Ở xã Cư Kty đang có mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng keo tràm của HTX Nấm dược liệu Chư Yang Sin đang cho thấy nhiều triển vọng để nhân rộng trong thời gian tới nhằm giúp bà con địa phương tạo thêm nguồn thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Triển vọng trồng nấm linh chi dưới tán rừng
Mô hình được HTX này triển khai tại thôn 7, xã Cư Kty trên diện tích gần 1 ha (hiện đã trồng khoảng 50.000 phôi giống, mật độ 35 - 40 phôi/m2), chia ra nhiều giai đoạn trồng.
Mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng keo tràm của HTX Nấm dược liệu Chư Yang Sin có nhiều triển vọng để nhân rộng. |
Nhờ thuận lợi về đất đai, khí hậu ở địa phương, với mỗi đợt chăm sóc là 3 tháng thì HTX thu được 1,5 tấn nấm tươi. Với giá bán từ 700.000 - 800.000 đồng/kg tươi và 1,7 – 2 triệu đồng/kg nấm khô, đã mang lại nguồn thu lớn cho HTX. Sau khi thu hoạch, những phôi nấm sẽ tiếp tục phát triển và có thể cho thu hoạch thêm các đợt tiếp theo.
Với quy trình chăm sóc hoàn toàn tự nhiên, kỹ lưỡng nên HTX Chư Yang Sin đã tạo nên sản phẩm nấm linh chi có chất lượng tốt. Hiện HTX đang liên kết cung cấp phôi và sản phẩm nấm cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Núi Cờ (Gia Lai). Đồng thời, mô hình của HTX đang được tiến hành đánh giá hiệu quả, chất lượng sản phẩm để mở rộng diện tích, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, hướng đến hình thành sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Lắk.
Để xây dựng được mô hình này, cách đây hơn một năm, những thành viên của HTX đã đi đến Gia Lai học tập mô hình và mua 3.000 phôi về trồng thử dưới tán rừng keo lai thu được 80kg nấm tươi, tương đương 30 kg khô.
Sau đó, HTX Nấm dược liệu Chư Yang Sin đã phối hợp với Viện công nghệ Sinh học và Môi trường – Trường Đại học Tây Nguyên cử thành viên hợp tác xã tham gia đào tạo tại Viện, và cùng cán bộ của Viện về nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương để đưa ra phương pháp chăm sóc phù hợp nhất đối với cây nấm linh chi đỏ tại mảnh đất Krông Bông.
Bà Lê Thị Ái Phượng, Giám đốc HTX Nấm dược liệu Chư Yang Sin, cho biết so với trồng nấm linh chi đỏ trong nhà theo cách thức truyền thống thì trồng dưới tán rừng nhẹ nhàng hơn bởi nó tận dụng được tiểu khí hậu do tán rừng tạo dựng nên ít tốn công chăm sóc và chi phí khác; dược tính của nấm mang tính tự nhiên cao hơn.
Theo tính toán của HTX, việc trồng nấm dưới tán rừng sẽ gia tăng thu nhập trên cùng một diện tích, quá trình trồng phải tưới nước 2 lần/ngày, qua đó giảm nguy cơ cháy rừng, tăng thêm cơ hội để phát triển kinh tế rừng…
Tạo thu nhập ổn định cuộc sống
Như chia sẻ của bà Lê Thị Ái Phượng, thông qua HTX các thành viên mới liên kết trao đổi kinh nghiệm với nhau. Lúc đầu rất khó khăn nhưng quá trình làm thì vừa làm vừa học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau quảng bá tiêu thụ sản phẩm với mục đích cuối cùng là làm cho các thành viên an tâm sản xuất, tạo thu nhập ổn định cuộc sống.
Cùng HTX trồng nấm linh chi dưới tán cây keo tràm giúp bà con xã Cư Kty tăng thêm nguồn thu nhập, giảm nghèo bền vững. |
“Định hướng trong thời gian tới là sau khi HTX hoạt động ổn định thì sẽ triển khai mô hình rộng hơn cho bà con nông dân cùng tham gia để từ đó có nguồn thu nhập tốt hơn”, bà Phượng nói.
Theo ông Võ Tấn Trực, Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Krông Bông, qua mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng keo tràm ở xã Cư Kty thì thấy rằng thổ nhưỡng, khí hậu ở đây rất phù hợp cho cây nấm phát triển. Đặc biệt huyện Krông Bông diện tích đất rừng tràm rất lớn, là điều kiện thuận lợi để nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Ông Trực nhận định trồng nấm linh chi đỏ dưới tán cây keo tràm đã tạo được không gian tự nhiên cho cây nấm phát triển tốt, tận dụng khu vực trồng keo, trồng tràm chưa thu hoạch để tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Mô hình đang phát triển hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
“Chúng tôi kỳ vọng nhân rộng mô hình này cho bà con nhân dân trên địa bàn huyện, nhất là những vùng trồng nhiều cây keo tràm và bà con đồng bào dân tộc thiểu số để tăng thêm thu nhập cho các hộ dân ngoài việc sản xuất trồng rừng. Trong thời gian tới huyện Krông Bông sẽ mở thêm nhiều lớp tập huấn, để nông dân tiếp cận với kỹ thuật trồng nấm linh chi dưới tán rừng. Đồng thời tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm để mô hình phát triển bền vững”, ông Trực nói.
Ngoài mô hình của HTX nêu trên, trong hoạt động kinh tế hợp tác nhằm giúp cho bà con xã Cư Kty thoát nghèo bền vững cần phải kể đến HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình.
Với sự nhạy bén, linh hoạt trong sản xuất, HTX Thăng Bình đã đẩy mạnh chuỗi liên kết, tích cực chế biến chuyên sâu, tạo dựng thương hiệu gạo sạch, gia tăng giá trị nông sản cho xã Cư Kty nói riêng và huyện Krông Bông.
HTX này được đánh giá là đã thực hiện tốt vai trò “bà đỡ” cho nông dân, tập hợp nông dân để tổ chức sản xuất và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo hướng bền vững.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh mà năng suất trồng lúa của HTX Thăng Bình tăng lên gấp đôi so với trước đây. Từ đó giúp các thành viên HTX có doanh thu đạt trên 90 triệu đồng/ha/vụ, tăng hơn so với trước đây từ 20 - 30 triệu đồng/ha/vụ.
Hiệu quả của chuỗi liên kết
Ngoài ra, HTX Thăng Bình còn ký kết với các công ty cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân theo nhu cầu và kế hoạch sản xuất của từng mùa vụ, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, gia tăng giá trị sản xuất.
HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình đang tạo ra chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo bền vững cho nông dân xã Cư Kty. |
Là một thành viên của HTX, ông Phan Công Hảo ở thôn 2, xã Cư Kty, cho biết, từ khi tham gia HTX, việc sản xuất nông nghiệp của gia đình trở nên dễ dàng, đạt năng suất hơn, từ đó thu nhập tăng lên, không còn bấp bênh như trước.
Ông Võ Văn Sơn, Giám đốc HTX Thăng Bình, cho biết HTX đã từng bước mở rộng diện tích canh tác, không ngừng tìm kiếm những phương pháp sản xuất tiên tiến để áp dụng trong sản xuất. HTX đã tiến hành cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đầu tư và cải tiến nhiều phương tiện máy móc đưa vào áp dụng trên đồng ruộng, nhằm thay thế dần sức lao động thủ công, giảm chi phí sản xuất.
Hiện nay HTX này đã xây dựng được vùng nguyên liệu khoảng 1.000 ha các loại cây trồng (riêng diện tích lúa nước 800 ha) ở xã Cư Kty và các xã khác trên địa bàn huyện Krông Bông.
Thời gian qua một số doanh nghiệp nước ngoài cũng đã đến HTX tìm hiểu và thấy chất lượng gạo ở đây tốt hơn nhiều nơi khác nên đã trực tiếp ký đơn hàng gạo sạch xuất khẩu sang New Zealand.
Nhờ hoạt động hiệu quả mà HTX Thăng Bình đến nay đã thu hút được 48 thành viên chính thức và 328 thành viên liên kết với 16 lao động thường xuyên và 350 lao động thời vụ, chia thành 12 tổ đội sản xuất, chế biến và dịch vụ.
Xác định chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ giúp nông dân ở Cư Kty nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, mở lối cho nông nghiệp hiện đại, cho nên thời gian qua HTX Thăng Bình đã từng bước ứng dụng công nghệ số vào trong quản lý, sản xuất, quản trị điều hành và kết nối phát triển thị trường.
Không chỉ vậy, nhờ sớm ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nên đến nay HTX đã thiết lập 19 lô sản xuất lúa nguyên liệu tương ứng cho 19 mã lô thành phẩm của Gạo sạch Thăng Bình HTB trên vùng sản xuất VietGap.
Theo ông Hồ Văn Sơn, ngoài việc số hóa trong sản xuất, HTX cũng thường xuyên đầu tư nâng cấp, đổi mới các trang thông tin trên website, các trang mạng xã hội như fanpage, Youtube, Zalo, TikTok…nhằm nâng cao hiệu quả giới thiệu quảng bá hình ảnh hoạt động sản xuất, thông tin các sản phẩm của HTX.
Tin rằng với triển vọng từ mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng keo tràm của HTX Nấm dược liệu Chư Yang Sin và sức mạnh nội lực của HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình sẽ giúp cho người dân xã Cư Kty thoát nghèo bền vững và vươn lên có cuộc sống khấm khá.
Thanh Loan