Thủy Biều có vườn cây đặc sản thanh trà đã được cấp nhãn hiệu “Thanh trà Huế”. Cùng với đó, do nằm trên lưu vực sông Hương, đối diện với chùa Thiên Mụ và di tích Văn Thánh, nên mỗi ngày Thủy Biều có hàng trăm lượt khách quốc tế đến tham quan.
Nhận thấy đây chính là lợi thế hiếm có nên các thành viên HTX Thủy Biều đã nhanh chóng chuyển đổi ngành nghề từ làm vườn, buôn bán nhỏ sang kinh doanh dịch vụ - du lịch và thâm canh, mở rộng diện tích cây đặc sản thanh trà theo chuẩn VietGAP. Nhờ đó, thương hiệu thanh trà đã được khẳng định, đời sống thành viên ngày càng được cải thiện đáng kể.
Bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP
Năm 2018, gần 9 ha thanh trà do 43 hộ thành viên HTX Thủy Biều sản xuất đã được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản phối hợp với đơn vị tư vấn chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Tuy sản xuất ngay tại vùng có truyền thống phát triển cây thanh trà, nhưng để đạt được tiêu chuẩn VietGAP đối với HTX là cả một quá trình. Để bảo đảm chất lượng tuyệt đối và vòng đời cho cây, HTX chỉ trồng thanh trà trên đất phù sa, không trồng ở vùng thấp trũng vì vào mùa mưa lũ sẽ bị thiệt hại nặng nề.
“Nếu bất chấp trồng trên đất ruộng chuyển đổi, vùng thấp trũng không đạt tiêu chuẩn với ý nghĩ “được ăn cả, mất về không” thì người dân rất dễ mất trắng vì khí hậu ngày càng thất thường”, ông Hoàng Trọng Di - Giám đốc HTX, cho biết.
Do đất canh tác thanh trà tại địa phương đã lâu năm cộng với việc xây các hồ đập thủy điện đã làm hạn chế lượng phù sa bồi đắp cho đất. Để khắc phục điều này, HTX đã mời kỹ sư Võ Mầu (Trung tâm Công nghệ sinh học nông nghiệp, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) về Thủy Biều lấy mẫu đất thử nghiệm theo quy trình khoa học. Để bổ sung dinh dưỡng cho đất, HTX đã bón thêm vôi xay nhuyễn, phân chuồng ủ hoai và sử dụng men vi sinh trong quá trình cải tạo đất và trồng thanh trà.
HTX cũng áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ như cải tạo vườn tạp, vệ sinh vườn, khơi thông hệ thống thoát nước trong mùa mưa. Thay vì sử dụng cây chiết ghép thông thường, HTX sử dụng giống sạch bệnh hoặc cây ghép bằng phương pháp vi ghép đỉnh sinh trưởng (trồng mới), bón phân đa và trung lượng đúng, đầy đủ theo chu kỳ sinh trưởng của cây trồng.
Thay vì dựa vào nguồn nước tự nhiên, HTX hướng dẫn thành viên tưới theo hình thức phun mưa. Cùng với đó, trước khi sắp thu hoạch khoảng 1 tháng, các thành viên phải tiến hành bao trái để tránh côn trùng và sâu phá hại, nên cây cho trái tốt, bảo đảm chất lượng phục vụ các doanh nghiệp lớn.
Hiện, thanh trà của HTX đã được bán ở 14 đại lý, siêu thị tại Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng. Chính việc chú trọng các tiêu chuẩn khắt khe đã giúp HTX xây dựng thành công thương hiệu “Thanh trà Huế”. Điều này đã tạo động lực cho người dân tích cực hơn nữa trong việc chăm sóc, phát triển thanh trà để nâng cao đời sống và xúc tiến quảng bá du lịch cho địa phương.
“Thanh trà Huế” đã góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên HTX |
Nâng cao chất lượng môi trường
Việc xây dựng thương hiệu “Thanh trà Huế” đã góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân, bởi HTX ngày càng làm tốt công tác mở rộng thị trường tiêu thụ. Việc đăng ký thương hiệu đã giúp thành viên có đầu ra ổn định nên gạt bỏ được nỗi lo tư thương ép giá.
“Nhà tui làm 2 sào lúa chỉ lãi hơn 2 triệu đồng, nhưng trồng 2 sào thanh trà thu nhập trên 50 triệu đồng, lại khá an tâm về đầu ra. Hiện so với các cây trồng khác thì không có cây nào thu nhập cao hơn cây thanh trà”, ông Hồ Văn Pháp - thành viên HTX, bộc bạch.
Ưu điểm của mô hình HTX là mọi thành viên được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia các buổi sinh hoạt. Qua đó, thành viên này có thể cập nhật thông tin thị trường, bám sát được tình hình của các thành viên khác để kịp thời hỗ trợ. Cùng với đó, các thành viên tổ còn tiến hành góp vốn xoay vòng để hỗ trợ vốn cho thành viên thiếu kinh phí sản xuất.
Trong suốt thời gian thực hiện trồng thanh trà theo tiêu chuẩn VietGAP, toàn bộ thành viên tham gia được cán bộ kỹ thuật của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản hướng dẫn cách bón phân hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Ngoài ra, mọi người cũng được lưu ý cách thu gom rác thải từ vỏ thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng trang phục bảo hộ lao động trong quá trình làm vườn và cách tuân thủ theo tiêu chuẩn sản xuất trái cây an toàn thực phẩm.
Nhờ đó, trình độ và kỹ thuật canh tác của người dân được cải thiện nhanh chóng, môi trường tự nhiên và môi trưởng sản xuất của người dân ngày càng được cải thiện theo hướng tích cực.
Như Yến