Ở xã Cường Thịnh (huyện Trấn Yên), ít ai không biết đến HTX Thắng Lợi 12, một trong những HTX đang rất thành công với mô hình nuôi dúi. HTX có diện tích rộng hơn 3.000 m2 gồm khu vực chuồng trại và diện tích trồng thức ăn như: cỏ voi, mía và chuối... Hiện tại, HTX đang nuôi hơn 1.000 cặp dúi sinh sản. Con giống được HTX chọn mua từ các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Đắk Lắk.
Từ thu nhập hàng tỷ đồng
Anh Trịnh Văn Duệ, cán bộ kỹ thuật của HTX cho biết: Dúi là những loài vật dễ nuôi, có sức đề kháng tốt, ít bệnh. Mỗi ngày cho ăn 2 bữa, chủ yếu là nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như: rau, củ, tre, bí, chuối, ngô, mía… Đặc biệt, nước uống phải thay thường xuyên, đảm bảo sạch sẽ. Tuy dễ nuôi nhưng nguồn thức ăn cho dúi phải sạch, khô ráo để tránh bị đau bụng, tiêu chảy.
Hiện nay, giá thương phẩm của dúi từ 500.000 - 600.000 đồng/kg, giá dúi giống dao động từ 1,4 - 2 triệu đồng/cặp.
![]() |
HTX Thắng Lợi 12 đang nuôi hơn 1.000 cặp dúi sinh sản. |
Anh Nguyễn Thành Phước, Giám đốc HTX Thắng Lợi 12 cho biết: Hiện nay, HTX đang dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi bằng việc vận động bà con trong xã cùng chăn nuôi dúi theo quy mô nông hộ, cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con.
Được biết, ngoài việc tập trung nuôi dúi, HTX còn nuôi thêm cày hương, bởi cách chăn nuôi khá tương đồng và cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Một năm cầy hương sinh sản 2 lứa và mỗi cặp con giống có giá khoảng 10 triệu đồng tùy theo kích thước và trọng lượng. Cầy hương thương phẩm có giá từ 1,4 -1,5 triệu đồng/kg. Nhờ đó, mỗi năm, HTX có nguồn thu nhập hàng tỷ đồng từ việc bán con giống và thương phẩm. Hiện HTX đang nuôi 500 cặp cầy hương.
Đến đưa dúi xuất khẩu
Tại huyện Yên Bình, nhận thấy những ưu điểm nổi bật từ con dúi như dễ thích nghi với môi trường, lớn nhanh, ít công chăm sóc nhưng lại có giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn, đầu năm 2024, với số vốn tích lũy được, 12 thành viên trong HTX Thực phẩm sạch và Du lịch Bảo Ngọc, xã Ngọc Chấn đã mạnh dạn đầu tư thêm gần 1 tỷ đồng để xây dựng trại dúi giống má đào Thái Lan với hơn 300 chuồng và nhập hơn 200 đôi dúi giống về nuôi.
Dúi má đào là loài động vật gặm nhấm, thức ăn chủ yếu là cây họ tre, thân cây tre, hạt ngô, mía, khoai lang… Đây là nguồn thức ăn rất sẵn có tại địa phương nên là một lợi thế lớn để HTX chủ động được nguồn thức ăn, giảm giá thành. Trọng lượng con trưởng thành trung bình đạt 5 - 6kg, thậm chí có con lên đến 8kg, sinh trưởng phát triển nhanh hơn so với các giống dúi ta.
Trại Dúi giống Bảo Ngọc là công trình được ra đời bởi sự hợp tác kinh doanh giữa HTX và HTX Dúi giống Đức Giang (xã Trung Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Bước đầu mô hình nuôi dúi phát triển tốt, mang lại hiệu quả cao và mở ra hướng đi mới nhiều triển vọng cho người dân địa phương.
Ông Đặng Tiến Minh, Chủ tịch HTX cho biết: "Quá trình nuôi, chúng tôi nhận thấy dúi không khó nuôi, ít chi phí phát sinh, thức ăn dễ kiếm, giá rẻ. Chúng tôi xác định, không chỉ nuôi dúi thương phẩm, HTX còn nuôi dúi sinh sản để nhân đàn và bán giống. Nếu giá cả ổn định, sau trừ chi phí, HTX cũng sẽ thu về 400 - 500 triệu đồng/năm khi nuôi kín chuồng, tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên trong HTX”.
Trại dúi giống Bảo Ngọc ra đời nhằm cung cấp giống dúi má đào Thái Lan cho bà con nông dân vùng lân cận và các tỉnh thành trên cả nước đồng thời hướng đến xuất khẩu sang nước bạn Trung Quốc. Năm đầu tiên trại Dúi giống Bảo Ngọc sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 300 cặp giống. Từ năm thứ 2 đạt 600 cặp/năm trở lên.
![]() |
Sau trừ chi phí, HTX Thực phẩm sạch và Du lịch Bảo Ngọc sẽ thu về 400 - 500 triệu đồng/năm khi nuôi kín chuồng, tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên trong HTX. |
Khi khách hàng mua giống của trại được cơ quan Kiểm lâm cấp giấy phép vận chuyển, được HTX tư vấn thiết kế chuồng trại, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi trọn đời, bao tiêu sản phẩm đầu ra và có thể nhận được hỗ trợ vốn mua con giống.
Với hướng đi lựa chọn những loài vật nuôi đặc sản để phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, HTX Thực phẩm sạch và Du lịch Bảo Ngọc đã trở thành mô hình kinh tế nổi bật của xã Ngọc Chấn. Đồng thời, là địa chỉ tham quan, học tập phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập của rất nhiều người dân trong và ngoài huyện.
Coi vật nuôi đặc sản là sản phẩm chủ lực
Việc mở rộng mô hình nuôi dúi Thái Lan má đào của HTX Thực phẩm sạch và Du lịch Bảo Ngọc đã tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho các thành viên của HTX trong khi việc phát triển du lịch còn gặp nhiều khó khăn. Về phía địa phương, nhận thấy mô hình này đang có rất nhiều triển vọng, con dúi đang sinh trưởng và phát triển tốt nên chính quyền xã cũng khuyến khích, tạo điều kiện để mô hình được nhân rộng, không chỉ giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn giúp địa phương củng cố vững chắc tiêu chí tổ chức sản xuất để sớm đưa địa phương trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.
Mô hình nuôi dúi đã tạo động lực để ngành nông nghiệp, chính quyền và người dân tiếp tục nhân rộng và đưa các loại cây, con giống mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân tỉnh Yên Bái.
Theo đó, chính quyền địa phương các huyện và ngành nông nghiệp phối kết hợp cùng Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh tạo hành lang về cơ chế, chính sách cũng như hỗ trợ nguồn vốn xây dựng chuồng trại, đầu tư cây, con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kết nối thị trường… Nhờ vậy, giống đặc sản có giá trị kinh tế cao như lợn rừng, hươu lấy nhung, dúi, ba ba, cá tầm… đã bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Để duy trì, bảo tồn nguồn gen của các loại vật nuôi có nguồn gốc bản địa và phát triển bền vững đối tượng con nuôi đặc sản, ngành nông nghiệp địa phương đang phối hợp với chính quyền các xã
tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển đối tượng con nuôi đặc sản theo định hướng và gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời kết hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ thuật chăn nuôi nhằm giúp người dân có điều kiện phát phát triển con vật nuôi đặc sản quy mô lớn theo định hướng thị trường. Qua đó, góp phần chuyển đổi vật nuôi theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm đặc sản, nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Hiện, tỉnh Yên Bái khuyến khích và hỗ trợ các hộ phát triển chăn nuôi sản phẩm đặc sản của địa phương như: Gà đen đặc sản vùng cao đạt trên 150.000 con/năm, được nuôi chủ yếu tại các huyện Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải; lợn đen bản địa trên 87.000 con tại các huyện Lục Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải; vịt bầu Lâm Thượng trên 130.000 con, nuôi chủ yếu tại các huyện Lục Yên, Văn Yên, Trấn Yên. Ngoài ra, còn có hàng trăm cơ sở, hộ chăn nuôi các loại vật nuôi đặc sản như: lợn rừng, dê, dúi, nhím, ba ba, cầy hương, rắn…
Nhật Nam