Trong phiên, có thời điểm cổ phiếu FPT đã chạm đến mức 153.900 đồng/cp, cao nhất lịch sử (tính theo giá điều chỉnh).
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, thị giá FPT đã tăng khoảng 85%. Vốn hóa thị trường cũng theo đó lập kỷ lục mới 225.000 tỷ đồng (9 tỷ USD), đưa FPT trở thành doanh nghiệp tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam, giá trị chỉ sau 4 cái tên Nhà nước là Vietcombank, BIDV, ACV và Viettel Global.
Cổ phiếu FPT đánh dấu lần "vượt đỉnh" thứ 42 tại mức giá 152.500 đồng/cp. |
Trước đó, ông Trần Quốc Toàn, Giám đốc Chi nhánh 2 Hội sở Mirae Asset đã đưa ra nhận định về đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ. Chuyên gia này cho rằng nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận mức định giá cao hơn trung bình trong nhiều năm qua, dựa trên tiềm năng tăng trưởng bền vững trong tương lai.
"Các dự án chiến lược như hợp tác với Nvidia phát triển công nghệ AI, mở rộng thị trường trung tâm dữ liệu và triển khai mạng 5G đang mở ra cơ hội tăng trưởng vượt bậc cho cả nhóm Viettel và FPT, khiến dòng tiền tiếp tục đổ vào nhóm cổ phiếu này. Sự kết hợp của xu hướng toàn cầu đi cùng kết quả kinh doanh khả quan và kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ đã tạo nên cơn sóng tăng giá bền vững cho nhóm cổ phiếu họ "Viettel-FPT" trong năm qua", chuyên gia Mirae Asset nhận định.
Tháng 4 vừa qua, Nvidia và Tập đoàn FPT thỏa thuận đầu tư 200 triệu USD để thành lập nhà máy AI Factory đầu tiên. Tháng trước, hai bên mở thêm một nhà máy AI tại Nhật Bản và dự kiến có những nhà máy mới trong thời gian tới. Theo SSI Research, FPT AI Factory có thể sẽ ghi nhận doanh thu từ năm 2025, ước tính khoảng 100 triệu USD với công suất 90%.
"Trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi toàn thế giới. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác chiến lược để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây thiết yếu cho các ứng dụng AI trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Nhật Bản, theo sáng kiến toàn cầu của Nvidia", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT nói.
Sau 11 tháng đầu năm 2024, FPT ước doanh thu đạt 56.404 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 10.239 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,5% và 19,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng 21,1% lên 7.302 tỷ đồng, tương ứng EPS ở mức 4.995 đồng/cp.
Trong đó, mảng CNTT nước ngoài cũng chính là động lực giúp FPT duy trì tăng trưởng lợi nhuận đều đặn qua các quỹ. Sau 11 tháng năm 2024, doanh thu CNTT nước ngoài của FPT đã vượt mốc 1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2024, FPT lên kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu 61.850 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023. Với kết quả đạt được sau 11 tháng đầu năm, tập đoàn đã thực hiện 91% kế hoạch doanh thu và 94% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Bên cạnh kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định, FPT còn duy trì truyền thống trả cổ tức đều đặn. Mới nhất vào ngày 13/12, FPT đã chi 1.500 tỷ để tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2024 với tỷ lệ 10% bằng tiền. Danh sách cổ đông được chốt ngày 3/12 trước đó. Đây là đợt cổ tức thứ 2 mà cổ đông FPT được nhận trong năm 2024.
Trước đó, vào giữa tháng 6, FPT đã chi trả nốt cổ tức còn lại của năm 2023 với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt. Ngoài ra, tập đoàn công nghệ số 1 Việt Nam còn thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 15% (cổ đông nắm 20 cổ phiếu được nhận thêm 3 cổ phiếu mới).
Châu Anh