Công bằng xã hội là một mối quan hệ công bằng và chính đáng giữa cá nhân và xã hội, được đo lường bằng các điều khoản rõ ràng để phân phối của cải, cơ hội bình đẳng cho hoạt động cá nhân và đặc quyền xã hội.
Công bằng xã hội tồn tại mạnh mẽ trong HTX
Ở Việt Nam, phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX đang góp phần thực hiện mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã xác định trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội, đó là xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong đó, yếu tố công bằng luôn được các HTX đề cao. Cụ thể là mọi thành viên trong HTX đối xử với nhau một cách bình đẳng, không có sự phân biệt giai cấp, giới tính, địa vị, tôn giáo, giàu nghèo... Ở đó, tiếng nói của mọi người đều được lắng nghe, tôn trọng, miễn là tiếng nói đó mang lại lợi ích cho số đông thành viên trong HTX.
Bởi nếu một cá nhân dù quyền lực đến đâu, nhưng nếu chỉ tập trung vào lợi ích của nhóm nhỏ thì cũng sẽ không được số đông thành viên ủng hộ, không chi phối được hoạt động của HTX. Sự công bằng về lợi ích được bảo đảm bởi quyết định của đa số thành viên. Lợi ích của cá nhân hòa vào lợi ích của HTX, lợi ích của HTX hòa vào lợi ích quốc gia, khi đó HTX lại góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tại HTX dịch vụ làng nghề thủy sản Minh Hải (Nam Định), yếu tố công bằng xã hội thể hiện rõ khi HTX được thành lập trên tinh thần tự nguyện, từ nhu cầu thực tiễn của các hộ ngư dân theo Luật HTX. Chính vì vậy, từ 65 thành viên sáng lập, đến nay, HTX đã có 102 thành viên với số vốn hoạt động trên 17 tỷ đồng.
Trải qua quá trình hoạt động, các thành viên HTX hiểu rằng HTX chính là tổ chức kinh tế tự giác, tự quản, bình đẳng, dân chủ, cùng giúp đỡ nhau làm ăn để tăng thu nhập, cải thiện mọi mặt đời sống của thành viên và cả cộng đồng tại địa phương. Cụ thể là HTX Minh Hải và các HTX khác đang góp phần không nhỏ giúp huyện Hải Hậu trở thành địa phương đầu tiên của cả nước về đích huyện nông thôn mới cùng với tỉnh Nam Định là một trong hai tỉnh về đích nông thôn mới đầu tiên của các nước vào năm 2019.
“HTX chúng tôi chính là nơi để đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu văn hóa, kinh tế xã hội của thành viên và cộng đồng theo nguyên tắc tương trợ mà các tổ chức kinh tế khác khó thực hiện được”, ông Nguyễn Trường Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, cho biết.
Để yếu tố công bằng xã hội đi vào thực tiễn của các HTX thành công như hiện nay, một trong những nền tảng quan trọng đó chính là hệ thống chính sách pháp luật. Trong đó có hệ thống Luật HTX. Ngay như thay đổi từ việc chuyển từ xã viên sang thành viên, từ chủ nhiệm sang giám đốc HTX, ban chủ nhiệm HTX thành Hội đồng quản trị HTX đã tạo ra tính tập thể, công bằng cho các thành viên trong HTX, hướng đến thể hiện đầy đủ bản chất của mô hình KTTT.
Đặc biệt, Luật HTX năm 2023 cũng đã có nhiều thay đổi, thể hiện rõ tính công bằng xã hội trong mô hình HTX. Bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam, cho biết các HTX đang đóng góp phần không nhỏ vào phần tăng trưởng kinh tế xã hội của Việt Nam. Để làm được điều đó, HTX cần một môi trường thuận lợi cả ở bên trong và bên ngoài. Một số yếu tố thuận lợi đã xuất hiện, cụ thể là Luật HTX 2023 đã được thông qua và có hiệu lực vào 1/7/2024.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam cho rằng Luật HTX năm 2023 đã mở ra những điều kiện thuận lợi để phát triển công bằng xã hội trong khu vực KTTT, HTX. |
Đây là môi trường thuận lợi với khung pháp lý mới, mở rộng khuôn khổ pháp lý về bảo hiểm xã hội, vấn đề tổ chức lại, tái cơ cấu HTX… cũng được quy định một cách đơn giản các thủ tục hành chính. Luật HTX 2023 cũng có các cơ chế nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực KTTT, HTX nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho HTX. Từ đây, HTX không chỉ sản xuất, cung cấp nông sản, hàng hóa trong nước mà còn có nhiều điều kiện xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới.
Có thể thấy, công bằng xã hội trong khu vực KTTT, HTX tưởng chừng là một yếu tố trừu tượng, khó hiểu, thậm chí có khi bị nhầm lẫn giữa công bằng và bình đẳng. Nhưng theo bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Trưởng Phòng Chính sách và Kinh tế hợp tác quốc tế, Cục Kinh tế hợp tác (Bộ KH&ĐT) có thể hiểu đơn giản rằng bình đẳng là cho mọi người một chiếc giày còn công bằng chính là cho mọi người chiếc giày vừa chân. Chính vì có một chiếc giày vừa chân nên mỗi thành viên trong HTX vừa là người lao động, vừa có thể là chủ của mô hình HTX khi vừa có quyền trong tham gia, đóng góp các ý kiến cũng như quản lý tài chính của HTX.
Công bằng từ những HTX có thành viên bị “thiệt thòi”
Hiện nay, nhiều HTX đang thể hiện quyền năng công bằng khi luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, các bạn trẻ, người dân tộc thiểu số, phụ nữ tham gia mô hình kinh tế tập thể, giúp họ trở thành người làm chủ kinh tế gia đình, đóng vai trò quan trọng trong xã hội.
Tuy nhiên, nhìn chung, khu vực KTTT, HTX vẫn đang gặp những khó khăn nhất định trong phát huy tính công bằng xã hội. Đặc biệt, các HTX có phụ nữ quản lý, tham gia vẫn có quy mô nhỏ nên việc tiêu thụ sẽ gặp khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, các HTX đông phụ nữ đang có những bất lợi nhất định trong ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư khoa học công nghệ. Các lao động nữ trong HTX được đào tạo vẫn còn hạn chế.
Bà Hà Thị Ngọc Điệp, HTX thịt chua Thanh Sơn (Phú Thọ), cho biết HTX đang nằm trên địa bàn miền núi nên thành viên phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số. Đi liền với đó, 90% thành viên là phụ nữ nên việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin còn khó khăn. “Nếu có các dự án, chính sách hỗ trợ HTX tiếp cận công nghệ thông tin hiệu quả thì HTX sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mô hình kinh tế tập thể trong phát triển gắn với công bằng xã hội như tạo việc làm, hỗ trợ thành viên giảm nghèo, bình đẳng giới…”, giám đốc HTX Thanh Sơn cho biết.
Để phát triển công bằng xã hội trong khu vực KTTT, HTX, bà Lê Thị Xuân Quỳnh cho rằng một trong những vai trò quan trọng của KTTT là cùng nhau hợp tác để mang lại lợi thế cho thành viên, trong đó có những thành viên phải chịu những bất lợi thiệt thòi hơn so với những thành viên khác. Chính vì vậy, cần có những chính sách làm sao tạo điều kiện cho những cá nhân, thành viên bất lợi đó.
Hiện, Luật và các quy định về Luật HTX 2023 cũng đang hướng đến những nhóm chính sách tạo điều kiện cho những thành viên chịu thiệt thòi, bất lợi khi tham gia HTX. Cụ thể là Luật HTX 2023 đã có 8 nhóm chính sách cho KTTT, HTX và một chương riêng cho HTX nông nghiệp. Luật HTX 2023 cũng đưa ra các nguyên tắc để đảm bảo khu vực KTTT, HTX hoạt động công bằng, bình đẳng với các khu vực khác. Ngoài ra, Luật HTX 2023 đã có những chính sách ưu tiên đối với các HTX vùng sâu vùng xa, HTX có đông phụ nữ, HTX có người điều hành quản lý là phụ nữ, HTX thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, HTX phát triển theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững…
Để phát triển công bằng xã hội trong khu vực KTTT, HTX, bà Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, cho rằng cần thúc đẩy phát triển HTX theo mô hình HTX “kiểu mới”, hiện đại, hay nói cách khác là phát triển những HTX thời 4.0. Đây có thể là những HTX phát triển từ nền tảng HTX kiểu cũ. Bởi có những mô hình, nền tảng đang hoạt động như tảng Uber, Grab… nhưng những mô hình này chỉ chú trọng đến tính lợi nhuận cao hơn. Còn những HTX và cả những HTX 4.0 thì thành viên đều có quyền bình đẳng, vận hành minh bạch, đề cao lợi ích của thành viên, từ đó phát huy được tính công bằng xã hội.
Huyền Trang