Làng nghề tái chế chì Đông Mai - Hưng Yên |
Trước thực trạng đó, theo các chuyên gia về ATVSLĐ, việc triển khai áp dụng Mô hình quản lý ATVSLĐ tại khu vực làng nghề là rất cần thiết.
Chuyện ở một làng nghề
Làng nghề tái chế chì Đông Mai (xã Chỉ Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên) hình thành từ những năm 1970, với hoạt động chính là thu gom, phá dỡ bình ắc - quy và tái chế chì. Sau mấy chục năm làm nghề, làng Đông Mai đã bị nhiễm độc chì khá nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
Trước tình trạng đó, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp mạnh để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường và nhiễm độc chì tại làng nghề; trong đó, thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không hoạt động tái chế chì và chuyển sang nghề khác; di dời vào cụm công nghiệp làng nghề. Hiện, làng nghề còn 1 công ty và 30 cơ sở với trên 420 người lao độn (NLĐ) tham gia trực tiếp.
Theo khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (KH-LĐ&XH), các cấp chính quyền ở đây còn thiếu chuyên môn, khả năng tiếp cận thông tin về công tác ATVSLĐ còn hạn chế; công tác quản lý, thanh kiểm tra ATVSLĐ trong khu vực làng nghề còn lỏng lẻo. Tại các cơ sở sản xuất thiếu sự quan tâm hoặc quan tâm không đúng cách về công tác ATVSLĐ; không tuân thủ pháp luật lao động nói chung và công tác ATVSLĐ nói riêng.
Bà Chử Thị Lân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Điều kiện lao động (Viện KH-LĐ&XH) cho biết: Mô hình quản lý ATVSLĐ tại khu vực làng nghề Đông Mai tập trung vào các hoạt động tư vấn, huấn luyện cho chính quyền địa phương; tư vấn, huấn luyện cho cơ sở sản xuất; lồng ghép tuyên truyền, phổ biến ATVSLĐ trong các chương trình, chiến dịch chung của xã; thành lập và duy trì chuyên mục phát thanh về ATVSLĐ&MT; tổ chức chiến dịch hành động về ATVSLĐ tại khu cụm công nghiệp; đồng thời, thực hiện kiểm tra, giám sát...
Mô hình đã nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng của các thành phần tham gia và tạo ra hiệu quả rõ rệt: 100% cơ sở tham gia mô hình đã quan tâm hơn tới việc trang bị và yêu cầu NLĐ sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.
Hỗ trợ thay vì ép buộc
Theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây, tại các DN, HTX, cơ sở sản xuất trong các làng nghề, việc tổ chức sản xuất - tổ chức lao động chưa hợp lý, lao động thủ công chiếm tới 70 - 80% và có tới gần 80% các khâu trong dây chuyền công nghệ NLĐ phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, vất vả; không có hoặc thiếu bộ phận làm công tác ATVSLĐ.
Nhiều cơ sở sản xuất không trang bị, hoặc trang bị không đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ. Việc tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ sơ sài, hình thức, thậm chí nhiều nơi không tổ chức huấn luyện; không có sổ sách theo dõi, thống kê đầy đủ tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thực hiện không nghiêm túc chế độ khai báo khi xảy ra tai nạn…
Có thể nói, công tác quản lý ATVSLĐ các cấp đối với làng nghề gần như đang bị bỏ ngỏ. Rất ít các cuộc thanh kiểm tra việc tuân thủ luật pháp về lĩnh vực ATVSLĐ, kiểm tra việc sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn tại các hộ gia đình/DN/HTX. Trong khi đó, đây là khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao về mất ATLĐ.
Để đáp ứng được mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khỏe cho NLĐ cũng như cộng đồng dân cư, đồng thời tăng cường sự tham gia của các cấp chính quyền, người dân trong công tác xã hội hóa ATVSLĐ và bảo vệ môi trường, các cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần khuyến khích triển khai áp dụng Mô hình quản lý ATVSLĐ tại khu vực làng nghề.
Cần xây dựng chương trình hỗ trợ thực thi pháp luật về ATVSLĐ cho khu vực làng nghề, khu vực phi chính thức thay vì ép buộc thực hiện.
Châu Anh