Một trong những khó khăn của các HTX hiện nay chính là vấn đề tiếp cận vốn vay. |
Trong những năm qua, kinh tế tập thể (KTTT), HTX tuy có bước phát triển cả số lượng và chất lượng nhưng một trong những vẫn đề được quan tâm hiện nay đó là tỷ lệ lớn hộ cá thể ở địa bàn nông thôn vẫn chưa tham gia HTX, tổ hợp tác; một bộ phận lớn HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên còn thấp, chưa có uy tín và thương hiệu trên thị trường, năng lực quản trị của HTX còn yếu.
Đặc biệt, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các HTX còn khó khăn do chủ yếu chưa đáp ứng các yêu cầu tối thiểu, các điều kiện vay vốn, vì thế vốn cho sản xuất kinh doanh còn hạn chế.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết một trong những khó khăn của HTX hiện nay chính là vấn đề vốn. Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, 10% HTX được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Số liệu khảo sát trên 300 HTX thì đến 80% HTX phải vay ở thị trường phi chính sách và hệ thống tín dụng đen với lãi suất cao, thời gian ngắn, chủ yếu phục vụ cho đáo nợ, chờ vốn tín dụng.
Từ thực tiễn này cho thấy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực KTTT, HTX vốn tín dụng được xem là yếu tố quyết định phát triển cho HTX. Vì vậy, cần hoàn thiện hệ thống chính sách cũng như tìm ra giải pháp tháo gỡ về nguồn vốn cho HTX.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, ngay như các tổ hợp tác (THT) rất khó tiếp cận các nguồn vốn. Hiện các mô hình này chỉ vay được từ nguồn hỗ trợ từ Hội Nông dân, Hội Phụ nữ nhưng những nguồn này vẫn chưa đủ để giúp các THT mở rộng và phát triển.
“Cần phải có nhiều giải pháp hỗ trợ từ nhiều phía đối với HTX kể cả cơ chế, chính sách hỗ trợ, các quy định hướng dẫn để thực hiện Luật HTX có hiệu lực từ 1/7/2024, các nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước như Quỹ phát triển HTX, các chính sách về công nghệ, phát triển thị trường trong, ngoài nước để khu vực KTTT, HTX phát triển hiệu quả, đúng bản chất“, người đứng đầu Liên minh HTX Việt Nam cho biết.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để hỗ trợ HTX phát triển, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ. Bên cạnh đó, NHCSXH cũng đang triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước trong đó HTX, Liên hiệp hợp tác xã được vay ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030.
Tuy nhiên, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với HTX, Liên hiệp HTX đạt 6.024 tỷ đồng, giảm 1,69% so với cuối năm 2023 cho khoảng 1.200 HTX, Liên hiệp HTX. Trong đó tín dụng đối với HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 2.000 tỷ đồng; cho vay không có tài sản đảm bảo đối với HTX, Liên hiệp HTX trong nông nghiệp đạt 153 tỷ đồng; cho vay liên kết trong nông nghiệp đạt 10.012 tỷ đồng, tăng 3,76% so với 31/12/2023. Các HTX không phát sinh dư nợ vay theo mô hình liên kết.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết ngân hàng có vai trò bà đỡ đối với khu vực KTTT, HTX. Vì KTTT, HTX hiện có hơn 30.000 HTX trải dài khắp cả nước.
Hiện, chủ trương phát triển KTTT, HTX đã rất rõ ràng, nhất là Luật HTX năm 2023 sắp đi vào thực tiễn. Chính vì vậy, cần tìm hiểu rõ những cơ chế chính sách cho HTX phát triển, đặc biệt là vấn đề vốn đã đầy đủ chưa? Muốn vậy, phải đánh giá được thực trạng của các HTX; phải tìm ra khó khăn của HTX trong vay vốn và mối quan hệ giữa các HTX với các tổ chức tín dụng. Khi tìm ra khó khăn của các HTX sẽ có hướng tháo gỡ phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho các HTX tiếp cận nguồn vốn.
Huyền Trang