Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa” tại xã Tịnh Bắc đã giảm được chi phí đầu tư, lợi nhuận cao hơn so với ruộng đại trà trên 2,5 triệu đồng/ ha.
![]() |
Mô hình "trồng lạc bằng phương pháp che phủ bạt” tại xã Tịnh Bắc (Ảnh: Tư liệu) |
HTX hoạt động ngày càng hiệu quả
HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Tịnh Bắc có ngành nghề kinh doanh chính là nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan.
Từ khi thành lập đến nay, HTX DVNN Tịnh Bắc hoạt động ngày càng hiệu quả. HTX đã thực hiện tốt các loại hình dịch vụ gồm: Thủy lợi, tín dụng nội bộ, cơ giới hóa, lâm nghiệp, khuyến nông. Tổng doanh thu mỗi năm của HTX đạt trên 647 triệu đồng, lãi phân phối gần 107 triệu đồng; tiền lương bình quân xã viên khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Nhờ vận dụng linh hoạt Luật HTX năm 2012, HTX DVNN Tịnh Bắc đã đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn của địa phương. Ông Hoàng Thế Vinh - Giám đốc HTX khẳng định: “Luật HTX năm 2012 đã “cởi trói” cho hoạt động của các HTX. Từ đó, HTX đã chủ động trong hoạt động của mình, chọn được hướng đi phù hợp với nhu cầu của người dân địa phương”.
Nhằm từng bước cụ thể hóa Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Sơn Tịnh, HTX DVNN Tịnh Bắc phối hợp với Trạm khuyến nông huyện thực hiện mô hình trình diễn trồng lạc bằng phương pháp che phủ bạt. Phương pháp này giúp tiết kiệm lượng nước tưới và giảm chi phí công lao động, nâng cao năng suất cây trồng.
Mô hình được thực hiện trình diễn với quy mô 0,5 ha, ở xứ đồng Thổ Cam, thôn Minh Mỹ, xã Tịnh Bắc với 7 hộ tham gia, giống lạc sử dụng là LDH 01. Lượng giống trồng 10 kg lạc vỏ/sào. Bà con nông dân tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư.
Theo kết quả đánh giá mô hình, tỷ lệ quả 3 hạt trở lên đạt 59,8% cao hơn so với lạc địa phương 34,8%; năng suất của lạc trong mô hình đạt 27,59 tạ/ha, cao hơn so với kế hoạch đề ra 2,59 tạ/ha, đạt 110,4%, và cao hơn năng suất lạc địa phương 6,76 tạ/ha. Lợi nhuận mô hình mang lại hơn 28 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng ngoài đại trà hơn 13 triệu đồng/ha.
Việc áp dụng mô hình trồng lạc theo phương pháp này đã khắc phục tình trạng thiếu nước tưới và áp lực mùa vụ, từng bước giúp bà con nông dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhằm gia tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác.
Cây lúa được xác định là cây chủ lực đối với ngành trồng trọt của huyện Sơn Tịnh. Tuy nhiên, hiện nay, bà con nông dân còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu bền vững, chưa mạnh dạn thay đổi và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất như: còn dùng thóc ăn để làm giống; gieo sạ mật độ còn dày; bón phân chưa cân đối, nhất là việc bón thừa đạm; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn tùy tiện... dẫn đến chi phí đầu vào cao, chất lượng sản phẩm thấp, hiệu quả kinh tế chưa đạt so với yêu cầu. Mặt khác, tình trạng sử dụng nước tưới chưa khoa học, không theo giai đoạn sinh trưởng của lúa, làm lãng phí nước trong điều kiện thiếu nước tưới như hiện nay.
Vì vậy, giải pháp tối ưu là phải thiết kế lại đồng ruộng thành những vùng sản xuất tập trung, từ đó ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học để tạo ra những mặt hàng nông sản chất lượng với khối lượng lớn nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia vào quá trình tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sơn Tịnh phối hợp với HTX DVNN Tịnh Bắc xây dựng mô hình trình diễn “cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa”.
Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn
Giống lúa sử dụng trong mô hình là TBR225 (cấp giống xác nhận). Lượng giống gieo sạ 90 kg/ha (4,5 kg/sào Trung Bộ). Đây là giống lúa do CTCP Tập đoàn ThaiBinh Seed chọn tạo, đã được khảo nghiệm theo quy phạm khảo nghiệm quốc gia, được Hội đồng Khoa học công nghệ Bộ NN&PTNT công nhận chính thức là giống quốc gia năm 2015.
![]() |
Kiểm tra giống lúa TBR225 tại mô hình "cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa" xã Tịnh Bắc (Ảnh: Tư liệu) |
Qua theo dõi kết quả thực hiện "Cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa" tại xã Tịnh Bắc, giống lúa trong mô hình có tỷ lệ nảy mầm cao (>95%), chiều cao cây 105 - 110cm, cây cứng, trổ bông tập trung, bông to, dài, nhiều hạt, hạt thon dài, khối lượng 1000 hạt 24-25g. Các yếu tố cấu thành năng suất (số bông/m2, số hạt chắc/bông...) có sự khác biệt rất rõ giữa 2 ruộng mô hình và ruộng nông dân.
Theo đánh giá, năng suất lúa trong mô hình trình diễn ước đạt 64,7 tạ/ha, trong khi năng suất của lúa ngoài đại trà trong cùng điều kiện sinh thái và thổ nhưỡng ước 62,3 tạ/ha. Giảm được các khoản đầu tư không cần thiết như: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc so với sản xuất lúa ngoài đại trà trong cùng điều kiện. Đáp ứng tiêu chí đã áp dụng vào mô hình là sản xuất theo phương pháp “1 phải, 5 giảm”.
Về chi phí, mô hình trình diễn “Cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa” đã giảm được chi phí đầu tư so với lúa sản xuất ngoài đại trà trong cùng điều kiện là trên 1,1 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận ở ruộng mô hình là 13,36 triệu đồng/ha, ruộng nông dân 10,810 triệu đồng/ ha. Như vậy, ruộng mô hình lãi cao hơn so với ruộng của nông dân là 2,55 triệu đồng/ha.
Đa số bà con nông dân tham gia mô hình đều đánh giá giống lúa TBR225 là giống thích ứng rộng, đẻ nhánh khỏe, chịu thâm canh, cứng cây, trổ bông tập trung, bông to dài, nhiều hạt, có tiềm năng năng suất cao, chất lượng gạo ngon, nhưng vẫn còn nhiễm nhẹ đối với bệnh đạo ôn.
Qua thực hiện mô hình giúp bà con nông dân có điều kiện tiếp cận các giống lúa mới có khả năng thích nghi với thổ nhưỡng nơi đây và hạn chế được các loại sâu bệnh hại, bảo vệ môi trường, cho năng suất cao, tăng thu nhập của người dân trồng lúa.
Đan Nam