Sản xuất rau hữu cơ tại HTX Thanh Xuân ngày càng thu hút được người dân tham gia. |
Kinh tế ngày một phát triển, con người ngày một quan tâm đến sức khỏe. Đây chính là "mảnh đất màu mỡ" thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ (NNHC) phát triển.
Nhiều thủ tục... vô lý
Theo bà Mayu ino, Trưởng đại diện Tổ chức Seed to Table (Nhật Bản) tại Việt Nam, nếu như năm 2014, Việt Nam có 43,007 ha NNHC, thì đến năm 2018 đã tăng lên 237.000 ha. Số nhà sản xuất NNHC năm 2014 là 2,721 thì đến năm 2018 là 17,169. Đặc biệt, nếu như năm 2014, Việt Nam chưa hề có đơn vị nào chế biến nông sản hữu cơ thì đến năm 2018 đã có 555 nhà chế biến, trong đó 46/63 tỉnh thành sản xuất hữu cơ với sự tham gia của các hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp.
Đặc biệt, để tạo cơ sở cho HTX, doanh nghiệp sản xuất hữu cơ, Việt Nam đã xây dựng bộ tiêu chuẩn TCVN 11041:2017 (bổ sung thêm vào năm 2018). Ngoài ra còn có các đơn vị trung gian được phép kiểm định và cấp các chứng nhận hữu cơ quốc tế ở Việt Nam như: USDA (Bộ chứng nhận nông nghiệp hữu cơ Hoa Kỳ); EU ; JAS (Tiêu chuẩn hữu cơ nông nghiệp Nhật Bản)…
Tiềm năng và tốc độ phát triển của NNHC ở Việt Nam rất lớn, tuy nhiên trong quá trình sản xuất các HTX, doanh nghiệp, vẫn gặp những khó khăn, những quy định bất hợp lý, nhất là các thủ tục hành chính. Nhất là vấn đề chi phí để được chứng nhận hữu cơ, trong đó chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế hiện còn đắt đỏ, đòi hỏi các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này thường phải có lượng vốn lớn và mạnh. Điều này là một trở ngại lớn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các HTX.
Theo ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc HTX nông nghiệp An Thanh (Tứ Kỳ, Hải Dương), để chứng nhận 1ha cây trồng hữu cơ tiêu chuẩn quốc tế, trung bình mất khoảng 22-23 triệu đồng. Trong khi HTX An Thanh đang sản xuất chuối, lúa, con rươi, con cáy... trên diện tích hàng trăm ha.
"Nếu xin chứng nhận, thì chi phí sẽ lên tới hàng chục tỷ đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ đối với các thành viên. Do đó, các sản phẩm của HTX hiện vẫn phụ thuộc phần lớn vào thương lái, giá cả bấp bênh", ông Luận nói.
Câu chuyện này cũng đang hiện hữu tại HTX hữu cơ Tân Dân (Hà Nội), mặc dù HTX đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn TCVN 11041:2017 vào tháng 12/2019, tuy nhiên chứng nhận này chỉ có hiệu lực 1 năm. Muốn tái chứng nhận, thành viên phải tự bỏ tiền ra làm lại. Đây là điều HTX lo lắng vì quá trình sản xuất hữu cơ vốn đã tốn nhiều công sức, chi phí.
Cần có chính sách hỗ trợ sản xuất NNHC
Một vấn đề nữa cũng được nhiều HTX phản ánh. Chẳng hạn, theo quy định, để được cấp chứng nhận đủ điều kiện canh tác nông nghiệp hữu cơ, nhà sản xuất phải chứng minh được diện tích đất canh tác có ít nhất 3 năm không sử dụng hóa chất hay thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hóa học, chất biến đổi gen... Tuy nhiên tại Việt Nam, diện tích đất, nước và không khí sản xuất nông nghiệp bị ô nhiễm khá lớn. Do vậy, nếu một nhà vườn, HTX muốn sản xuất và làm chứng nhận hữu cơ phải bỏ chi phí cải tạo đất hết sức tốn kém, quá trình này thường mất cả năm trời.
Theo Hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, để được chứng nhận, HTX, doanh nghiệp phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ về quy trình sản xuất trước khi mời những tổ chức chứng nhận nông nghiệp hữu cơ thanh tra, lấy mẫu gửi đi phân tích. Nếu sản phẩm không có dư lượng nào trong 255 chỉ tiêu hóa học mới được cấp chứng nhận hữu cơ có giá trị 1 năm.
Chi phí cho chứng nhận tùy năng suất và quy mô trang trại, có thể làm tăng giá thành bình quân từ 1.500-2.000đồng/kg sản phẩm. Bù lại, sản phẩm bán được giá cao gấp đôi, gấp ba so với nông sản thông thường và mở rộng cơ hội xuất khẩu.
Bà Mayu ino, cho rằng quá trình để được cấp chứng nhận hữu cơ ở Việt Nam rất tốn kém và mất nhiều thời gian, công sức để đáp ứng được tất cả các yêu cầu của bộ quy chuẩn hữu cơ, đặc biệt là bộ tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế. Vì vậy, Việt Nam cần tạo điều kiện để thu hút các dự án nước ngoài trực tiếp về làm việc, hỗ trợ các hộ dân, HTX sản xuất, đạt chứng nhận và kết nối thị trường.
Thực tế, đã có những HTX "tranh thủ" sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế làm "bệ phóng" cho câu chuyện hữu cơ hóa các sản phẩm của mình. Chẳng hạn, tại HTX hữu cơ Thanh Xuân đang có 17,8ha rau hữu cơ. Mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường 1 tấn rau các loại. Kết quả đó là chục năm trước, HTX nhận được sự hỗ trợ từ một dự án nước ngoài nên các thành viên được hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, cách ủ phân hữu cơ, một phần kinh phí và hướng dẫn cách hạch toán thu chi, kết nối đầu ra. Đây là bước đệm quan trọng để hiện nay, khi dự án kết thúc hỗ trợ, HTX vẫn tiếp tục phát triển theo hướng hữu cơ và thu hút được 161 thành viên. Thu nhập thành viên dao động 5-10 triệu đồng/tháng, tùy diện tích.
Hiện nay, mặc dù Bộ NN&PTNT đã ban hành Nghị định 09/NĐ-CP hỗ trợ 100% kinh phí xác định vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ. Ngoài ra còn hỗ trợ 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận nhưng chỉ dừng lại ở lần đầu cho các tổ chức, cá nhân. Điều này gây khó khăn cho người dân, HTX trong việc tái chứng nhận do chi phí quá cao.
TS.Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện cây ăn quả Miền Nam cho biết, phí chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ tùy thuộc vào đơn vị xét và cấp giấy chứng nhận. Nếu chứng nhận cho khoảng 50 ha vườn cây ăn trái thì phí chứng nhận dao động ở mức từ 2.500 đến 5.000 USD. Chi phí cho lần tái chứng nhận cũng bằng với lần chứng nhận ban đầu. Ngoài việc phải chi một khoản tiền khá lớn, trong vòng hơn một năm, người nông dân, HTX phải thực hiện được khoảng 255 tiêu chí đánh giá ở mức tuyệt đối.
Chính vì vậy, Ts Nguyễn Minh Châu đề xuất các ngành chức năng, Nhà nước ngoài hỗ trợ 100% phí chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ lần đầu, thì từ lần tiếp theo có thể giảm xuống còn 70-80%... và cứ thế giảm từ từ để các HTX và người nông dân từng bước có thể tự lo.
“Khi Nhà nước thật sự vào cuộc, các HTX, doanh nghiệp sản xuất NNHC mới thật sự phát triển bền vững, đi vào nền nếp, khoa học” TS Châu khẳng định.
Huyền Trang