Theo ông Quách Cao Minh, cán bộ Sở TN&MT, hầu hết hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ chưa ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường (BVMT) mà vẫn nuôi theo thói quen cũ, không xây dựng hệ thống xử lý chất thải phù hợp, thường xả trực tiếp ra bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường.
Thực trạng đối lập
Bà Trần Thị H., xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, cho biết: “Gia đình tôi nuôi hơn 10 con heo, chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải vì rất tốn kém. Tôi thường xả trực tiếp ra hồ phía sau chuồng trại hoặc con kênh sau nhà. Người chăn nuôi ở đây đều làm vậy!”.
![]() |
Môi trường tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa bảo đảm |
Ngược lại, tại các trang trại, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, việc BVMT được thực hiện tương đối tốt. Các đơn vị này đều có hồ sơ đánh giá tác động môi trường được ngành chức năng cấp phép, xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu.
Trên địa bàn huyện Thạnh Hóa có hơn 20 trang trại, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn (tổng đàn gia súc hơn 8.000 con, gia cầm trên 1,5 triệu con), tập trung nhiều ở xã Thạnh An. Các chủ trang trại chăn nuôi ở đây luôn tuân thủ pháp luật về môi trường. Việc kiểm tra, giám sát được Phòng NN&PTNT huyện phối hợp phòng, ban liên quan thực hiện thường xuyên.
Ông Phạm Văn Đấu (xã Thạnh An) có trang trại nuôi gà hơn 400.000 con, hoạt động theo quy trình khép kín, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi. Trang trại được đầu tư xây dựng đúng tiêu chuẩn, có hồ sơ đánh giá tác động môi trường và hệ thống xử lý chất thải do ngành chức năng cấp phép, bảo đảm vấn đề môi trường trong phát triển chăn nuôi.
Ông Đấu cho biết nếu môi trường không được xử lý tốt thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh, ảnh hưởng kết quả chăn nuôi. Vì thế, khi xây dựng trang trại, gia đình ông đầu tư hệ thống xử lý chất thải đúng tiêu chuẩn; tráng bê tông xung quanh chuồng trại để dễ dọn vệ sinh hàng ngày. Chất thải chăn nuôi được phân loại, xử lý, bảo đảm môi trường trong và ngoài khu vực chăn nuôi luôn sạch sẽ, không gây ô nhiễm.
Nỗ lực từ nhiều phía
Ý thức được vấn đề môi trường là yếu tố quyết định đến thành công của việc chăn nuôi, HTX Sản xuất và Dịch vụ Chăn nuôi Mỹ Lộc (xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc) thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo các thành viên áp dụng quy trình sinh học vào chăn nuôi, sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý môi trường.
![]() |
Các trang trại tận dụng chất thải chăn nuôi phục vụ sản xuất |
Ông Nguyễn Văn Khi, Giám đốc cho biết: HTX đặt ra những yêu cầu nhất định về BVMT khu vực chăn nuôi. Những hộ không hợp tác sẽ không được tham gia HTX. Hiện, HTX có 30 thành viên, với tổng đàn gà khoảng 50.000 con.
Để xử lý tốt vấn đề BVMT tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, bà Huỳnh Thị Kim Phượng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo người chăn nuôi cần chọn vị trí xây dựng chuồng trại hợp lý, bảo đảm mỹ quan, hài hòa với các công trình khác, xa nơi sinh hoạt của gia đình. Chuồng trại thông thoáng, thuận lợi cho việc chăm sóc, thu gom, xử lý chất thải,...
Bên cạnh đó, các ngành cần phối hợp các địa phương tìm giải pháp BVMT chăn nuôi cũng như chuyển đổi ngành, nghề phù hợp cho người dân, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, nhất là trong khu vực đông dân cư. Ngoài ra, người chăn nuôi cần sử dụng các chế phẩm vi sinh, áp dụng các mô hình hay vào xử lý chất thải, hạn chế ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả chăn nuôi.
Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hoàn toàn có thể áp dụng cách làm của một số trang trại khác trên địa bàn tỉnh như xử lý chất thải chăn nuôi để tận dụng vào hoạt động sản xuất, góp phần tăng lợi nhuận, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường xung quanh; sử dụng mô hình đệm sinh học trong chăn nuôi gia súc để tránh mùi hôi, ô nhiễm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thu Huyền