Gần đây, huyện Bắc Trà My đã phê duyệt phương án hỗ trợ trồng cây phân tán trên địa bàn xã Trà Sơn. Trong đó có 35 hộ dân tham gia phương án được hỗ trợ hơn 14.200 cây quế, giống quế Trà My để trồng phân tán trên diện tích 10ha tại các thôn Long Sơn, Lâm Bình Phương, Dương Hòa, Tân Hiệp.
Hỗ trợ phát triển cây quế bản địa
Không chỉ ở Trà Sơn, với các xã khác trong huyện Bắc Trà My, việc hỗ trợ trồng, bảo tồn cây quế, giống quế Trà My ngày càng được địa phương chú trọng nhằm cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.
![]() |
Vùng trồng quế Trà My ngày càng được mở rộng nhằm tạo sinh kế cho người dân. |
Chẳng hạn ở xã Trà Ka, chính quyền địa phương đã giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo xây dựng mô hình sinh kế từ cây quế nhằm từng bước vươn lên thoát nghèo. Như ông Nguyễn Văn Ba, một hộ nghèo trong xã, đã được hỗ trợ cây quế giống để trồng trên diện tích 5 sào đất rẫy đang trồng keo xen lẫn cây sắn.
Theo chia sẻ của ông Ba: “Chỗ tôi ở xa trung tâm, xa nhà máy nên trồng keo không có lời. Qua khảo sát, xã hỗ trợ gia đình tôi cây quế giống, hướng dẫn trồng, chăm sóc; khi quế còn nhỏ có thể trồng thêm sắn vừa có nguồn thu, tạo bóng mát cho quế nhanh lớn. Nhà nước có nguồn hỗ trợ, mình có đất, sức lao động, chăm chỉ làm ăn hy vọng cuộc sống tốt hơn”.
Những năm gần đây, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo được triển khai ở Bắc Trà My đã và đang phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ phát triển cây quế bản địa. Trong đó, chuỗi liên kết cung ứng giống quế Trà My cho người dân ở một số xã được hưởng ứng tích cực.
Trong các loại cây trồng chủ lực của địa phương thì huyện Bắc Trà My luôn ưu tiên bảo tồn và phát triển cây quế Trà My. Bởi lẽ, không chỉ là sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, cây quế còn gắn liền với đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng cao của huyện. Vườn quế còn được coi như một tài sản lớn trong gia đình của đồng bào dân tộc miền núi Bắc Trà My.
Tính đến nay, huyện Bắc Trà My có diện tích trồng quế đạt khoảng 3.700 ha, sản phẩm chính là vỏ quế và tinh dầu được sử dụng nhiều trong công nghiệp y dược, chế biến thực phẩm, hương liệu. Bên cạnh tập trung ưu tiên trồng cây quế, huyện còn đẩy mạnh công tác gieo ươm cây giống đạt chất lượng, hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị cây quế, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc trưng.
HTX giúp cải thiện sinh kế
Song song đó, huyện Bắc Trà My còn xây dựng bộ quy trình phát triển cây quế theo các phương thức trồng, bảo đảm tiêu chuẩn từ xác định vùng trồng, cây giống, chăm sóc, phòng trừ dịch hại, thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm đạt tiêu chuẩn cho từng phân khúc thị trường trong nước và quốc tế.
![]() |
Sản phẩm tinh dầu quế HTX ở Bắc Trà My ngày càng được nhiều người biết đến. |
Đáng chú ý, có những HTX đang xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị cho cây quế và mang lại hiệu quả kinh tế cao, qua đó giúp cho người dân địa phương cải thiện sinh kế.
Điển hình, HTX Quế Trà My - Minh Phúc (ở xã Trà Giang) là một trong những HTX tiên phong phát triển chuỗi giá trị cho cây quế ở Bắc Trà My. HTX này đã liên kết với 2 nhóm 26 hộ ở xã Trà Giác và Trà Giáp với tổng diện tích quế hơn 56ha. HTX còn phối hợp tập huấn cho các hộ trồng và khai thác quế theo tiêu chuẩn GACP.
Sản phẩm tinh dầu quế Trà My Minh Phúc của HTX đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao, có chỉ dẫn địa lý duy nhất ở Bắc Trà My có tiềm năng tiếp tục được tăng hạng, vươn ra thị trường lớn, kể cả xuất khẩu.
Mô hình liên kết chuỗi giá trị cây quế của HTX cũng được huyện Bắc Trà My hỗ trợ nhằm tiêu thụ nguồn nguyên liệu quế tại chỗ, khôi phục và phát triển vùng nguyên liệu quế, đồng thời tạo ra sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc trưng trong những sản phẩm phục vụ đề án phát triển du lịch của huyện những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam cũng hỗ trợ cho HTX Quế Trà My - Minh Phúc quảng bá sản phẩm từ cây quế ngày càng mạnh mẽ hơn, nhờ đó giúp HTX tiếp cận được nhiều khách hàng trong và ngoài nước.
Hiện tại, tinh dầu quế của HTX này được tiêu thụ nhiều nơi trong cả nước như Khánh Hòa, Phú Yên, Tp.HCM... Trong thời gian tới, HTX tiếp tục liên kết với người dân để mở rộng vùng trồng cây nguyên liệu, đảm bảo cho nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.
Mô hình chưng cất tinh dầu quế và các sản phẩm từ cây quế của HTX được kỳ vọng khôi phục và phát triển vùng nguyên liệu quế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hoặc như HTX nông lâm nghiệp Ngọc Quế (ở xã Trà Giáp) cũng là một điển hình về liên kết chuỗi giá trị cho cây quế ở Bắc Trà My. Từ giống quế trội được ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam công nhận, những năm qua, HTX này đã ươm tạo hơn 1 triệu cây giống, cung cấp miễn phí cho 90 hộ dân trên địa bàn xã Trà Giáp trồng trên diện tích hơn 50ha.
Mang lại nguồn thu nhập ổn định
Là một người dân ở thôn 1, xã Trà Giáp, ông Hồ Viết Sinh cho biết cách đây 2 năm đã ký hợp đồng liên kết sản xuất, trồng quế với HTX Sản xuất nông - lâm nghiệp - kinh doanh - dịch vụ tổng hợp Ngọc Quế. Nhờ đó mà cuộc sống của gia đình ông dần cải thiện, không còn cảnh nghèo khó như trước đây.
![]() |
Tham gia vào mô hình liên kết chuỗi giá trị cây quế giúp đồng bào dân tộc thiểu số Bắc Trà My cải thiện sinh kế. |
Thông qua hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, HTX đã cung ứng cho ông Sinh hơn 1.800 cây quế giống loại 9 tháng tuổi để trồng và cam kết sẽ thu mua đầu ra sản phẩm nhánh, lá và vỏ quế từ 3 - 15 năm tuổi.
Theo ông Nguyễn Minh Thương, Giám đốc HTX, việc trao sinh kế cho người dân gắn với mô hình liên kết chuỗi giá trị cây quế đã và đang tạo được tính bền vững. Bởi khác với những mô hình trao sinh kế khác như giống cây ăn quả, con vật nuôi..., Nhà nước không quản lý được đầu ra sản phẩm, khó đánh giá mức hiệu quả của mô hình. Với việc hỗ trợ giống cây quế cho người dân và HTX đứng ra theo dõi, hỗ trợ chăm sóc và cam kết thu mua sản phẩm từ nhánh, lá, hạt, vỏ... sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho người dân.
Ngoài ra, có thể kể đến những HTX gắn bó với cây quế trong việc sản phẩm OCOP ở Bắc Trà My. Đơn cử như HTX Thái Hoà (ở xã Trà Tân) đã nghiên cứu và sản xuất đèn tinh dầu quế và đã được công nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hay như HTX Phát triển nông lâm nghiệp - Thương mại và dịch vụ tổng hợp Phú Quý (ở xã Trà Đông) với sản phẩm trà túi lọc khổ qua rừng hương quế được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2024. Nhờ vào tận dụng giá trị của cây quế, các sản phẩm OCOP của những HTX này ngày càng được nhiều người biết đến, đầu ra cũng thuận tiện hơn.
Trong thời gian tới, thông qua sự quan tâm, chỉ đạo của Liên minh HTX Việt Nam thì Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục có những hoạt động hỗ trợ mô hình liên kết chuỗi giá trị cho quế của các HTX ở huyện Bắc Trà My. Nhất là tạo mọi điều kiện để khuyến khích HTX chế biến, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu quế Trà My. Qua đó sẽ giúp cho cuộc sống của người dân Bắc Trà My ngày càng cải thiện, thoát khỏi cảnh khó khăn.
Thanh Loan