Khi bắt đầu thực hiện hoạt động HTX theo Luật HTX 2012, các thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Thị gặp không ít khó khăn.
Giải quyết khó khăn
Năm 2016, HTX Phước Thị thực hiện việc giải thể HTX cũ và tổ chức đại hội thành lập HTX hoạt động theo Luật HTX 2012 với tên gọi mới HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Thị với 140 thành viên tham gia.
Người dân xã Gio Mỹ gặt lúa trên cánh đồng lớn (Ảnh: Tư liệu) |
Lúc đầu, HTX gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc tồn đọng công nợ trong thành viên HTX. Tính đến thời điểm giải thể HTX cũ thành lập HTX mới, số công nợ ở HTX Phước Thị lên đến 45 tấn thóc, tương đương với giá lúc đó là 275 triệu đồng. Điều đặt ra trước hết cho HĐQT HTX Phước Thị là thu hồi công nợ. Theo đó, HĐQT đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn các giải pháp, sau đó tiến hành họp riêng với các thành viên có nợ để trao đổi, bàn phương pháp trả nợ.
Bên cạnh đó, HTX tiếp tục tổ chức một cuộc họp với các thành viên không có nợ để thuyết phục, vận động họ thông cảm và chia sẻ những khó khăn trước mắt của các thành viên có nợ trong HTX.
Ngay sau khi bàn các giải pháp, HĐQT cùng các thành viên đã tổ chức hội nghị thành viên thống nhất cho các thành viên có nợ trả nợ trong 4 năm, kể từ năm 2016. Thành viên nào trả xong năm đầu tiên sẽ được giảm 25% và giảm 10% trong những năm tiếp theo. Bằng phương pháp vận động khéo léo, bền bỉ, mọi lúc, mọi nơi, nên đến nay HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Thị đã cơ bản hoàn thành việc thu hồi nợ đọng trong thành viên HTX vốn đã kéo dài hàng chục năm qua.
Một khó khăn nữa đó là các thành viên HTX chưa được tuyên truyền Luật HTX 2012 một cách đầy đủ nên chưa thực sự hiểu sâu về Luật. Hơn nữa, HTX trước đây chưa mang lại lòng tin đối với xã viên do đó khi tham gia vào hoạt động HTX theo Luật HTX 2012, nhiều thành viên HTX vẫn còn do dự trong việc đóng cổ phần cho hoạt động của HTX.
Để tạo niềm tin trong thành viên HTX, đòi hỏi HĐQT phải tích cực tìm các giải pháp hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực. Với chức năng làm dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp bao gồm dịch vụ bắt buộc và dịch vụ không bắt buộc, do đặc thù là HTX chủ yếu sản xuất độc canh cây lúa nên việc lựa chọn giống, phương thức sản xuất được HTX lựa chọn ngay khi bước vào hoạt động theo Luật HTX 2012.
Vụ đông xuân 2016- 2017, HTX đã mạnh dạn lựa chọn, quy hoạch để xây dựng mô hình sản xuất 20 ha lúa vô cơ. Ban đầu, HTX lựa chọn một số hộ thực hiện thử nghiệm trên diện tích 20 ha theo mô hình sản xuất, canh tác thông minh thích ứng với biển đổi khí hậu (CSA). Ngay vụ đầu tiên, các hộ sản xuất theo mô hình mới đều mang lại năng suất cao, bà con bắt đầu tin tưởng với cách sản xuất mới.
Ông Nguyễn Giang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Thị cho biết: “Sau đại hội chuyển đổi HTX, bằng sự cố gắng của bản thân cũng như toàn thể HĐQT, chúng tôi đã hợp đồng được mô hình CSA. Ngay từ vụ đầu thực hiện đúng quy trình, quy chuẩn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cùng với sự hưởng ứng của các thành viên nên đã đưa lại năng suất cao".
Những kết quả đạt được
Sản phẩm từ lúa hữu cơ trên vùng đất cằn Gio Linh (Ảnh: Tư liệu) |
Sau khi vận động chuyển đổi phương thức sản xuất. Đến nay, HTX Phước Thị đã chuyển sang mô hình sản xuất lúa vô cơ và hữu cơ cánh đồng mẫu lớn với diện tích 120 ha trên tổng số 145 ha toàn HTX.
Từ khi canh tác theo mô hình mới, năng suất lúa của HTX đạt 62 tạ/ha, tăng hơn 10 tạ/ha so với trước. HTX đã ký kết với Công ty Đại Nam, nhà máy sản xuất phân bón Ong Biển bao tiêu thu mua sản phẩm với lợi nhuận tăng 1.200.000 đồng/sào.
Bên cạnh việc tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng cây trồng, HTX còn vận động mở rộng các tuyến đường giao thông nội đồng, mạnh dạn đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp.
HTX đã phối hợp với các hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền với nhiều hình thức như tổ chức hội họp,vận động theo từng nhóm, tuyên truyền thông qua những người có uy tín trong HTX gương mẫu đi đầu thực hiện làm gương cho bà con.
Đến nay, thành viên HTX đã hiến hơn 3 ha diện tích ruộng để mở rộng các trục đường ngang dọc nội đồng. So với trước đây, các tuyến đường đều được mở rộng gấp đôi tạo điều kiện thuận lợi cho cơ giới hoạt động trên đồng ruộng.
Ông Nguyễn Giang cho hay: “Ban đầu HTX chỉ có 5 máy làm đất, đến nay đã có 80 máy làm đất, 46 máy bơm nước, 100% hộ thành viên sản xuất lúa đều có công cụ sạ hàng cây lúa”.
Hiện có 100 hộ gia đình tham gia thành viên HTX, kể cả những hộ neo đơn và có tuổi đời khá cao.
Ông Nguyễn Giang chia sẻ kinh nghiệm: “Bài học rút ra trong công tác vận động xây dựng HTX đó là đội ngũ cán bộ phải hết sức gương mẫu để làm gương cho người dân và có tinh thần đoàn kết để người dân hưởng ứng noi theo. Trước khi quyết định một việc gì quan trọng cũng phải bàn bạc với nhân dân để tạo sự đồng thuận. Làm kinh tế phải lựa chọn mô hình thích hợp, có hiệu quả để bà con tin tưởng, đó chính là thước đo để nhân rộng mô hình”.
Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động theo Luật HTX 2012, đến nay HTX không còn nợ đọng, tổng doanh thu đạt 1,4 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2015.
Từ những kết quả đạt được trong sản xuất, kinh doanh, trong vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi hoạt động theo phương thức mới, năm vừa qua, HTX Phước Thị đã được UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Nhật Nam