Cách đây không lâu, thông qua mô hình liên kết chuỗi chăn nuôi, HTX Đầu tư và phát triển nhung hươu Hương Sơn (ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) đã đến huyện miền núi Đông Giang để mua nhung hươu từ các hộ nuôi hươu sao trên địa bàn.
Triển vọng nuôi hươu lấy nhung
Thời gian qua, mặc dù xa xôi cách trở nhưng HTX này đã có những hoạt động hỗ trợ bà con ở Đông Giang trong chương trình liên kết chăn nuôi hươu sao lấy nhung. Nhất là tập huấn cách nuôi hươu và đi tham quan cách làm thực tế của HTX.
![]() |
Tính hiệu quả của mô hình liên kết chuỗi chăn nuôi nhung hươu ở Đông Giang được nâng lên rõ rệt. |
Bên cạnh đó, HTX còn cung cấp con giống, cử cán bộ thú y theo dõi, hướng dẫn người dân tại Đông Giang cách chăn nuôi, làm chuồng trại và cam kết thu mua sản phẩm nhung hươu theo giá thị trường, tùy vào thời điểm thu mua.
Nhờ vậy mà tính hiệu quả của mô hình liên kết chuỗi chăn nuôi nhung hươu được nâng lên rõ rệt, đạt được thành quả nhất định về chuỗi liên kết giá trị, giúp cho bà con Đông Giang cải thiện đời sống, được xem là hướng thoát nghèo mới của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Là một trong những hộ dân đầu tiên ở xã Tà Lu (huyện Đông Giang) tham gia chương trình liên kết nuôi hươu sao lấy nhung, ông A Lăng Dự, cho biết nhờ được tập huấn cách nuôi hươu và đi tham quan thực tế tại HTX Đầu tư và phát triển nhung hươu Hương Sơn đã giúp ông phát triển tốt đàn hươu.
Nhờ chính quyền huyện Đông Giang hỗ trợ 5 con hươu giống gồm 3 con cái, 2 con đực và làm chuồng thả nuôi, đã giúp ông Dự có 2 vụ khai thác nhung. Mỗi năm 1 con hươu khai thác từ 1kg đến 1,5 kg nhung. Giá 1kg nhung hươu hiện nay trên thị trường khoảng 14 triệu đồng. Nếu chăm sóc tốt, nguồn thu nhập từ bán nhung hươu là rất lớn.
Theo ông Dự, thời điểm thu mua nhung hươu nếu giá thị trường tăng thì bên HTX cũng tăng giá lên. Việc chăn nuôi hươu cũng dễ, ít bệnh vặt. Một ngày bỏ ra thời gian chăm sóc từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ, 1 tiếng cắt cỏ và thời gian còn lại chia ra để cho hươu ăn. Cỏ chủ yếu là cỏ voi, mía, lá cây ngoài tự nhiên như lá sung, các loại dây leo...
Cùng với ông A Lăng Dự, ở xã Tà Lu hiện có 4 hộ tham gia mô hình liên kết nuôi hươu lấy nhung. Mỗi hộ được hỗ trợ 5 con hươu giống để phát triển đàn. Hiện nay, huyện Đông Giang đang khuyến khích nuôi theo nhóm hộ, từ 10 hộ đến 15 hộ lập một nhóm để làm chuồng trại quy mô lớn, phân công nhau cắt cỏ, cho hươu ăn và khai thác nhung.
Nuôi heo đen sinh học gắn với liên kết
Lãnh đạo xã Tà Lu đánh giá mô hình nuôi hươu sao lấy nhung có nhiều triển vọng. Đây là một trong những hướng đi góp phần vào mục tiêu giảm nghèo, mở ra triển vọng làm giàu cho bà con miền núi. Địa phương thường xuyên phối hợp với đơn vị liên kết mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, làm chuồng trại, khuyến khích người dân tham gia nuôi hươu lấy nhung.
![]() |
Mô hình chăn nuôi heo cỏ miền núi an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm ở Đông Giang đang có tín hiệu tích cực. |
Bên cạnh xã Tà Lu, một số địa phương ở Đông Giang như thị trấn Prao, xã Zà Hung và xã Tư cũng đang triển khai nuôi hươu sao, bước đầu có thành quả nhất định về chuỗi liên kết giá trị.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và nhân rộng mô hình này ở một số địa phương khác. Nhất là khi nghề chăn nuôi hươu có thể giúp hàng nghìn hộ dân ở địa bàn huyện miền núi này sẽ có bước tiến nhanh trong thời gian tới nhằm mang lại cuộc sống khấm khá.
Và với giá trị nhung hươu ngày càng tăng cao, ở Đông Giang cần phải những HTX hoạt động trong lĩnh vực này. Theo đó, các HTX sẽ cũng thực hiện liên kết thu mua nhung từ các hộ chăn nuôi hươu trên địa bàn làm nguyên liệu chế biến, tạo động lực cho bà con phát triển sản xuất, chăm sóc đàn hươu đạt chất lượng cao.
Hơn nữa, các HTX chăn nuôi hươu còn có thể tăng cường tiếp cận thị trường trên mạng xã hội, các kênh thương mại điện tử và đa dạng hóa thêm những sản phẩm chế biến sâu như: Bột nhung hươu, nhung hươu thái lát…
Ngoài nuôi hươu, ở Đông Giang còn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển mô hình chăn nuôi heo cỏ miền núi an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Mô hình này bước đầu đem lại hiệu quả. Thời gian tới, huyện tiếp tục nhân rộng mô hình, hướng tới tạo thương hiệu OCOP heo cỏ địa phương Đông Giang (là giống heo quý được người dân chọn lọc và nuôi từ lâu đời, chất lượng thịt thơm ngon, ít mỡ… được người tiêu dùng ưa chuộng).
Điển hình như một số nông dân của xã Jơ Ngây và Kà Dăng cách đây 3 năm đã nuôi 72 con heo cỏ giống (60 heo cái và 12 heo đực). Các hộ tuân thủ quy trình kỹ thuật, vệ sinh chuồng trại và cung cấp đầy đủ thức ăn cho heo. Qua 3 năm, đến nay đàn heo cỏ phát triển tốt, tỷ lệ heo sống đạt hơn 82%, đàn heo đã sinh sản nhiều lứa với tổng số 755 con.
Trước đây, giống heo quý này phân bổ trên phạm vi hẹp, chỉ có ở các thôn bản vùng núi và được người dân nuôi thả rông theo phương thức truyền thống nên số lượng ít, phát triển chậm, không đủ cung ứng cho nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, những năm trước, do trình độ người chăn nuôi chưa cao nên khả năng bị giao phối cận huyết rất lớn khiến giống heo cỏ càng thoái hóa, tỷ lệ chết và dịch bệnh cao.
Hướng đi hiệu quả giúp thoát nghèo
Chính vì vậy, mô hình chăn nuôi heo cỏ miền núi an toàn sinh học đã tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số Đông Giang tiếp cận khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư hình thành các gia trại chăn nuôi tập trung theo phương thức an toàn sinh học, tạo nguồn giống tại địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo.
![]() |
Liên kết chuỗi trong chăn nuôi đang mở ra “cánh cửa” cải thiện sinh kế đầy triển vọng cho người dân huyện Đông Giang. |
Các hộ dân tham gia mô hình được tập huấn, hướng dẫn quy trình chăn nuôi heo cỏ miền núi theo hướng sinh sản; quy trình chăn nuôi heo cỏ theo hướng thịt thương phẩm; kỹ thuật xây dựng chuồng nuôi.
Cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Đông Giang cũng hướng dẫn cách phối trộn và tạo thức ăn; chăm sóc heo nái đẻ và heo con theo mẹ; kỹ thuật phòng chống dịch bệnh gia súc, bao gồm cả kỹ thuật sử dụng vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi tại nông hộ.
Nhờ tham gia vào mô hình liên kết và được tập huấn đã giúp người nông dân, đặc biệt là các hộ có đầu tư phát triển chăn nuôi heo cỏ nắm vững kiến thức, kỹ năng cơ bản về chăm sóc, phòng dịch bệnh hiệu quả, nâng cao thu nhập kinh tế từ chăn nuôi.
Đây là một mô hình rất hiệu quả, không chỉ mang lại thu nhập cao cho người dân mà còn giúp họ thoát khỏi cảnh nghèo khó. Trong thời gian tới, huyện Đông Giang sẽ mở rộng mô hình này để nhiều người có thể hưởng lợi.
Từ việc triển khai những mô hình liên kết chuỗi giá trị chăn nuôi như hươu sao, heo đen đã mang lại thu nhập bền vững cho các bên tham gia liên kết. Hy vọng rằng từ sự quan tâm, chỉ đạo của Liên minh HTX Việt Nam thì Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam sẽ có những hoạt động hỗ trợ cho việc phát triển kinh tế HTX ở Đông Giang trong liên kết chuỗi chăn nuôi.
Bởi lẽ, người dân Đông Giang ngày càng nhận thấy vai trò quan trọng của kinh tế hợp tác, mà điển hình như sự giúp sức của HTX Đầu tư và phát triển nhung hươu Hương Sơn.
Đây cũng là tiền đề để Đông Giang phát triển các HTX trong chăn nuôi nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế nông nghiệp, sản xuất gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ, qua đó cải thiện thu nhập cho người dân, hướng thoát nghèo bền vững.
Thanh Loan