Theo thống kê, toàn huyện Tây Hòa hiện có gần 20 HTX, doanh thu bình quân đạt 6 tỷ đồng/ HTX, lợi nhuận sau thuế trên 180 triệu đồng. Các HTX đang thu hút hàng nghìn thành viên, hộ liên kết, tạo việc làm ổn định cho khoảng 600 lao động, thu nhập trung bình đạt 30 - 45 triệu đồng/người/năm.
Đa dạng lĩnh vực
Ông Mai Ne - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, cho biết: “Sự ổn định của các HTX trên địa bàn huyện đến từ sự chủ động trong liên kết, mở rộng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh (SX-KD), chú trọng khoa học - kỹ thuật (KH-KT), an toàn lao động (ATLĐ), giúp các đơn vị phát huy nội lực, cụ thể hóa những tiềm năng, thế mạnh tại địa phương”.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, các HTX nông nghiệp đang là “điểm sáng” lớn nhất trong khu vực kinh tế hợp tác huyện Tây Hòa. Điển hình có thể kể đến HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Phong, hiện có 9 dịch vụ SX-KD, tổng doanh thu đạt trên 17 tỷ đồng/năm.
Trong hàng loạt dịch vụ đang vận hành, hoạt động tín dụng nội bộ đang là lĩnh vực chủ lực của HTX với lợi nhuận bình quân 400 - 500 triệu đồng/năm. Các hoạt động thủy lợi, kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản xuất lúa giống, thu gom rác thải… cũng đang mang lại nguồn lợi ổn định cho HTX.
Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, HTX Tân Hòa Bình đang có doanh thu bình quân đạt 6 - 7 tỷ đồng/năm. Nhờ sản xuất hiện đại, chất lượng vượt trội, sản phẩm của HTX đang có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước và xuất khẩu thành công sang nhiều nước châu Âu, mang lại giá trị cao.
Giám đốc HTX - ông Lương Tấn Thái, chia sẻ: “HTX đang tạo việc làm cho khoảng 80 lao động thường xuyên và hàng trăm lao động thời vụ. Để mang lại những giá trị bền vững, bên cạnh lợi ích về kinh tế, HTX luôn chú trọng nâng cao ATLĐ cho người lao động, xử lý triệt để nguồn chất thải để bảo vệ môi trường”.
Tương tự, HTX Nông nghiệp Hòa Mỹ Tây cũng đang gặt hái nhiều thành công với 8 loại dịch vụ, điển hình như thủy lợi nội đồng, buôn bán vật tư, cấp nước sinh hoạt, xăng dầu... Để hỗ trợ người dân, HTX đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.
Đặc biệt, HTX duy trì hoạt động của câu lạc bộ khuyến nông giúp thành viên, hộ liên kết trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kỹ thuật mới, nắm bắt các quy định về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm… Kết quả, năng suất lúa bình quân của thành viên HTX đạt 7,6 tấn/ha, thị trường tiêu thụ rộng mở.
Nhờ sản xuất an toàn, các HTX tại Tây Hòa đang bứt lên |
Đẩy mạnh hỗ trợ
Ông Nguyễn Văn Thơ - thành viên HTX Hòa Mỹ Tây, chia sẻ: “Vào HTX, tôi được tiếp cận với hàng loạt phương pháp sản xuất an toàn, khoa học như phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, sạ hàng, sạ thưa, cách sản xuất giống lúa chất lượng cao. Sau khi thu hoạch, sản phẩm được bao tiêu với giá cao”.
Thực tế, vai trò của khu vực kinh tế hợp tác, HTX đã được huyện Tây Hòa nhận thức rõ ràng với hàng loạt chính sách hỗ trợ thiết thực trong những năm qua. Trong năm 2019, đã có 8 HTX nông nghiệp được hỗ trợ hơn 1,65 tỷ đồng vốn đầu tư hạ tầng, 11 HTX nhận 768 triệu đồng từ chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, 1 HTX nhận 110 triệu đồng…
Các địa phương trong huyện cũng đầu tư hơn 100 triệu đồng hỗ trợ đội ngũ cán bộ, thành viên HTX đi tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, quản lý, kế toán, xây dựng chuỗi sản phẩm, kiến thức về sản xuất an toàn, ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.
“Phát triển HTX là một trong những chính sách được huyện chú trọng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Các HTX, Tổ hợp tác có vai trò kết nối, dẫn dắt nông dân phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, an toàn, bảo đảm giá trị bền vững”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa - ông Mai Ne, nhấn mạnh.
Bên cạnh hoàn thiện sản xuất, vấn đề kết nối thị trường, nâng tầm thương hiệu cho các sản phẩm cũng được các địa phương và HTX trên địa bàn huyện Tây Hòa quan tâm. Hiện, 2/3 số HTX trên địa bàn huyện đang có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm và có liên kết, hợp đồng với doanh nghiệp, qua đó, tạo nền tảng vững chắc cho thành viên, hộ liên kết phát triển.
Hưng Nguyên