Luật HTX 2012 trong khoản 13 Điều 21 giao Chính phủ quy định tỷ lệ cung ứng sản phẩm dịch vụ ra ngoài thành viên HTX. Khoản 2 Điều 5 Nghị định 193 quy định cứng tỷ lệ này không vượt quá 32% đối với HTX nông nghiệp và không quá 50% đối với HTX phi nông nghiệp.
Quy định có lợi hay bất lợi?
Là đầu mối chủ trì xây dựng Luật HTX 2012 và chủ đạo quản lý nhà nước về HTX, Bộ KH&ĐT mới đây phân tích, quy định tỷ lệ “cứng” trên đây là kinh nghiệm đã được nhiều nước phát triển mạnh HTX như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp... đã thực hiện thành công, qua đó huy động sự đóng góp của thành viên đối với sự tồn tại và phát triển của HTX.
Theo Bộ KH&ĐT, các HTX nông nghiệp, GTVT, quỹ TDND đã thực hiện khá tốt tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo quy định này. Các địa phương báo cáo doanh thu bình quân HTX với thành viên chiếm 64% tổng doanh thu HTX và tăng dần qua các năm. Từ năm 2013 đến nay, HTX thực hiện nghiêm túc việc phục vụ thành viên và tạo điều kiện tối đa thành viên sử dụng dịch vụ của HTX.
Như vậy, có thể thấy quy định về tỷ lệ dịch vụ cung cấp cho thành viên đang phù hợp với xu hướng phát triển HTX hiện nay, hướng các HTX hoạt động đúng bản chất phục vụ thành viên, đồng thời giúp HTX từng bước củng cố, mở rộng quy mô hoạt động.
Bộ KH&ĐT cho rằng, tới đây cần có một lộ trình hợp lý thực hiện quy định này. Hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên đối với HTX nông nghiệp còn nhiều hạn chế.
Nguyên do là HTX chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm, chất lượng sản phẩm của thành viên không ổn định, hoặc chưa tuân thủ quy trình, gây khó khăn tiêu thụ.
HTX cần tự quyết định tỷ lệ cung ứng sản phẩm dịch vụ ra ngoài thành viên
Mặt khác, liên kết giữa HTX với doanh nghiệp chỉ mới khởi sắc, còn ở mức thấp và thiếu bền vững… Do đó, Bộ KH&ĐT đã đề xuất Chính phủ sửa đổi tỷ lệ cung ứng sản phẩm ra ngoài HTX lên không quá 50% tổng giá trị cung ứng sản phẩm HTX.
Qua tổng hợp gần 5 năm thực hiện Luật HTX 2012, chính Bộ KH&ĐT cũng thừa nhận một số địa phương cho rằng việc quy định tỷ lệ cung ứng sản phẩm ra ngoài HTX gây khó khăn cho hoạt động HTX, trái với quy định tại khoản 3 Điều 5 của Luật HTX 2012 là “Bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và không can thiệp vào hoạt động của HTX”.
Kiến nghị của Liên minh HTX
Liên minh HTX Việt Nam khẳng định tỷ lệ cung ứng sản phẩm dịch vụ ra ngoài thành viên HTX theo quy định của Luật HTX 2012 và Nghị định số 193 là một trong những quy định gây khó khăn và cản trở hoạt động của HTX.
Thực tế, trong hệ thống Liên minh HTX đã có ý kiến cho rằng HTX ở một số nước phát triển được coi là doanh nghiệp do có quá trình hoạt động hàng trăm năm, còn ở Việt Nam mới xây dựng HTX nên không thể coi HTX là doanh nghiệp.
Trên thực tế, ngay từ đầu, các HTX ở các nước đó đã được coi là một loại hình doanh nghiệp của những người nghèo, yếu thế, nhằm đem lại lợi ích kinh tế, giúp cạnh tranh tốt hơn, qua đó cải thiện hoạt động kinh tế của thành viên một cách hiệu quả và bền vững. Cần lưu ý thêm, một đặc thù của HTX là mang tính đối nhân, không phải đối vốn như các loại hình doanh nghiệp khác.
Như vậy, việc sửa Luật HTX 2012 phải phù hợp với thực tiễn. HTX là tổ chức kinh tế nên phải hoạt động theo cơ chế thị trường. HTX phải vừa phục vụ tốt thành viên, vừa phải hoạt động có hiệu quả để HTX có tích lũy, từ đó mang lại niềm tin cho các thành viên khi tham gia HTX. Việc sửa đổi Luật HTX 2012 phải bảo đảm tạo điều kiện HTX hoạt động trên nguyên tắc tự chủ, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.
Theo đó, Liên minh HTX Việt Nam kiến nghị sửa khoản 13 Điều 21 Luật HTX 2012, không giao Chính phủ quy định tỷ lệ cung ứng sản phẩm dịch vụ ra ngoài HTX. Như thế, đương nhiên cần bỏ khoản 2 Điều 5 trong Nghị định số 193.
Việc quy định tỷ lệ này để HTX sẽ tự quyết định trong điều lệ, hoặc nếu có giao thì giao thẩm quyền, trách nhiệm quy định tỷ lệ này cho Hội đồng quản trị HTX trình Đại hội thành viên HTX ra nghị quyết và ghi vào điều lệ HTX.
Lưu Đoàn