Thời gian qua, sự phát triển của nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đã giúp xã Nậm Ét trở thành vùng trọng điểm về nuôi trồng thủy sản của huyện Quỳnh Nhai. Bên cạnh cây lúa, cây ăn quả, bà con coi nuôi trồng thủy sản là thế mạnh kinh tế đặc biệt.
Hướng đi bền vững
Thế mạnh và lợi nhuận kinh tế từ mô hình nuôi cá lồng mang lại là chuyện không phải bàn. Tuy nhiên, nhược điểm của ngành nghề này là làm ô nhiễm môi trường nếu sản xuất thiếu khoa học. Chính vì vậy, việc xây dựng các mô hình điển hình ứng dụng kỹ thuật tiên trong nuôi cá lồng gắn với bảo vệ môi trường có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tính thuyết phục cao khi người nông dân được tận mắt nhìn thấy những kết quả sản xuất nông nghiệp qua việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Từ đó, họ tin tưởng và tự quyết định làm theo. Mô hình còn thu hút nhiều nông dân ở những nơi khác đến tham quan, học tập và áp dụng. Và mô hình sản xuất của HTX Huổi Pao đã giúp xã từng bước hoàn thành những nội dung đã đề ra.
Theo anh Quàng Văn Chỉnh, Giám đốc HTX Huổi Pao, trong nuôi trồng thủy sản, người nuôi thường sử dụng các loại hóa chất, thuốc kháng sinh để làm sạch ao nuôi, chữa trị cho tôm, cá… khi mắc bệnh. Tuy nhiên, khi nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, việc này hoàn toàn bị cấm nhằm bảo đảm môi trường sinh thái.
Cho cá ăn với liều lượng thích hợp giúp hạn chế tồn đọng chất thải gây ô nhiễm môi trường nước. |
Để tìm hướng đi cho nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, mang lại hiệu quả cao, các thành viên đã tập trung trao đổi, tìm hiểu về kỹ thuật nuôi cá lồng, các bệnh thường gặp, cách phòng và trị bệnh cùng những chính sách để phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng VietGAP.
Do chất lượng nước không thể kiểm soát được như nuôi trong các ao, đầm cố định mà tùy thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, vì thế HTX phải chọn lựa vị trí thích hợp để neo lồng bè. Theo các thành viên, khu vực đặt lồng cá phải bảo đảm sao cho nguồn nước có thể lưu thông nhằm hạn chế ứ đọng các chất bẩn.
Môi trường nước luôn phải bảo đảm độ pH ổn định, không vẩn đục hay có rác thải trôi nổi mắc vào lồng. Việc bảo đảm nguồn nước luôn sạch sẽ giúp cá tăng trọng nhanh, chi phí thấp, ít bị dịch bệnh. Chính vì vậy, thành viên chú trọng áp dụng các kỹ thuật để có chế độ cho cá lồng ăn phù hợp, không vì thức ăn rẻ mà cho ăn quá nhiều, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Thay vào đó, từng hộ phải theo dõi, kiểm tra sàng ăn để điều chỉnh lượng thức ăn khoa học.
Nếu như người nuôi trồng thủy sản không ít nơi vẫn ưa dùng những loại thức ăn nhanh tan, thì HTX lựa chọn những loại thức ăn chậm tan, nổi trên mặt nước. Việc này giúp đáy lồng không bị tồn đọng chất thải lâu ngày, người nuôi cũng có thể nắm bắt được lượng thức ăn của cá.
Vì nhiệt độ ở Nậm Ét thường xuống thấp vào mùa đông nên HTX duy trì cho cá ăn 1 - 2 lần tỏi xay nhuyễn hòa nước hoặc trộn với thức ăn liên tục trong 3 ngày, liều lượng 500 g/100 kg cá/ngày nhằm tăng sức đề kháng cho cá. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về thời tiết, nhất là trước những đợt dự báo có mưa lũ lớn, thành viên có kế hoạch di chuyển lồng vào nơi khuất, ít bị tác động và đảm bảo sinh trưởng của cá.
Nhờ áp dụng các kỹ thuật, HTX hạn chế được những rủi ro như cá nhiễm bệnh hay chết hàng loạt. Đây chính là một trong những điểm nhấn giúp hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất, đồng thời bảo đảm năng suất, chất lượng.
Nâng cao hiệu quả
Đến nay, HTX đang sở hữu 183 lồng nuôi các loại cá: trê, chép, trắm cỏ, nheo, rô phi... Nhờ thực hiện đúng quy trình nuôi và tìm đầu ra cho sản phẩm, mô hình nuôi cá lồng ngày càng phát huy hiệu quả, chỉ riêng 4 tháng cuối năm 2020, HTX đã bán hơn 3 tấn cá các loại, thu trên 300 triệu đồng.
Anh Quàng Văn Chanh, thành viên của HTX Huổi Pao chia sẻ, từ năm 2017, khi trở thành thành viên HTX, anh được tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, liên kết cùng nhau tìm thị trường tiêu thụ cá thương phẩm.
Áp dụng khoa học kỹ thuật giúp người nuôi cá lồng bảo đảm được năng suất, chất lượng và hạn chế ô nhiễm môi trường. |
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp địa phương, việc HTX Huổi Pao ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào nuôi cá lồng được triển khai hiệu quả trong thời gian qua. Ngoài nâng cao năng suất, tăng chất lượng thủy sản, những chỉ số về môi trường, dịch bệnh cũng được khắc phục đáng kể.
Đến nay, xã Nậm Ét đã có gần 300 lồng cá các loại. Từ mô hình sản xuất của HTX Huổi Pao, xã thành lập thêm một mô hình kinh tế hợp tác khác là HTX thủy sản Liệp Muội nhằm hỗ trợ người dân sản xuất.
Thời gian tới, xã tiếp tục tổ chức các chương trình chuyển giao công nghệ, cập nhật mô hình sản xuất tiên tiến, giới thiệu giải pháp kỹ thuật giúp người nông dân ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường vào sản xuất. Đồng thời, liên kết với doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu vào và cả đầu ra cho người dân, HTX.
Huyền Trang