Củ cải Hà Giang được xuất khẩu là nhờ một phần đóng góp không nhỏ của chàng trai trẻ Bùi Văn Phong, sáng lập viên HTX sản xuất nông nghiệp Xín Mần (Hà Giang). Anh cùng 6 thành viên khác hỗ trợ người dân sản xuất củ cải, đứng ra bao tiêu cho người dân và đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ vào chế biến. Củ cải được muối và sấy khô không chỉ giúp nâng cao giá trị gia tăng mà còn giải quyết bài toán được mùa mất giá mỗi khi vào vụ thu hoạch.
Làm nông không còn lam lũ và lạc hậu
Anh Bùi Văn Phong cho biết, gần cuối tháng 2 vừa qua, 2 container 36 tấn củ cải muối đảm bảo kỹ thuật của HTX đã được doanh nghiệp liên kết xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản theo đường chính ngạch. Trước đó, HTX cũng đã xuất khẩu củ cải muối thành công vào Nhật Bản. Đây chính là hiệu quả của việc liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ giúp thanh niên, người dân có việc làm và thu nhập ổn định.
Theo các chuyên gia, những năm gần đây và tiếp theo, nông nghiệp đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao sẽ là một trong những ngành nghề được quan tâm và phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu bởi quá trình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong những năm qua cho thấy hàm lượng khoa học công nghệ có vai trò quan trọng. Nếu như năm 2017, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 36,5 tỷ USD thì đến năm 2023 đã là 53,01 tỷ USD. Trong tương lai, ngành nông nghiệp vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, nhất là khi xu hướng sản xuất bền vững, tuần hoàn đang được quan tâm.
Đặc biệt, giá trị kinh tế từ nông nghiệp công nghệ cao là một trong những điểm cộng giúp nhiều người quan tâm và theo đuổi. Theo ngành nông nghiệp, trồng rau công nghệ cao cho lợi nhuận khoảng 800 triệu đồng/năm/ha, trồng hoa lan công nghệ cao cho lợi nhuận khoảng 126 triệu đồng/1.000m2/5 năm, nuôi tôm công nghệ cao cho lợi nhuận khoảng 1.100 triệu đồng/ha/năm... Trong khi trồng lúa, rau theo kiểu truyền thống chỉ có giá trị khoảng 100 triệu đồng/ha/năm.
Để phát triển HTX, tổ hợp tác thanh niên cần tạo điều kiện cho những đơn vị này tiếp cận vốn, khoa học công nghệ... |
Chính vì vậy, việc thanh niên, người có tri thức những năm gần đây lựa chọn khởi nghiệp, tham gia phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, phát triển các HTX được cho là đang thích ứng với nhu cầu phát triển của thị trường.
Bên cạnh những thanh niên, trí thức tìm được hướng đi từ nông nghiệp, thì không ít bạn trẻ thường nghĩ rằng học ngành nông nghiệp thì tương lai sẽ làm người nông dân lam lũ và lạc hậu.
Anh Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước (Bù Gia Mập, Bình Phước) cho rằng những quan điểm như vậy là hoàn toàn chưa đúng đắn bởi trong những năm gần đây và những năm tiếp theo, nông nghiệp đang được đầu tư phát triển theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Sản xuất nông nghiệp sẽ đi liền với tự động hóa, cơ giới hóa, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học ở các khâu giúp nâng cao có hiệu quả kinh tế/đơn vị sản xuất. Chính vì vậy, người tham gia sản xuất nông nghiệp chưa hẳn đã phải “chân lấm tay bùn”.
Ông Bùi Quang Tuấn, Giám đốc HTX nông nghiệp Cây Trôm (Long An) cho biết ngay như khi tham gia đề án 1 triệu ha lúa giảm phát thải ở Đồng bằng sông Cửu Long, người dân trồng lúa cũng đã ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa ở các khâu trong quy trình sản xuất nên không còn vất vả như xưa.
Mở đường cho HTX thanh niên tiến lên
Tuy nhiên, một vấn đề hiện nay là lực lượng thanh niên tham gia vào sản xuất nông nghiệp, cụ thể là mô hình HTX, tổ hợp tác (THT) vẫn chưa thực sự nhiều. Ông Cảnh Chí Quân, Phó Trưởng Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn, cho rằng thanh niên tham gia HTX yếu so với lực lượng phụ nữ, nông dân vì thanh niên tuổi đời nhỏ, cần có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về mô hình HTX. Nhiều bạn trẻ hiện nay chưa hiểu đúng và đủ về mô hình HTX nên chưa lựa chọn mô hình này để tham gia, khởi nghiệp.
Để phát triển HTX thanh niên trên toàn quốc, Trung ương Đoàn có chính sách, chủ trương phát triển HTX thanh niên nông thôn hàng năm với những mục tiêu cụ thể. Điều này là động lực để các cấp ngành từ trung ương đến địa phương có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các HTX, THT thanh niên.
Ông Cảnh Chí Quân cho rằng HTX, THT thanh niên tuy được coi là có thế mạnh về ứng dụng khoa học công nghệ, nhưng thực chất, nhiều thanh niên, nhiều thành viên HTX thanh niên hiện vẫn chưa thực sự mạnh và đồng đều về kiến thức, vốn vay, truyền thông, tiếp cận khoa học công nghệ. Do đó, việc hỗ trợ các HTX, THT thanh niên tham gia các buổi xúc tiến thương mại, triển khai các trang thương mại điện tử sẽ tạo cơ hội tốt cho HTX, THT thanh niên phát triển, nhân rộng.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để đưa các THT, HTX thanh niên thăm các HTX tiêu biểu về chuyển đổi số để giúp họ có kinh nghiệm thực tiễn triển khai mô hình của mình hiệu quả. Các lớp tập huấn kết hợp với các KOC (người tiêu dùng chủ chốt), những người có tầm ảnh hưởng để cầm tay chỉ việc sẽ giúp các HTX, THT thanh niên ứng dụng công nghệ trong tiêu thụ và kinh doanh nông sản.
“Việc ưu tiên nguồn vốn Khuyến công quốc gia để các HTX, THT thanh niên tiếp cận cũng sẽ thu hút thêm nhiều người tham gia mô hình THT, HTX thanh niên và giúp mô hình này lớn mạnh hơn”, ông Cảnh Chí Quân nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, cho biết từ năm 2018 đến nay, Thái Nguyên đã hỗ trợ cho 68 tổ chức kinh tế tập thể thu hút 70 lao động trẻ chủ yếu làm ở các vị trí như kế toán, kỹ thuật, phát triển thị trường. Để làm được điều này, Liên minh HTX tỉnh phải bám sát các chủ trương của Đảng, của tỉnh để hỗ trợ các HTX thanh niên tiếp cận chính sách cũng như hỗ trợ các HTX thu hút lao động trẻ về làm việc một cách kịp thời.
Huyền Trang