Được thành lập năm 2011, HTX Bàu Trúc đã nỗ lực cùng người dân bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc địa phương nhằm phát triển bền vững.
Ông Phú Hữu Minh Thuần - Giám đốc HTX Bàu Trúc, cho biết phát triển sản xuất gắn với du lịch vừa phát huy được yếu tố cộng đồng và thể hiện được giá trị văn hóa của làng nghề. Đây cũng là nền tảng để HTX tiếp thu những cái mới và vận dụng vào trong quá trình sản xuất.
Gắn nghề gốm với phát triển du lịch
Các thành viên vẫn giữ lại những mô típ trang trí, quy trình sản xuất đặc trưng của gốm Bàu Trúc, nhưng kết hợp nhuần nhuyễn với mẫu mã mới trong cộng đồng và xã hội hiện đại, tạo nên sự mới mẻ nhưng vẫn mang giá trị nghệ thuật đặc trưng của sản phẩm gốm nơi đây.
HTX phát huy vai trò của cộng đồng bằng cách khuyến khích, tạo điều kiện cho một số thành viên có thể truyền dạy nghề bằng những kỹ năng, kinh nghiệm để mang văn hóa truyền thống tới đông đảo người dân và du khách.
Được sự hỗ trợ của chính quyền, HTX đã cùng người dân cải tạo cảnh quan, làm mới các tuyến đường; tích cực bảo vệ môi trường để hút khách du lịch. HTX cũng liên kết, tuyên truyền quảng bá tới các công ty lữ hành, mở tour đến Bàu Trúc, hình thành tuyến du lịch cộng đồng.
Các trạm dừng chân, tìm hiểu về gốm Bàu Trúc kết hợp với ẩm thực làng quê cũng được xây dựng. Các biển báo, biển chỉ dẫn… đến các điểm tham quan cũng được HTX bảo đảm mang phong cách truyền thống của người Chăm.
Nhờ chú trọng đầu tư, trung bình mỗi năm, HTX Bàu Trúc đón trên 6.000 lượt khách, trong đó có tới 80% lượng du khách nội địa đến tham quan du lịch làng nghề.
Khi đến đây, du khách được tận mắt khám phá những nét độc đáo từ nghề sản xuất gốm. Với giá bán 15.000 đồng đến 5 triệu đồng/sản phẩm, bình quân mỗi năm, HTX Gốm Bàu Trúc xuất bán 38.000 - 40.000 sản phẩm các loại, doanh thu trên 300 triệu đồng/ năm. Lương bình quân thành viên đạt hơn 5 triệu đồng/tháng, chưa kể thưởng.
HTX đã tạo sự khởi sắc cho làng nghề gốm Chăm |
Sử dụng nguyên liệu hợp lí
Với cách làm du lịch kết hợp tham quan mô hình sản xuất gốm như hiện nay, HTX đã tạo sự khởi sắc cho làng nghề gốm Chăm. Hoạt động của HTX đã từng bước tìm ra lối đi riêng trong việc tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm.
Để giữ nét đẹp độc đáo, sản phẩm gốm của HTX có hai màu chủ yếu là hồng nhạt và đen. Hồng nhạt là màu nung tự nhiên của sản phẩm. Còn màu đen được HTX sử dụng dầu điều (dầu chiết xuất từ vỏ hạt điều) nên màu sắc của sản phẩm có nét hấp dẫn riêng và hạn chế được việc dùng hóa chất.
Để giải quyết vấn đề sử dụng nguồn đất nguyên liệu hợp lý, HTX đã nghiêm túc thực hiện vấn đề quản lý và tổ chức khai thác, cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho hoạt động sản xuất của các thành viên, tránh tình trạng khai thác đất sét bừa bãi, không tái tạo làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và môi trường tự nhiên.
Trước đây, đất ở địa phương rất đa dạng, phong phú có nhiều loại đất tốt, thuận lợi cho việc khai thác và đưa vào sử dụng làm gốm. Nhưng hiện nay, một số loại đất còn rất ít, chất đất còn lại bị tạp chất pha trộn. “Do đó, HTX tuyên truyền và yêu cầu các thành viên sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm trong suốt quá trình khai thác”, Giám đốc Phú Hữu Minh Thuần cho biết.
Các thành viên đều áp dụng các biện pháp thích hợp để khai thác; quá trình khai thác được thực hiện đúng địa điểm, chủng loại, khối lượng. Bên cạnh đó, HTX thực hiện các biện pháp cần thiết để không gây thiệt hại cho sản xuất, đời sống của những người sử dụng đất xung quanh, không ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Những kế hoạch khoa học của HTX không chỉ giữ nguồn đất quý báu của địa phương, mà còn kêu gọi, đánh thức tiềm năng giá trị nguồn đất để nghề gốm có cơ hội phát triển hơn nữa.
Như Yến