Nậm Khắt là một trong những xã có điều kiện khó khăn của huyện Mù Cang Chải, và cũng là xã có nhiệt độ thấp nhất huyện Mù Cang Chải. Do đó trồng cây lúa năng suất rất thấp.
Thay đổi tập quán canh tác
Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại xã Nậm Khắt phù hợp với rau cải mầm đá, anh Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc HTX Sản xuất Nấm ăn và Nấm dược liệu Mù Cang Chải đã mở rộng diện tích để trồng loài rau lạ này.
"Trước kia tôi chỉ ý định trồng nấm, tuy nhiên thấy loại cây này phù hợp nên phát triển thêm, nhất là trong quá trình trồng nấm sinh ra bã thải thì chúng tôi đưa xuống ruộng để làm phân hữu cơ bón cho rau. Những loại rau ưa nhiệt độ thấp, đem lại hiệu quả kinh tế cao thì ở Nậm Khắt có loại cây mầm đá rất phù hợp. Nhất là mùa đông, những tháng lạnh giá có sương muối, loại rau lạ này có thể chịu được nhiệt độ 0 độ", anh Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ.
![]() |
Khí hậu tại xã Nậm Khắt phù hợp với rau cải mầm đá. |
Anh Hoàng Anh cho biết, đầu tư trồng rau cải mầm đá vào khoảng 150 triệu đồng/ha, sản lượng đạt khoảng 30 tấn. Trồng rau mầm đá này gần như không dùng một giọt thuốc trừ sâu nào. Với giá bán rau mầm đá chưa bao giờ xuống dưới 10.000 đồng/kg thì người nông dân có lãi gấp đôi.
Từ khi trồng đến khi thu hoạch rau mầm đá mất khoảng 90 ngày. Cá biệt, có những cây rau mầm đá mới hơn 60 ngày đã được thu. Nhiệt độ thích hợp nhất cho loại rau cải mầm đá dao động từ 5 đến 15 độ C, nếu nhiệt độ vượt quá 25 độ C thì cây rất khó ra mầm mà sẽ ra hoa.
Sản lượng thu hoạch rau cải mầm đá của vụ đầu tiên đạt khoảng 30 tấn/ha, doanh thu khoảng 600 triệu/ha, chủ yếu xuất bán cho các trường học trong tỉnh Yên Bái, Sơn La, và Hà Nội. Hiện HTX đã mở rộng bán cho nhiều tỉnh như Lai Châu, Phú Thọ,…
Trang trại trồng cải mầm đá của HTX đã đem lại nguồn thu nhập cao, góp phần thay đổi tập quán canh tác của bà con dân tộc Mông nơi đây.
Giải quyết việc làm cho người dân bản địa
Không những đem lại lợi nhuận mà khi HTX trồng Nấm ăn và Nấm dược liệu Mù Cang Chải về đầu tư tại đây còn giải quyết được việc làm thường xuyên cho một bộ phận người dân bản địa.
"Lao động thuê tại địa phương 8 đến 10 người làm thường xuyên, sau khi mở rộng lên 9ha lúc đó cần 15 đến 20 người liên tục với mức công bình quân đạt 130.000 đồng/người/ngày", đại diện HTX thông tin.
Anh Hoàng Văn Nối, thành viên HTX cho biết, đến nay, HTX đã nắm chắc quy trình kỹ thuật trồng. Hiện thu nhập bình quân của người lao động khoảng 4 - 6,5 triệu đồng/người/ tháng vào vụ thu hoạch chính, HTX sẽ trả 150.000 đồng/người/ngày cho lao động thời vụ.
Anh Thào A Sơn, trú tại bản Hua Khắt (xã Nậm Khắt) chia sẻ: "Ở nhà thì không có việc gì làm nên tôi xin vào làm tại đây. HTX trả công lao động 150.000 đồng/ngày, mặc dù chưa đáp ứng đủ cho cuộc sống của cả gia đình nhưng tôi thấy mức tiền công này cũng hợp lý".
Có thể thấy, hiệu quả kinh tế của mô hình này bắt nguồn từ quá trình chuyển đổi giống cơ cấu cây trồng, chọn lựa giống mới, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng để cho giá trị kinh tế cao.
Cùng với đó, bằng việc tích cực tuyên truyền người dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm, địa phương đã biến cánh đồng Nậm Khắt vốn chỉ trồng lúa một vụ kém hiệu quả trước đây thành một màu xanh mướt của loài rau đặc sản. Cách làm này cho thấy hiệu quả bền vững trong việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, mở ra cơ hội sinh kế mới, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho đồng bào vùng cao Mù Cang Chải.
![]() |
HTX trồng Nấm ăn và Nấm dược liệu Mù Cang Chải giải quyết được việc làm thường xuyên cho một bộ phận người dân bản địa. |
Bà Hảng Thị Máy, bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt tay thoăn thoắt cho rau vào các túi để cân chuyển cho các thương lái mang về xuôi phấn khởi: "Rau vào vụ thu hoạch được HTX tạo điều kiện với tiền công làm thêm mỗi ngày là 150.000 đồng. Mình có thêm thu nhập để lo cho cuộc sống gia đình. Mong chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm mở rộng thêm nhiều cây trồng nữa để bà con trong xã có thêm nhiều việc làm”.
Tạo sinh kế bền vững
Mô hình trồng rau cải mầm đá trên địa bàn xã Nậm Khắt là một trong các mô hình liên kết, nằm trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Mù Cang Chải. Từ hiệu quả rau mầm đá mang lại trên địa bàn xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải đã tiếp tục đưa thêm một số giống rau đặc sản vào trồng và mở rộng diện tích, tạo thành vùng chuyên canh nông nghiệp hàng hóa, phát huy các lợi thế để huyện phát triển nông nghiệp bền vững theo lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp.
Được biết, từ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, hàng năm các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã phối kết hợp với Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, vận động cho nhân dân gieo trồng các loại cây màu như: khoai lang, sắn, đậu, lạc, dưa chuột, bí... với tổng diện tích hơn 500 ha/năm cùng hàng trăm ha rau các loại trồng tại các hộ gia đình để phục vụ sinh hoạt gia đình và xuất bán ra thị trường.
Cùng đó, cũng đã có nhiều tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư trồng rau màu sạch thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP điển hình như: mô hình của HTX Xây dựng và Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp huyện Mù Cang Chải có quy mô 0,7 ha; mô hình của HTX Nông nghiệp hữu cơ Mù Cang Chải với hơn 2 ha sản xuất rau theo hướng hữu cơ; mô hình của HTX Nông nghiệp sạch T&D hơn 2 ha...
Đại diện ngành nông nghiệp huyện cho biết, rau màu là sản phẩm thiết yếu ngoài xuất ra thị trường thì liên quan trực tiếp đời sống hàng ngày của người dân. Bởi vậy, phát triển rau màu luôn được ngành nông nghiệp huyện chú trọng định hướng và tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, mở rộng diện tích theo hướng sản xuất sạch, an toàn, chất lượng cao, đảm bảo phục vụ tốt đời sống người dân tại chỗ và nhất là phục vụ du khách khi đến với Mù Cang Chải.
Theo đó, phát triển cây rau màu theo hướng an toàn đang là hướng đi hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Mù Cang Chải. Cùng với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương cũng cần tích cực chuyển đổi tư duy, nắm bắt kỹ thuật, quy trình sản xuất cơ bản trong việc trồng, chăm sóc, thu hái, phòng trừ sâu bệnh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, từng bước tạo dựng các cơ sở sản xuất rau màu an toàn theo phương châm nói không với thực phẩm bẩn.
Cùng với đó, Mù Cang Chải đã thực hiện tốt Đề án phát triển cây ăn quả giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án phát triển vùng dược liệu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được gần 450 ha cây ăn quả, trong đó trên 100 ha đã cho sản phẩm, sản lượng đạt gần 400 tấn/năm; trên 2.600 ha cây dược liệu với sản lượng trên 2.350 tấn/năm với một số loại chính như: sa nhân, ý dĩ, đẳng sâm, nấm ngọc cẩu, tam thất, ba kích, sâm các loại...
Đại diện UBND huyện chia sẻ, Mù Cang Chải là địa phương vùng cao, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nên việc khuyến khích nông dân phát triển các mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được huyện đặc biệt quan tâm. Huyện đang tiếp tục quy hoạch các vùng sản xuất tập trung để thuận lợi cho việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cao vào sản xuất; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, tiếp cận các chính sách ưu đãi về đất đai, miễn giảm thuế, các chính sách ưu đãi về tín dụng…
Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để doanh nghiệp, HTX và người dân nâng cao nhận thức về lợi ích của việc sản xuất sạch, an toàn nhằm tạo uy tín, nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng nông nghiệp thông minh và có thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của địa phương. Từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo sinh kế bền vững cho bà con Mù Cang Chải.
Nhờ những giải pháp đồng bộ mà tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm rõ rệt, nếu như cuối năm 2020, hộ nghèo đa chiều của huyện còn trên 54%, thì đến cuối năm 2024 giảm xuống còn gần 29%, tương đương gần 4.000 hộ nghèo. Dự kiến, hộ nghèo toàn huyện năm 2025 còn hơn 23%, là một trong số ít huyện đặc biệt khó khăn có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất của cả nước.
Ngọc Giang