Đơn cử như hồi cuối năm ngoái, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư trực thuộc Liên minh hợp tác xã Việt Nam và huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đã tổ chức bàn giao trâu giống thuộc Dự án Mô hình liên kết phát triển chăn nuôi trâu vỗ béo theo quy mô nông hộ tại huyện Thường Xuân.
Đi sát dân để hỗ trợ
Đối tượng tham gia của dự án là 60 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã Xuân Thắng và xã Luận Khê, Huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, hỗ trợ sinh kế là một trong những giải pháp quan trọng nhất giúp bà con nắm rõ kiến thức, kỹ năng sản xuất, tự tạo việc làm và thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Vũ Quang Phong, Tổng giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) cho hay, quá trình thực hiện Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư phối hợp với Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, UBND huyện Thường Xuân khảo sát, xây dựng dự án, lựa chọn các hộ nghèo, cận nghèo tại hai xã Xuân Thắng và Luận Khê tham gia dự án, đồng thời hỗ trợ tập huấn cho 100 hộ nghèo, hộ cận nghèo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu vỗ béo, tập huấn về phòng trừ dịch bệnh trên trâu vỗ béo, tập huấn về thị trường, liên kết chuỗi giá trị.
![]() |
Các chương trình hỗ trợ đã tác động trực tiếp giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương. |
Cũng theo ông Phong, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư đã tổ chức 03 lớp tập huấn cho 100 hộ nghèo, cận nghèo tại xã Xuân Thắng và xã Luận Khê, bao gồm các chuyên đề như vai trò và ý nghĩa kinh tế của ngành chăn nuôi trâu bò; công tác giống trâu bò; đặc điểm các bộ phận của cơ thể trâu bò; dinh dưỡng cho trâu; kỹ thuật nuôi trâu thịt.
Bà Cầm Thị Cọt là học viên tham gia lớp tập huấn chia sẻ, thông qua các lớp tập huấn tôi rất cảm ơn các cơ quan, đơn vị đã tổ chức lớp tập huấn. Với thời gian ngắn nhưng đã thu được rất nhiều kiến thức.
Những kiến thức thu được trong quá trình tập huấn giúp bà con chúng tôi các biện pháp trong quá trình chuyển đổi mô hình sang chăn nuôi tại địa phương.
“Chúng tôi xin cảm ơn Trung tâm XTTM&ĐT đơn vị trực tiếp hỗ trợ thực hiện dự án trên địa bàn xã, trực tiếp hỗ trợ cho 60 hộ là hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia dự án và tổ chức tập huấn cho 100 học viên trên địa bàn 2 xã. Cảm ơn chính quyền địa phương đã tạo điều kiện, bố trí thời gian tham dự lớp tập huấn và chủ động trong công tác thông báo và thu xếp cho các học viên có điều kiện tham dự đông đủ và đúng giờ” bà Cầm Thị Cọt chia sẻ.
Động lực để phát triển kinh tế gia đình, sớm thoát nghèo.
Ông Cầm Bá Đứng Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thường Xuân cho biết, thời gian qua, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có rất nhiều chương trình ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với bà con địa phương. Không chỉ vậy, các chương trình còn góp phần giúp lãnh đạo huyện thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội hiệu quả hơn.
"Chương trình hỗ trợ này là hết sức thiết thực, tạo sinh kế để người dân vươn lên thoát nghèo. Mô hình nuôi trâu vỗ béo có nhiều ưu điểm, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và truyền thống, thế mạnh, phong tục tập quán và tâm tư nguyện vọng của người dân địa phương", ông Đứng nói.
Ông Đứng đề nghị bà con nông dân tập trung, nuôi trâu theo đúng kỹ thuật. Ngoài ra, lãnh đạo 2 xã Xuân Thắng và Luận Khê phải thường xuyên theo dõi, hỗ trợ bà con thực hiện mô hình một cách hiệu quả nhất. Mô hình nuôi trâu vỗ béo có nhiều ưu điểm, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và truyền thống, thế mạnh, phong tục tập quán và tâm tư nguyện vọng của người dân địa phương.
“Tôi rất vui mừng được chứng kiến lễ bàn giao trâu giống cho các hộ nghèo và cận nghèo tại xã Xuân Thắng và Luận Khê, cụ thể Xã Xuân Thắng có 30 hộ; xã Luận Khê có 30 hộ, số lượng con giống: 120 con, quy cách và mẫu mã con giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có hồ sơ lý lịch, trọng lượng tối thiểu 170kg/con, trâu khỏe mạnh, không dịch bệnh, mang đặc điểm đặc trưng của giống. Các hộ dân đều rất vui vẻ và phấn khởi khi được nhận hỗ trợ từ dự án, các hộ đều đến từ sớm để hoàn tất các chuẩn bị như chọn trâu, cân tỷ trọng trâu”, ông Cầm Bá Đứng chia sẻ.
Tạo sự đồng lòng, quyết tâm giảm nghèo từ cơ sở
Thời gian qua, ngoài các Chương trình, Dự án của liên minh HTX Việt Nam thì Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa cũng đã triển khai nhiều dự án giảm nghèo trên địa bàn huyện Thường Xuân nhằm hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng khó khăn tự lực vươn lên, phát triển kinh tế bền vững. Mỗi dự án được triển khai đều được người dân hưởng ứng và nỗ lực để đạt hiệu quả cao nhất.
![]() |
Việc triển khai các dự án hỗ trợ cây giống cây trồng, vật nuôi từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là hình thức hỗ trợ sinh kế thiết thực, có ý nghĩa lâu dài, phù hợp với điều kiện thực tế hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương. |
Đơn cử như Dự án nuôi lợn nái đen sinh sản theo chuỗi liên kết thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững do Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa được giao kế hoạch, dự toán và HTX dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Cửa Đạt, thị trấn Thường Xuân là đơn vị chủ trì liên kết.
Với việc chú trọng tập huấn nâng cao năng lực, kỹ thuật chăn nuôi cho người dân, các đơn vị còn kiểm tra nghiêm ngặt khâu chọn giống, thức ăn chăn nuôi. Giám đốc HTX dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Cửa Đạt Nguyễn Văn Sinh cho biết: "Chúng tôi thực hiện nghiêm ngặt các khâu chọn giống, thức ăn để đưa đến người dân con nuôi chất lượng. Cùng với đó, trong quá trình triển khai, cán bộ kỹ thuật của HTX luôn sẵn sàng hỗ trợ người dân chăm sóc, phòng chống dịch bệnh... Kết quả thực hiện đã có hơn 60% lợn được cấp đã bước vào giai đoạn sinh sản, giúp người dân nhân giống, tăng đàn lợn trong thời gian tới”.
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, việc triển khai các dự án hỗ trợ cây giống cây trồng, vật nuôi từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là hình thức hỗ trợ sinh kế thiết thực, có ý nghĩa lâu dài, phù hợp với điều kiện thực tế hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương khó khăn của tỉnh. Qua đó góp phần giúp các gia đình có điều kiện nỗ lực lao động, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập để thoát nghèo bền vững.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Đình Tuấn nhấn mạnh: "Liên minh HTX tỉnh tiếp tục làm tốt công tác rà soát, lựa chọn các dự án giảm nghèo phù hợp và các đơn vị liên kết thực hiện có năng lực, uy tín để thực hiện tại các huyện khó khăn của tỉnh. Cùng với đó, thông qua các dự án sẽ lồng ghép các hoạt động đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để người nghèo có kiến thức chăm sóc mô hình phát huy hiệu quả. Từ đó, không chỉ trao “con cá” mà còn hỗ trợ người dân vùng khó khăn chiếc "cần câu” để người dân thoát nghèo bền vững.
Minh Thành