Quế đang trở thành cây trồng thế mạnh trên địa bàn xã Quảng Lâm, với trên 500 hộ tham gia mô hình, tổng diện tích hơn 1.000 ha. Sản xuất trên diện tích lớn, song quy mô sản xuất nhỏ, thiếu liên kết, khiến năng suất, chất lượng sản phẩm quế chưa cao, người trồng quế thường xuyên phải đối mặt với tình trạng tư thương ép giá.
Trước đòi hỏi từ thực tiễn, năm 2015, HTX Quế Lâm được thành lập, đóng vai trò dẫn dắt sản xuất, tổ chức mạng lưới thu mua đặt tại vùng trồng quế, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản xuất, bảo vệ quyền lợi và an toàn lao động (ATLĐ) trong sản xuất cho người dân.
Sản xuất tập trung
Bà Phạm Thị Lý - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm, cho biết: “Năm 2015, sau khi xác định quế là cây kinh tế chủ lực, xã Quảng Lâm quyết định thành lập HTX Quế Lâm, hướng tới mục tiêu xây dựng vùng trồng quế tập trung theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế, bảo đảm ATLĐ cho người dân”.
Với tôn chỉ, mục đích rõ ràng, ngay khi được thành lập, HTX trở thành đơn vị đồng hành cùng người dân địa phương trong quá trình mở rộng diện tích, hoàn thiện quy trình sản xuất quế an toàn. Đến nay, toàn xã Quảng Lâm đang phát triển trên 1.000 ha quế, sản lượng bình quân đạt 200 - 250 tấn quế khô/năm.
Để xây dựng vùng chuyên canh tập trung
quy mô lớn, HTX Quế Lâm đã tích cực phối hợp với các ban, ngành nông nghiệp địa phương khuyến khích các hộ dân đẩy mạnh chuyển đổi và nhân rộng diện tích trồng quế, đồng thời tổ chức hỗ trợ giống, kỹ thuật sản xuất an toàn cho người dân.
Sở hữu gần 6 ha trồng quế, chị Chìu Thị Loan (bản Siềng Lống) chia sẻ: Quảng Lâm có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng vô cùng thuận lợi để phát triển cây quế. So với cây keo, quế dễ trồng và chăm sóc hơn. Quế thường được trồng vào tháng 1 - 2 âm lịch và cho thu hoạch sau 10 - 15 năm.
“Kể từ khi có HTX, các hộ trồng quế được hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn, giúp giá trị cây quế ngày càng được nâng cao, ATLĐ được bảo đảm. Năm 2018, gia đình tôi thu hoạch gần 3 tấn quế khô, với giá bình quân 35.000 - 43.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt xấp xỉ 100 triệu đồng”, chị Loan phấn khởi nói.
Quế đang là cây kinh tế chủ lực tại Quảng Lâm |
Nâng cao kỹ thuật
Chia sẻ về những thành công trong thời gian qua, đại diện HTX Quế Lâm cho biết mục tiêu của HTX là tạo việc làm cho 100 lao động trở lên, xây dựng vùng sản xuất quế hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn cao của thị trường.
Để hiện thực hóa mục tiêu, ngay sau khi thành lập, HTX đã đẩy mạnh đầu tư khoa học - kỹ thuật, hiện đại hóa cơ sở vật chất, nhà xưởng, kho bãi, máy móc… với quyết tâm xây dựng quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ quế khoa học, bảo đảm điều kiện ATLĐ, hướng đến sự phát triển bền vững.
Bà Phạm Thị Lý - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm, cho hay: “Trước đây, cây quế sinh trưởng và phát triển tốt tại địa phương nhưng việc mạnh ai nấy làm, khoa học - kỹ thuật chưa được coi trọng, tỷ lệ chế biến thấp… khiến sản phẩm quế chủ yếu chỉ được bán ở dạng thô, giá trị không cao”.
Sự ra đời của HTX Quế Lâm trở thành bước ngoặt, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho vùng quế Quảng Lâm. Bên cạnh đẩy mạnh hoạt động đào tạo, nâng cao kỹ thuật trồng quế theo tiêu chuẩn an toàn, quá trình cơ giới hóa cũng được HTX giám sát chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả và ATLĐ cho người dân.
Nhờ những chiến lược phát triển toàn diện, hiệu quả của cây quế trên địa bàn xã Quảng Lâm ngày càng được nâng cao. Sản lượng quế bình quân của toàn xã đạt 80 - 120 tấn quế khô, cùng các sản phẩm tinh dầu và gỗ được thị trường ưa chuộng. Thu nhập của các hộ trồng quế ổn định ở mức 50 - 70 triệu đồng/năm.
Với hiệu quả vượt trội, cây quế tiếp tục được UBND xã Quảng Lâm xác định là cây xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Thời gian tới, xã sẽ dành nhiều nguồn lực giúp HTX phát triển suất an toàn, mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó, gia tăng giá trị kinh tế và đảm bảo ATLĐ cho người dân.
Sáu Ngạn