Vụn Art là một HTX xã hội được thành lập từ năm 2017, chuyên tổ chức hướng dẫn và đào tạo nghề tranh ghép vải cho người khuyết tật. Nguyên liệu để làm tranh ghép vải có 90% là vải vụn từ các xưởng dệt may trong làng lụa Vạn Phúc và vùng lân cận.
Biến rác thành nghệ thuật
Trong bối cảnh ngành dệt may Việt Nam đang phát triển mạnh, bên cạnh những lợi ích kinh tế - xã hội thì trong quá trình sản xuất, các xưởng may còn thải ra môi trường một lượng lớn chất thải rắn công nghiệp, với thành phần chủ yếu là vải vụn. Lượng rác khổng lồ này thường được công ty môi trường thu gom nhưng lại bị đổ ra ngoài môi trường và chôn lấp tại các bãi rác lớn. Bởi vậy mà vải vụn trong dệt may có mối nguy hại không nhỏ với môi trường.
![]() |
Thành viên HTX Vụn Art tái chế vải vụn thành tranh nghệ thuật |
Để tận dụng lụa Vạn Phúc đến tận mảnh cuối cùng và hạn chế lượng rác thải từ vải vụn ra môi trường, những người thợ của HTX Vụn Art đã sử dụng khéo léo nguồn nguyên liệu từ vải thừa, vải vụn sau khi cắt may ngay tại làng nghề để cắt, dán lên khung tranh, ghép màu…, chuyển thể tranh dân gian vào tranh vải. Hình ảnh lợn Đông Hồ, đám cưới chuột, Văn Miếu, Hồ Gươm… trở nên đầy tươi mới nhờ những mảnh vụn tưởng chừng không còn giá trị.
Anh Lê Việt Cường, Giám đốc HTX cho biết nguyên liệu chính để làm nên một bức tranh tại Vụn Art là vải vụn. Những mảnh vải tưởng chừng chỉ có thể vứt đi bỗng trở nên rực rỡ như được hồi sinh lần nữa dưới đôi bàn tay tỉ mỉ của những người thợ ở HTX.
Mới đầu thành lập HTX, anh Cường đã phải đi khắp các xưởng may, công ty may lân cận để xin lại toàn bộ số vải đó, phân loại thành vải cotton để mọi người học nghề và trải nghiệm, vải lụa thì dùng ghép thành tranh để bán.
Anh cẩn thận lọc những mảnh vải to làm bìa, những mảnh vải vụn thì được bó lại để cắt ghép các chi tiết ghép thành tranh. Dần dần, mô hình làm tranh từ vải vụn của anh Cường được nhiều người biết tới. Anh đã không còn phải đi đến từng cơ sở sản xuất dệt may để xin vải vụn. Nhận thấy những tích cực từ mô hình Vụn Art – khi vừa là nơi làm việc của người khuyết tật, vừa có những hành động tích cực trong việc bảo vệ môi trường, thay vì cho thu gom và xử lý như trước kia, các xưởng may đã chủ động và trực tiếp vận chuyển vải vụn về HTX.
Hướng đến tương lai xanh
HTX Vụn Art không phải là mô hình từ thiện. Ở đây, mọi người kiếm tiền bằng sức lao động của mình, tự giác cùng nhau cộng tác để phát triển. Các thành viên trong HTX luôn nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo ra giá trị thực chất, nâng cao tính cạnh tranh.
![]() |
90% nguyên liệu làm tranh ghép vải tại HTX là từ vải vụn |
Giai đoạn đầu, thị trường tiêu thụ các sản phẩm của Vụn Art chỉ gói gọn trong phạm vi làng lụa Vạn Phúc. Giám đốc Lê Việt Cường phải mang tranh đi "chào hàng" trực tiếp ở nhiều cơ sở kinh doanh, nhà sách... quảng bá gắn với hoạt động du lịch của làng nghề. Dần dần, những sản phẩm này mới được biết đến nhiều hơn, các thành viên bắt đầu có thu nhập ổn định hơn.
Hiện nay, những bức tranh thủ công ghép nên từ lụa truyền thống, mang sắc màu văn hóa Việt Nam đang trở thành một trong những sản phẩm lưu niệm độc đáo của làng lụa Vạn Phúc, nhận được sự yêu thích của rất nhiều du khách.
Cùng với dòng tranh nghệ thuật dân gian, thời gian gần đây, HTX còn sáng tạo thêm những sản phẩm mới mang tính ứng dụng đời sống như làm túi vải, bộ trò chơi tranh ghép, bưu thiếp vải… để đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
HTX còn mở rộng hoạt động với mô hình không gian sáng tạo, phát triển tour trải nghiệm văn hóa, thu hút học sinh, sinh viên và khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu và thực hành làm tranh vải ghép. Qua những bức tranh và hoạt động của mình, thông điệp chính HTX muốn truyền tải đến mọi người về vấn đề bảo vệ môi trường hướng đến một tương lai xanh.
Hoàng Lê