọt, đồng thời ra mắt sản phẩm mứt chôm chôm sử dụng được cả hạt và mứt chôm chôm thái sợi để quảng bá sản phẩm, định hướng tiêu dùng tốt hơn.
Quy trình sản xuất mứt của HTX được kiểm soát tất cả các khâu. Cũng nhờ vậy, một số đơn vị như: Siêu thị Saigon Co-op, hệ thống Select Supermart, Vinabico... đã tìm đến HTX đặt hàng với số lượng lớn. Cũng từ đây, “Mứt chôm chôm Bình Hòa Phước” đã được nhiều người biết đến và ưa dùng.
Hiện nay, ngoài cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng, HTX còn đẩy mạnh bán hàng qua kênh online và bán cho khách du lịch đến tham quan vườn chôm chôm. Mỗi cân mứt chôm chôm bán lẻ có giá 150 ngàn đồng. Mỗi tháng, HTX tiêu thụ khoảng 1 - 2,5 tấn mứt. Vào dịp Tết, lượng mứt tiêu thụ lên đến 5 - 6 tấn.
Chôm chôm của HTX đã không còn phải lo đầu ra |
Tận dụng vỏ, lá
Điều này đồng nghĩa với việc người trồng chôm chôm ở Bình Hòa Phước sẽ không bị phụ thuộc vào việc bán trái cây tươi, mà đầu ra ổn định hơn nhờ tận dụng nguồn chôm chôm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP để làm mứt.
Ngoài sản xuất mứt, HTX còn chế biến và tạo thêm nhiều sản phẩm khác như hạt chôm chôm sấy, rượu chôm chôm, hạt chôm chôm rang muối, nước ép chôm chôm… Sản phẩm nào làm ra HTX cũng bảo đảm không sử dụng phẩm màu, không chất bảo quản nên đều nhận được những phản hồi tích cực từ phía đối tác, khách hàng.
Tuy nhiên, khi thu mua chôm chôm về để phục vụ chế biến sẽ thải ra một lượng lớn vỏ và lá, gây ô nhiễm môi trường. Sau thời gian nghiên cứu, HTX đã sử dụng vỏ và lá chôm chôm ủ làm phân bón hữu cơ. Quá trình ủ được HTX sử dụng thêm men vi sinh, muối và đậy kín bằng nilon và bạt để hạn chế mùi vỏ và lá chôm chôm lên men.
Hiện nay, ngoài nguồn chất thải từ quá trình sản xuất, HTX còn thu mua thêm vỏ chôm chôm từ nhiều cơ sở và nhà vườn khác về ủ thành phân bón phục vụ cho gần 20 ha chôm chôm sản xuất theo quy trình GlobalGAP.
Diện tích chôm chôm hiện nay của HTX cho trái quanh năm nhờ áp dụng kỹ thuật đậy mũ (trùm nilon lên gốc) để xử lý ra hoa. Nhờ ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến nên HTX không chỉ sản xuất chôm chôm mùa thuận mà tất cả các thành viên đều cho ra trái mùa nghịch.
Đây không chỉ là điều kiện thuận lợi để HTX có nguồn nguyên liệu dồi dào, mà còn là nơi thu hút khách du lịch đến tham quan và mua các sản phẩm từ chôm chôm.
Hiện nay, ngoài tạo việc làm cho các thành viên, HTX còn tạo việc làm cho 25 - 50 lao động địa phương. Hoạt động của HTX không chỉ gia tăng giá trị sản xuất, bảo vệ môi trường mà còn góp phần giải quyết bài toán được mùa mất giá.
Như Yến