Đầu tư điện mặt trời bắt đầu khởi sắc
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời vào tháng 4/2017, gần đây, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đề xuất các dự án phát triển nhà máy điện năng lượng mặt trời.
Tập đoàn Hero Future Energies Asia Pte.Ltd từ Ấn Độ, với kinh nghiệm vận hành dự án điện mặt trời đến 1.000 MW, vừa làm việc với tỉnh Bình Phước để xúc tiến dự án nhà máy điện mặt trời. Hiện Bình Phước được đánh giá là một trong 20 địa phương có lượng bức xạ nhiệt và giờ nắng cao, rất phù hợp để phát triển nguồn năng lượng này.
Tại Gia Lai, UBND tỉnh vừa phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án điện mặt trời Krông Pa của Công ty cổ phần Điện Gia Lai. Với tổng vốn đầu tư 1.428 tỉ đồng, dự án sẽ sử dụng 76 héc ta đất, có công suất 49 MW, dự kiến hoàn thành vào quí 2/2019.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản gửi Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) đề nghị thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung dự án nhà máy điện mặt trời tại khu công nghiệp Châu Đức (công suất 100 MW) vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Dự án do công ty Halla E&C và tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 1.858 tỉ đồng.
Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) dự kiến sẽ rót khoảng 1 tỉ đô la Mỹ để phát triển từ 10-20 dự án điện mặt trời. Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Tân đề xuất dự án 2 tỉ đô la Mỹ ở Ninh Thuận để triển khai năm nhà máy trên khu đất 1.400 héc ta.
Không chỉ các tỉnh miền Trung và cao nguyên vốn có ưu thế phát triển nguồn năng lượng này, khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng thu hút được nhiều dự án quy mô lớn. Cụ thể, tháng 9/2017, tập đoàn SY (Hàn Quốc) đã ký Biên bản ghi nhớ với Sở Kế hoạch và Đầu tư Bạc Liêu về thỏa thuận hợp tác phát triển dự án nhà máy điện mặt trời và nuôi trồng thủy sản khoảng 450 triệu đô la Mỹ. Theo ông Hong Young Don, Chủ tịch tập đoàn SY, dự án được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 có quy mô 50 MW, giai đoạn 2 sẽ nâng tổng công suất lên gấp 6 lần.
Tại Cần Thơ, Quỹ Đầu tư Dragon Capital đang thực hiện những bước đi đầu tiên cho việc rót ít nhất khoảng 1.000 tỉ đồng vào một dự án với giai đoạn 1 có công suất 40 MW. Còn tại Long An, liên doanh BCG Băng Dương và tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) đang xúc tiến dự án công suất 100 MW, với kinh phí đầu tư gần 100 triệu đô la Mỹ. Hay tại Hậu Giang, Công ty cổ phần Năng lượng ASEAN có kế hoạch rót khoảng 1 tỉ đô la Mỹ phát triển dự án tại địa phương này...
Công Trí